Trung Quốc mở chiến dịch loại bỏ 'ngân hàng ngầm'

Thứ Hai, 31/08/2015, 15:35
Theo Tân Hoa xã, ngày 24/8, ông Mạnh Khánh Phong, Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc đã thông báo: từ nay đến cuối tháng 11, sẽ mở chiến dịch loại bỏ các “ngân hàng ngầm” trong cả nước.
Ông yêu cầu công an các địa phương cần nhận thức đầy đủ về mối nguy hại của các “ngân hàng ngầm” và nạn tín dụng đen đối với an ninh kinh tế quốc gia, trật tự quản lý tiền tệ, đồng thời tăng cường ý thức trách nhiệm chính trị và chức trách nhiệm vụ, kiên quyết nghiêm trị hoạt động phạm tội về kinh doanh tiền tệ trái phép, thiết thực bảo vệ trật tự thị trường tiền tệ và nguồn vốn của quốc gia.

Hồi đầu tháng 7, trước tình hình thị trường chứng khoán mất điểm nghiêm trọng, Bộ Công an đã cùng với Ủy ban Giám sát thị trường chứng khoán tiến hành nghiên cứu, phân tích, huy động lực lượng công an cả nước đánh phá hoạt động phạm tội trong lĩnh vực chứng khoán, khiến tình hình thị trường biến đổi có lợi…

Ông Mạnh Khánh Phong nói, Trung ương Đảng, Quốc vụ viện luôn quan tâm, coi trọng cao độ công tác dẹp các “ngân hàng ngầm”. Nhất là gần đây, chính quyền trung ương đã nhiều lần ra chỉ thị quan trọng.  Trong tháng 4/2015, Bộ Công an đã phối hợp với Ngân hàng trung ương, Cục Quản lý ngoại hối tổ chức một đợt truy quét hoạt động chuyển tiền trái phép của các “ngân hàng ngầm” và các công ty đặt ở nước ngoài. Công an các tỉnh, thành phố như Quảng Đông, Thượng Hải, Liêu Ninh, Triết Giang, Tân Cương đã liên tiếp phá được một loạt vụ án nghiêm trọng.

Cảnh sát Trung Quốc bắt một chủ ngân hàng ngầm.

Tính đến nay, công an cả nước đã phá vỡ 66 ngân hàng ngầm, bắt hơn 160 kẻ tình nghi phạm tội, tổng số tiền liên quan lên tới 430 tỷ  nhân dân tê). Kết quả này đã giáng đòn mạnh vào loại hình phạm tội ngân hàng ngầm. Ông Mạnh Khánh Phong nói, tuy đợt bóc gỡ “ngân hàng ngầm” vừa qua đã đạt được thành quả bước đầu, nhưng tình hình hoạt động phạm tội về tiền tệ vẫn rất gay gắt, phức tạp, địa bàn phạm tội hiện đang có xu thế lan rộng.

Các “ngân hàng ngầm” không chỉ liên quan đến tội phạm về tiền tệ, thị trường chứng khoán, mà còn là hành lang, con đường để bọn tội phạm chuyển tiền do phạm tội mà có; trở thành công cụ để các phần tử tham nhũng rửa tiền, bọn khủng bố chuyển tiền. Một lượng khá lớn "nguồn vốn xám" đã bị chảy ra bên ngoài thông qua các “ngân hàng ngầm”, không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng và đánh mạnh vào việc quản lý ngoại hối, mà còn gây nhiễu loạn nghiêm trọng trật tự thị trường tiền vốn quốc gia, gây nguy hại đến an toàn tiền tệ của đất nước.

Trong chiến dịch này, Bộ Công an xác định rõ các mục tiêu và nhấn mạnh, việc khám phá các đường dây, phân tích, phán đoán rồi xác định trách nhiệm cho các đơn vị, các cá nhân, làm rõ tình hình, kiên quyết xử lý theo pháp luật. Bộ Công an sẽ định kỳ thông báo tình hình, chọn lựa một số vụ án lớn, trọng điểm để chỉ đạo đột phá; đặc biệt chú trọng phát hiện các hoạt động tội phạm chuyển tiền trái phép liên quan đến thị trường chứng khoán, tham nhũng hủ bại, hoạt động khủng bố… kiên quyết chặn đứng xu thế lây lan của hoạt động “ngân hàng ngầm”, tín dụng đen.

Được biết, ngày 24/8, chỉ số Shanghai Composite Index của thị trường chứng khoán Trung Quốc bị mất tới 8,49%, chỉ còn 3.200 điểm, mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua. Ngay trong ngày, Bộ Công an Trung Quốc đã triệu tập hội nghị, quyết định mở chiến dịch đánh các “ngân hàng ngầm” và hoạt động tín dụng đen nhằm bảo vệ trật tự thị trường tiền tệ.

Hoạt động của các “ngân hàng ngầm” ở Trung Quốc đã có từ lâu, gây tổn hại nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ của chính phủ. Vụ án phá “ngân hàng ngầm” đầu tiên được ghi nhận là công an phối hợp với các ngành, các cơ quan bắt băng nhóm 6 tên do Đỗ X. cầm đầu ở Thâm Quyến hồi tháng 8/2007, phong tỏa 55 tài khoản với tổng trị giá lên tới 42 tỷ nhân dân tệ.

Thu Thủy
.
.
.