Trung Quốc xây 13 đồn cảnh sat ở Nam Phi

Chủ Nhật, 18/11/2018, 13:28
Không chỉ mở rộng quan hệ hợp tác về kinh tế với Nam Phi, Trung Quốc còn đang tiến hành chiến dịch xây dựng các trung tâm đảm bảo an ninh trên toàn quốc gia châu Phi này. Cuối tháng 10 vừa qua, đồn cảnh sát thứ 13 của Trung Quốc đã được khánh thành tại cảng Elizabeth.


Mang tên Trung tâm Cộng đồng và hợp tác mới của Trung Quốc, đồn cảnh sát này có trụ sở tại cảng Elizabeth và được thành lập cùng với Trung tâm đào tạo ngôn ngữ Trung Quốc. Trung tướng Nam Phi Liziwe Ntshinga trong bài phát biểu đã khẳng định đây là một minh chứng cho thấy nỗ lực hợp tác về an ninh giữa hai quốc gia và nhấn mạnh tới sự cần thiết phải tăng cường hợp tác cấp cộng đồng giữa cảnh sát Nam Phi và cảnh sát Trung Quốc.

Tờ China Daily của Trung Quốc trong một bài viết năm 2013 cho hay, khái niệm về Trung tâm cộng đồng và hợp tác mới của Trung Quốc tại Nam Phi được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 2004 và sau đó được chú ý nhiều hơn khi xảy ra hàng loạt vụ tấn công nhằm vào các công dân Trung Quốc sống và làm việc tại Nam Phi. Vì vậy, trung tâm này có ý nghĩa như một mối liên kết giữa lực lượng cảnh sát Nam Phi và chính phủ Trung Quốc.

Đồn cảnh sát Trung Quốc thứ 13 ở Nam Phi vừa được khánh thành.

Bài báo có đoạn viết: "Năm 2003, 24 người Trung Quốc bị giết ở Johannesburg. Không ai dám đi vào ban đêm ở khu Chinatown vì sợ cướp và tống tiền. Tại khu vực để hàng có 14 kho hàng thì 8 kho hàng của người Trung Quốc đã bị cướp. Sau khi băng cướp bị bắt giữ, người ta đã tính đến một giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn tốt hơn. Năm 2004, Cộng đồng Trung Quốc và Trung tâm hợp tác cảnh sát Nam Phi được thành lập ở Johannesburg giúp người Trung Quốc báo cáo tội phạm và nhận được sự hỗ trợ điều tra của cảnh sát Nam Phi.

Sau này, trung tâm được đổi tên thành Trung tâm Cộng đồng và hợp tác mới của Trung Quốc. Trung tâm ngôn ngữ Trung Quốc nằm trong trung tâm này là giúp các công dân Trung Quốc không nói được tiếng Anh để có thể giao tiếp hoặc khiếu kiện với chính quyền Nam Phi.

Một số tờ báo Nam Phi cho hay, ngoài Trung tâm Cộng đồng và hợp tác mới của Trung Quốc, một trung tâm báo cáo dịch vụ cảnh sát Nam Phi cũng đã được thành lập từ năm 2016 với nhiệm vụ là hỗ trợ Trung tâm Cộng đồng và hợp tác mới của Trung Quốc để giải quyết các vụ việc gây rối loạn trật tự an ninh công công.

Đại sứ Trung Quốc tại Nam Phi khi đó nhấn mạnh rằng đây sẽ là những chiếc ô để bảo vệ cho cộng đồng người Hoa đang sinh sống ở Nam Phi. Khoảng 80% trong số 300.000 người Trung Quốc ở Nam Phi sống ở Johannesburg.

Nhưng 90% người dân Trung Quốc không nói được tiếng Anh nào. Sự giàu có nhanh chóng trong cộng đồng Trung Quốc nhưng lại thiếu các kỹ năng ngôn ngữ địa phương để giao tiếp với cảnh sát làm cho người Trung Quốc ở Nam Phi dễ dàng trở thành mục tiêu của tội phạm.

Cựu Thứ trưởng Bộ Cảnh sát Nam Phi Meggie Sotyu đánh giá, trung tâm là một mô hình an toàn cộng đồng và sau nhiều năm hợp tác với cảnh sát Nam Phi, trung tâm đã thu thập rất nhiều thông tin về tội phạm. Thậm chí, nhiều khi thông tin mà trung tâm cung cấp đã giúp cảnh sát Nam Phi phá vỡ những mạng lưới tội phạm ngầm hoặc đường dây mại dâm lớn.

Tuy nhiên, việc khai trương Trung tâm Cộng đồng và hợp tác mới của Trung Quốc và mở chương trình đào tạo tiếng Trung Quốc thứ 13 tại Port Elizabeth đã đặt nhiều câu hỏi về vai trò của Trung Quốc trong các tổ chức khác nhau ở châu Phi. Một số người còn lo ngại rằng Trung Quốc đang tìm cách chiếm đóng ở các quốc gia châu Phi.

Trên thực tế là trong nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc không chỉ gia tăng đầu tư kinh tế ở các nước châu Phi mà còn đưa rất  nhiều người tới đây làm việc. Ở mỗi một quốc gia, Trung Quốc đều có cách tiếp cận riêng. Nếu như ở châu Phi là Trung tâm cộng đồng và hợp tác mới thì tại Zambia, Trung Quốc lại mở trung tâm bảo tồn văn hóa và đưa ra yêu cầu đưa một lực lượng cảnh sát tới để hỗ trợ bảo vệ tài sản cho các doanh nhân giàu có.

Tại Djibouti, do tính chất bất ổn về an ninh, Trung Quốc còn xây dựng một căn cứ quân sự và đưa cả hải quân tới khu vực này với lý do: "Đến năm 2017, lượng dầu thô xuất khẩu sang Trung Quốc từ châu Phi và Trung Đông đã tăng lên 5,25 triệu thùng/ngày (chiếm 62% tổng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc) - tăng từ 2,88 triệu thùng/ngày trong năm 2008. Xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Phi cũng đang tăng lên.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc ở châu Phi tăng hơn gấp đôi trong giai đoạn 2011-2015 từ 16 tỷ USD lên 35 tỷ USD. Trung Quốc cũng mở rộng khoản vay trị giá 63 tỷ USD cho các quốc gia châu Phi về quyền lực, giao thông và các dự án khác trong cùng thời kỳ... Những thông tin này cho thấy đã đến lúc cần phải đảm bảo an toàn về an ninh kinh tế của Trung Quốc ở châu Phi".

Khánh Chi
.
.
.