Sức mạnh của tàu ngầm Mỹ - Nga - Trung

Trung Quốc với tham vọng tàu ngầm thông minh

Thứ Sáu, 18/05/2018, 13:27
Mặt trận dưới nước được xem có vai trò sống còn hàng thứ hai trong các cuộc chiến tranh hiện đại, chỉ sau mặt trận phòng không. Có lẽ đó là lý do khiến các cường quốc quân sự hiện nay đều chú ý phát triển sức mạnh của Hải quân, đặc biệt qua khí tài quân sự chiến lược tàu ngầm.

Ngày 4-2, tờ Daily Star của Anh đưa tin các nhà khoa học Trung Quốc đang phát triển hệ thống trí thông minh nhân tạo (AI) cho tàu ngầm hạt nhân nhằm cải thiện khả năng tư duy của đội ngũ chỉ huy và cơ hội giành chiến thắng trong các cuộc chiến dưới nước.

Quyền tự quyết

Cho đến nay, các quyết định lớn trên các tàu ngầm hạt nhân - chẳng hạn như phát hiện các vật thể dưới nước và phát tín hiệu trả lời đã thu được từ sóng siêu âm - đã được các nhân viên hải quân thực hiện. Nhưng bây giờ AI đã tiến tới điểm mà các nhà khoa học Trung Quốc tin rằng có thể thay thế hầu hết các quyết định của con người, tạo ra tiềm năng của các cuộc chiến tranh trong tương lai hoàn toàn được dẫn dắt bởi các máy móc.

Theo một chuyên gia giấu tên, việc phải hoạt động trong không gian chật hẹp trong thời gian dài lênh đênh trên biển có thể tạo ra áp lực tâm lý lớn và làm giảm khả năng đưa ra quyết định của các chỉ huy tàu ngầm. 

Trước thực tế đó, hệ thống AI hỗ trợ việc đưa ra quyết định theo "quan điểm của riêng hệ thống đó" sẽ giúp giảm bớt khối lượng công việc và "gánh nặng tinh thần" cho các chỉ huy tàu ngầm. AI sẽ bắt chước công việc của não bộ con người nhưng có khả năng xử lý khối lượng thông tin nhiều và nhanh hơn đáng kể.

Trong tình huống chiến đấu, AI có thể hỗ trợ sĩ quan chỉ huy bằng cách đưa ra đánh giá về môi trường tác chiến, cung cấp những phân tích tổng quan về độ mặn và nhiệt độ của nước biển sẽ ảnh hưởng thế nào đến sự chính xác của hệ thống thủy âm sonar. 

Ngoài ra, AI cũng có thể giúp họ cân nhắc nguy cơ và lợi ích từ những cuộc chiến nhất định, đưa ra nhiều đề xuất mà thủy thủ đoàn không thể tính đến. Hệ thống AI trên tàu ngầm Trung Quốc được ưu tiên có cấu trúc đơn giản để giảm thiểu nguy cơ thất bại, đồng thời phải nhỏ gọn và tương thích với các hệ thống máy tính hiện có.

Đội tàu hạt nhân

Theo báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc với Quốc hội, từ đầu năm 2011, Hải quân Trung Quốc (PLAN) đã sở hữu hơn 60 tàu ngầm. Hạm đội này gồm 5 tàu ngầm hạt nhân tấn công, trong đó 3 chiếc thuộc lớp Hán 091 sản xuất năm 1980, 2 chiếc thuộc lớp Thương 093. Những năm gần đây, Trung Quốc còn cho ra mắt loại tàu ngầm mới được thiết kế và sản xuất trong nước là tàu lớp Tấn 094 trang bị tên lửa đạn đạo. Lầu Năm Góc cũng dự báo năm 2015 lớp tàu lớp 095 của Trung Quốc sẽ được đưa vào sử dụng. Đội tàu diezel-điện của Trung Quốc có trên 50 chiếc, trong đó có 13 tàu lớp Song, 4 tàu lớp Nguyên 041 (mới hơn) và 12 chiếc Kilo. Số còn lại thuộc lớp khá lỗi thời là Romeo và Minh. Để so sánh, vào năm 2011, Mỹ có 71 tàu ngầm hạt nhân, gồm 53 tàu tấn công, 4 tàu tên lửa hành trình và 14 tàu tên lửa đạn đạo.

