Trung Quốc mạnh tay với "quan môi trường bẩn"

Thứ Tư, 10/01/2018, 14:53
Việc áp dụng luật thuế môi trường mới từ ngày 1-1-2018 cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ trong cuộc chiến đẩy lùi ô nhiễm. Ngoài ra, cũng từ năm 2018, Luật Thuế bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực.


Theo đó, các cục thuế địa phương sẽ chịu trách nhiệm thu thuế môi trường của doanh nghiệp và tổ chức công. Đây là lần đầu tiên một hệ thống thuế rõ ràng được áp dụng đối với các hình thức gây ô nhiễm tại Trung Quốc. 

Theo giới chuyên môn, Trung Quốc có thể thu khoảng 8 tỷ USD/năm từ hệ thống thuế môi trường này. Với luật mới, hệ thống thu "phí xả thải" tồn tại gần 40 năm qua chấm dứt. Và luật mới quy định làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, thải chất thải rắn và tiếng ồn là 4 hoạt động làm ô nhiễm chính có thể thu thuế. 

Theo giới truyền thông, tại Hội nghị công tác kinh tế trung ương (kết thúc hồi hạ tuần tháng 12-2017), lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã xác định, giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường là 1 trong 3 cuộc chiến cam go trong 3 năm tới. 

Theo thống kê, kết thúc năm 2017, các cơ quan chức năng đã cơ bản giải quyết xong hơn 40.000 vụ tố cáo liên quan đến môi trường và lập hồ sơ xử phạt đối với hơn 10.000 tổ chức.

Hơn 18.000 quan chức tắc trách, không hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Cũng từ ngày 1-1-2018, Luật Phòng chống và Kiểm soát ô nhiễm môi trường nước sửa đổi cũng chính thức có hiệu lực. Trước đó (tháng 6-2016), Quốc hội Trung Quốc đã thông qua Luật Phòng chống và Kiểm soát ô nhiễm môi trường nước sửa đổi với những quy định khắt khe hơn về trách nhiệm và công tác giám sát của chính quyền các cấp, đồng thời xử phạt nặng đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường nước. 

Những cá nhân và đơn vị xây dựng đường ống xả thải tại các khu vực có nguồn nước uống được bảo vệ sẽ phải đối mặt với mức phạt lên đến 1 triệu nhân dân tệ (NDT). 

Hơn 10 ngày trước (28-12-2017), Văn phòng Kiểm tra công tác bảo vệ môi trường quốc gia thông báo, đã phát hiện hơn 18.000 quan chức, trong đó phần lớn ở địa phương, không có hành động gì hay thất bại trong công tác bảo vệ môi trường (kể từ năm 2016). 

Theo ông Lưu Trường Căn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Kiểm tra công tác bảo vệ môi trường quốc gia, danh tính, chức vụ và sai phạm của các quan chức kể trên đã được báo lên lãnh đạo, những người sẽ quyết định hình thức trừng phạt họ. 

Hơn 2 tháng trước (9-11-2017), Tòa án Nhân dân Bắc Kinh đã tuyên án 4 năm tù giam đối với ông Trương Lực Quân, nguyên Thứ trưởng Bộ Bảo vệ Môi trường vì tội nhận hối lộ khoảng 2,43 triệu NDT. Ngoài bản án 4 năm tù, ông Trương Lực Quân còn phải nộp phạt 500.000 NDT.

Theo giới truyền thông, sau nhiều năm chú trọng vào phát triển kinh tế bằng mọi giá khiến môi trường bị tàn phá nghiêm trọng, chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy các biện pháp mạnh tay để bảo vệ môi trường. 

Hơn 10 ngày trước (22-12-2017), Bộ Bảo vệ Môi trường thông báo, đã truy cứu trách nhiệm đối với hơn 6.400 quan chức tại 7 tỉnh thành do những thiệt hại liên quan đến môi trường. Trong đó, 424 người đã bị bắt và bị phạt với số tiền lên tới 547,6 triệu NDT. 

Theo giới truyền thông, Bộ Bảo vệ Môi trường đã thành lập nhiều đoàn đi kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại 7 tỉnh thành như An Huy, Phúc Kiến, Quý Châu, Hồ Nam, Liêu Ninh, Sơn Tây, Thiên Tân và đã phát hiện trên 31.000 vụ việc vi phạm, bắt và truy cứu trách nhiệm đối với nhiều quan chức vi phạm. 

Bộ Bảo vệ Môi trường khuyến cáo, nhiều dự án phi pháp tại các khu bảo tồn thiên nhiên đã và đang hủy hoại hệ sinh thái và công tác bảo vệ môi trường tại một số tỉnh thành phải được cải thiện. 

Được biết, Bộ Bảo vệ Môi trường đã phát động chiến dịch giám sát môi trường cấp quốc gia lớn nhất trong lịch sử, khi điều khoảng 5.600 thanh sát viên môi trường tới các địa phương bị ô nhiễm nặng nề nhất để kiểm tra tình hình. 

Và chỉ trong tháng 8 và tháng 9-2017, đã có hơn 10.000 công ty ở Sơn Đông, một trong những tỉnh công nghiệp hóa mạnh mẽ nhất của Trung Quốc đã bị phạt với tổng số tiền lên tới 100 triệu NDT do có hành vi làm ô nhiễm môi trường.

Ngày 3-1, Cục Bảo vệ môi trường Bắc Kinh thông báo, nhờ thực hiện biện pháp cắt giảm những nhân tố gây ô nhiễm và thời tiết thuận lợi, Thủ đô đã đạt được mục tiêu chất lượng không khí trong năm 2017. Theo đó, mật độ PM 2,5 (hạt bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet) trung bình năm của Bắc Kinh trong năm 2017 là 58 microgram/m3, giảm 35,6% so với năm 2012. Theo kế hoạch đặt ra năm 2013, mật độ PM 2,5 của thành phố này phải thấp hơn 60 microgram/m3. Và để đạt được mục tiêu này, Bắc Kinh đã cho đóng cửa gần 2.000 nhà máy sản xuất xi măng, kim loại và nội thất. Nhà máy nhiệt điện than và hơn 2 triệu xe có lượng khí thải cao cũng đã bị loại bỏ.
Trịnh Huyền My
.
.
.