Trung Quốc mạnh tay với tội phạm IT

Chủ Nhật, 13/08/2017, 19:29
Trong thông báo ngày 7-8, đại diện Bộ Công an cho biết, cảnh sát nước này vừa dẫn độ thành công 77 đối tượng tình nghi thực hiện các vụ gian lận viễn thông và trực tuyến từ đảo quốc Fiji. 77 nghi phạm này bị cáo buộc đã tiến hành hơn 50 vụ lừa đảo, gây thiệt hại trên 6 triệu nhân dân tệ (NDT).


Và đây là số lượng nghi phạm lớn nhất từ trước đến nay bị cảnh sát Trung Quốc dẫn độ về nước từ một quốc gia thuộc khu vực châu Đại Dương. Theo giới truyền thông, Bộ Công an đã quyết định lập chuyên án sau khi nhận báo cáo về vụ tự tử của một người bị lừa mất 1,3 triệu NDT tại tỉnh Cát Lâm hôm 22-9-2016.

Trong quá trình điều tra, cảnh sát phát hiện ra một đường dây chuyên tổ chức các hoạt động đánh bạc và xổ số trực tuyến phi pháp, có liên quan tới hơn 200 nghi phạm ở Trung Quốc, Indonesia và Fiji, với số tiền lên tới gần 100 triệu NDT. Cuộc điều tra được mở rộng trong một chiến dịch mang quy mô trên phạm vi toàn quốc và nạn nhân của đường dây kể trên sống tại hơn 20 tỉnh, thành.

Các đối tượng tình nghi lừa đảo tại trụ sở cảnh sát Jakarta.

Tới ngày 2-7, Bộ Công an quyết định cử một đội cảnh sát tới Fiji để phối hợp với cảnh sát địa phương tiến hành các vụ bắt giữ. Trong đợt ra quân ngày 18-7, cảnh sát Trung Quốc và cảnh sát Fiji đã triệt phá nhiều cơ sở hoạt động bất hợp pháp, bắt 77 nghi phạm và thu giữ nhiều thiết bị phạm tội như điện thoại di động, máy tính và thẻ ngân hàng.

Đài Loan vừa phản đối Indonesia sau khi nước này bắt dẫn độ 22 người Đài Loan trong số 143 nghi phạm lừa đảo viễn thông về Trung Quốc hôm 3-8. 143 nghi phạm này sau khi bị cảnh sát Indonesia bắt ở Jakarta, Surabaya và Bali, đã bị trục xuất về thành phố Thành Đô và Thiên Tân (Trung Quốc).

Những nghi phạm này có liên quan tới một đường dây lừa đảo qua mạng, đã lừa đảo khoảng 450 triệu USD từ cuối năm 2016. Theo người phát ngôn cơ quan di trú Agung Sampurno cho biết, 121 người Trung Quốc và 22 người Đài Loan đã được chuyển giao cho cảnh sát Trung Quốc và rời sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở thủ đô Jakarta trên 2 chuyến bay.

"Họ là một phần của nhóm tội phạm xuyên quốc gia và họ tới Indonesia dưới hình thức du lịch", ông Agung Sampurno nói. Theo cảnh sát Trung Quốc, những nghi phạm kể trên bị bắt với cáo buộc mạo danh cảnh sát để lừa đảo nhiều doanh nhân và chính trị gia với số tiền lên tới hàng trăm triệu USD. T

heo giới chuyên môn, số đối tượng này bị cảnh sát Indonesia bắt nhờ thông tin của cảnh sát Trung Quốc. Theo giới truyền thông, đây là lần phối hợp đầu tiên giữa cảnh sát Trung Quốc với cảnh sát Indonesia trong việc tấn công vào loại hình tội phạm lừa đảo này.

Được biết, đây là tổ chức lừa đảo trực tuyến quốc tế, thủ phạm và nạn nhân đều là người Trung Quốc, nhưng các vụ lừa đảo chỉ xảy ra ở Indonesia. Theo người phát ngôn cảnh sát quốc gia Indonesia Rikwanto, những kẻ lừa đảo đã hoạt động tại Indonesia từ cuối năm ngoái để tránh bị theo dõi tại quê nhà và kiếm được khoảng 450 triệu USD từ các vụ lừa đảo.

Gần 10 ngày trước (2-8), cảnh sát Campuchia đã bắt 215 nghi phạm, trong đó có 32 phụ nữ Trung Quốc ở 2 nhà nghỉ tại Poipet thuộc tỉnh Banteay Meanchey trong chiến dịch phá âm mưu tống tiền bằng công nghệ VoIP ở nước này. Các nghi phạm sau khi bị bắt đã được đưa tới Siem Reap.

Theo ông Khun Sambo, Phó Cục trưởng Cục Nhập cư của Bộ Nội vụ Campuchia, có một số nghi phạm được trả tự do vì họ chỉ nấu ăn và dọn dẹp. Tờ Bưu điện PhnomPenh dẫn lời ông Uk Hai Sela, người đứng đầu cơ quan điều tra của Bộ Nhập cư Campuchia cho biết, những người kể trên đã sử dụng công nghệ VoIP để liên lạc với các công chức ở Trung Quốc và tiến hành lừa đảo theo 3 giai đoạn.

Đầu tiên, chúng tìm hiểu về thông tin nền của các công chức (giáo viên, y tá và quan chức tòa án và quan chức cấp cao). Tiếp theo, chúng dùng "chim mồi" liên lạc với số công chức này thông qua WeChat để "hẹn hò yêu đương" và trao đổi ảnh khỏa thân. Sau đó, chúng dọa công bố những tấm ảnh này nếu nạn nhân không trả tiền.

Và mỗi nạn nhân muốn thoát khỏi vụ bê bối đều nhận được yêu cầu phải nộp từ 10.000 NDT đến 100.000 NDT. Theo tờ Cambodia Daily, các cơ quan chức năng Campuchia đang điều tra cách thức số nghi phạm kể trên đã nhập cảnh vào nước này trong khi không có giấy tờ hợp lệ và ai đứng sau những hoạt động phạm pháp này.

Trước đó, 31 đối tượng người Trung Quốc phạm tội tống tiền đã bị trục xuất về nước. Tướng Ok Hayxayla, Cục trưởng Cục Điều tra và chấp hành pháp luật Bộ Nội vụ Campuchia cho biết, số đối tượng kể trên đã thuê khách sạn ở 3 nơi khác nhau để thực hiện hành vi tống tiền các doanh nghiệp qua điện thoại và Internet. Giới chuyên môn coi đây là loại hình thức tống tiền mới và nạn nhân hầu hết là doanh nghiệp ở Trung Quốc và Campuchia.

Anh Phương
.
.
.