Mỹ từng dự báo số tàu ngầm Trung Quốc sẽ vượt mặt  họ vào năm 2011. Có 3 diễn biến từ năm 2006-2011 khiến thực tế không như dự báo: Trung Quốc ngưng nhập khẩu tàu ngầm; chương trình sản xuất tàu ngầm trong nước cũng chậm lại; Mỹ tăng gấp đôi hoạt động sản xuất tàu ngầm. 

Trước đó, Trung Quốc đã mua hàng chục chiếc tàu ngầm lớp Kilo của Nga, giúp hạm đội tàu ngầm của họ tăng vọt. Thế nhưng, Nga không đáp ứng tốc độ mua tàu ngầm của Trung Quốc, bởi Bắc Kinh cũng là đối thủ chiến lược tiềm năng của Moskva. 

Ngoài ra, đội tàu của Nga cũng bị giảm nhiều, nên họ cũng không muốn “người anh em” Trung Hoa lại quá mạnh so với mình. Khi Nga hạn chế xuất khẩu, Trung Quốc phải tự đóng tàu ngầm. Ở lĩnh vực này, Trung Quốc phải phụ thuộc Nga. Đến năm 2003, Nga vẫn là nhà cung cấp công nghệ và thiết bị chính cho các chương trình hạt nhân hải quân của Trung Quốc và Ấn Độ, theo Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA).

Sau năm 2007, Trung Quốc chỉ gia tăng đội tàu ngầm bằng các tàu đóng trong nước, tức bị hạn chế vì khả năng của ngành công nghiệp vũ khí Trung Quốc, vốn phụ thuộc nặng vào việc cung cấp động cơ và thiết bị điện tử từ Nga, đó là chưa kể tới việc kiểm soát an toàn và chất lượng. 

Chẳng hạn, vào tháng 8-2011, tin tình báo cho biết một chiếc tàu lớp Tấn 094 đã bị rò rỉ phóng xạ khi đang neo đậu ở cảng Đại Liên. Thời gian này đội tàu ngầm của Trung Quốc gia tăng không quá 2 chiếc/năm.

Vẫn còn xa

Với kịch bản khả quan nhất, đội tàu ngầm hạt nhân tấn công của Trung Quốc cũng không thể gia tăng mạnh trong các thập niên tới. Thậm chí, đội tàu ngầm hạt nhân tấn công có thể sụt giảm, khi 3 chiếc lớp Hán 091 phải dừng hoạt động vì quá cũ trước khi có đủ chiếc lớp 095 bù vào.

Thực tế này khiến sức mạnh dưới mặt nước của Trung Quốc không đáng quan ngại, vì phải có đội tàu hạt nhân tấn công hùng mạnh mới có thể làm “bá chủ” các vùng nước sâu, nơi thường diễn ra tranh chấp với các nước khác.

Về đội tàu diezel-điện, theo báo cáo của Lầu Năm Góc “PLA chỉ có thể liên hệ giới hạn với đội tàu ngầm khi chúng ra biển”. Hơn nữa, các tàu ngầm của Trung Quốc được tối ưu hóa để tấn công các mục tiêu trên mặt nước, như tàu sân bay Mỹ, trong khi hệ thống vũ khí và quét sonor rất yếu cho việc tìm và tấn công các tàu ngầm đối phương.

Theo Business Insider, kể từ năm 2002, Trung Quốc đã xây dựng 10 tàu ngầm hạt nhân: 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân hạng I và II - có khả năng bắn các tên lửa phản lực và tấn công đất - và 4 tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân. Tuy nhiên, gánh nặng của lực lượng dưới biển của Trung Quốc là các tàu ngầm chạy bằng diesel. Theo Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), Trung Quốc có 54 tàu điện diesel nhưng không rõ liệu tất cả chúng có đang hoạt động hay không.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc có khoảng 70 tàu ngầm vào nãm 2020. Trong khi dường như không có khả năng xây dựng thêm các tàu ngầm hạt nhân, thì thêm 20 tàu ngầm điện diesel hạng Yuan "dường như hoàn toàn hợp lý", theo IISS. Việc mở rộng đó đòi hỏi đầu tư nhiều hơn vào việc đào tạo và bảo trì, nhưng các tàu ngầm điện diesel rất mạnh.

Văn Cường
.
.
.