Trung Quốc mạnh tay xử lý thực phẩm bẩn

Thứ Năm, 06/04/2017, 20:00
Việc 34 nhà hàng bị yêu cầu rút khỏi một trong những hệ thống bán hàng thực phẩm trực tuyến nổi tiếng nhất Trung Quốc của Cục Giám sát và Quản lý thực phẩm & dược phẩm thành phố Bắc Kinh, vì cung cấp các loại thức ăn nguội nhưng không có giấy phép, được coi là hành động mạnh tay của chính quyền trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn tại quốc gia đông dân nhất thế giới.


Quyết định kể trên cùng với những quy định mới được đưa ra cho thấy, việc giao thực phẩm qua mạng tại Trung Quốc tới đây sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn. Bởi đây là ngành kinh doanh đang bùng nổ tại Trung Quốc, khi tiện ích của công nghệ thông tin làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng.

Theo thống kê tại thành phố Bắc Kinh, có 5 hệ thống dịch vụ đặt và giao hàng trực tuyến qua mạng, với sự tham gia của khoảng 67.000 nhà hàng và quán ăn. Cục Giám sát và Quản lý thực phẩm & dược phẩm thành phố Bắc Kinh sẽ kiểm tra giấy phép kinh doanh, giấy phép y tế, chất lượng nguyên liệu và sức khoẻ của các đầu bếp tại những nhà hàng kinh doanh trực tuyến. Một hệ thống đánh giá nhà hàng cũng sẽ được giới thiệu để người tiêu dùng có cơ sở mua hàng an toàn nhất.

Theo thống kê, những trang mạng dịch vụ bán thực phẩm trực tuyến tại Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh với giá trị lên tới 152 tỷ nhân dân tệ (NDT) trong năm 2016. Theo số liệu công bố tại cuộc họp báo giới thiệu "Sách xanh đô thị số 9" ở Bắc Kinh (tháng10-2016), cứ gần 1 giờ trôi qua lại có 1 người chết vì thực phẩm bẩn.

Nhiều người hy vọng, việc Trung Quốc thông qua kế hoạch 5 năm lần thứ 13 về an toàn thực phẩm, với nhiều quy định chặt chẽ sẽ ngăn chặn vấn nạn thực phẩm bẩn và lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.

Trong tương lai, người vi phạm sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc, chẳng hạn như hành vi làm giả thực phẩm sẽ bị khởi tố hình sự. Theo đó, không chỉ phạt tiền, những đối tượng là doanh nghiệp vi phạm an toàn thực phẩm mang tính hệ thống, gây ảnh hưởng nghiêm trọng có thể lĩnh án tử hình.

Kiểm tra chất lượng sữa bột trẻ em tại một siêu thị ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô.

Luật an toàn vệ sinh thực phẩm mới sửa đổi nâng mức xử phạt đối với các doanh nghiệp vi phạm như tước giấy phép kinh doanh, phạt tiền gấp 30 lần giá trị sản phẩm, cơ chế truy ngược sản phẩm khi có vấn đề… Tuy nhiên dư luận cho rằng, cuộc chiến chống thực phẩm bẩn ở Trung Quốc khó thực hiện nghiêm túc bởi trước đây đã có không ít vụ bê bối thực phẩm bẩn bị phanh phui.

Ngoài ra khối lượng công việc quá lớn, và những tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm đặt ra quá cao so với thực tế hiện tại. Theo thống kê của Tổng cục Giám sát và Quản lý thực phẩm & dược phẩm quốc gia (CFDA), trong giai đoạn 2013-2015, Trung Quốc đã xử lý 1,1 triệu trường hợp vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Dư luận cũng quan tâm tới vấn nạn tin tức giả về thực phẩm. Tờ Nhân Dân nhật báo vừa dẫn kết quả nghiên cứu của trường Đại học Trung Sơn cho thấy, khoảng 15% số tin tức giả được đọc nhiều nhất trên ứng dụng WeChat của Trung Quốc có liên quan đến vấn đề thực phẩm. Trong đó có những thông tin dễ phát tán tràn lan như rong biển làm bằng nhựa và nho không hạt nhờ phun thuốc ngừa thai.

Tin tức giả này đã khiến giá bán sỉ rong biển giảm hơn 50% ở Tấn Giang, nơi cung cấp 70% rong biển trên toàn Trung Quốc. Năm 2016, nông dân nuôi tôm hùm từng thua lỗ nặng vì bài viết bịa đặt từ WeChat, thu hút trên 54 triệu lượt xem.

Vụ xét xử 11 đối tượng sản xuất và tiêu thụ sữa công thức trẻ em giả mạo bị xét xử (có thể phải nhận mức án tù chung thân) tại Thượng Hải (từ 28-3) đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi các đối tượng này đã sản xuất hàng chục nghìn hộp sữa bột giả mạo thiết kế và logo của 2 thương hiệu Beingmate (Trung Quốc) và Abbott (Mỹ), sau đó đóng các loại sữa công thức giá rẻ và chất lượng thấp.

Được biết, hơn 15.000 hộp sữa công thức trẻ em giả mạo thương hiệu Abbott và 9.000 hộp sữa công thức trẻ em giả mạo thương hiệu Beingmate đã được tiêu thụ tại nhiều thành phố thuộc khu vực phía Đông và miền Trung Trung Quốc thông qua các cơ sở kinh doanh trong 2 năm 2014-2015, thu lời phi pháp hàng triệu NDT. Đây là vụ bê bối sữa bột lớn nhất Trung Quốc kể từ sau vụ sữa trộn melamine khiến 6 trẻ em chết năm 2008.

Tờ Tin tức Bắc Kinh vừa đưa tin khiến dư luận lo lắng, khi cho biết khoảng 50 nhà máy đã bị phát hiện sản xuất các loại nước chấm và hương liệu nhân tạo, trong đó có một số chứa thành phần trái phép ở thành phố Thiên Tân. Khoảng 100 triệu NDT giá trị hàng hóa giả được sản xuất mỗi năm ở thị trấn Độc Lưu ở Thiên Tân. Và các sản phẩm kể trên được dán nhãn các thương hiệu nổi tiếng như Nestle, Knorr và Maggi.
Khắc Tuấn
.
.
.