“Trung tâm” lạm dụng trẻ em mới của thế giới

Thứ Tư, 27/08/2014, 14:00

Một báo cáo của Liên Hợp quốc đã "vẽ" bức tranh "đen tối" về sự bùng nổ lạm dụng trẻ em ở nước Anh. Nhiều chuyên gia còn nhận định rằng, London đang trở thành "trung tâm" lạm dụng trẻ em của thế giới với hoạt động buôn bán, mại dâm, giết hại trẻ em… ngày càng "sôi động".

Địa bàn trung chuyển gái mại dâm

Phóng viên tờ Daily Mail (Anh) đã vào vai một "tay chơi" để tiếp cận những cô gái bán dâm tuổi "teen" trên đường phố Bangkok (Thái Lan). "Cô bé nháy mắt, đưa lưỡi liếm xung quanh môi sau đó lên tiếng hỏi bằng tiếng Anh khá hoàn hảo: Ngài có muốn vui vẻ tí không. Hãy đến và vui vẻ với tôi. Tôi có một căn phòng gần đây". "Cô từ đâu đến?", phóng viên hỏi. "London, mà không, Nigeria". "Bao nhiêu tuổi rồi?". "Không phải Ngài thích những người trẻ và dễ thương như chúng tôi sao. 12, chính xác là 12 tuổi". Cô bé nói và không quên "đưa" thêm một cái nháy mắt. Grace chỉ là một trong số rất nhiều cô gái đến từ châu Phi với giọng nói London, "hành nghề" trên đường phố Thái Lan hiện nay.

Grace nói rằng, cô được đưa từ Nigeria đến Anh - nơi cô đã được chuyển từ nhà thổ này sang nhà thổ khác. Sau hai năm, Grace được đưa đến Bangkok. Cô làm việc trên đường phố, dưới sự giám sát của một tay ma cô. Grace chưa được phép "hành nghề" trong các quán bar vì còn quá nhỏ tuổi. Trên những con phố sầm uất giữa khu Nana Plaza và Soi Cowboy, Grace cũng kiếm được "kha khá" vì nơi đây cũng có nhiều khách hàng người Anh đến Thái Lan để du lịch tình dục.

Buôn bán trẻ em vào Anh để lấy tiền phúc lợi xã hội

Người đứng đầu Ủy ban Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em, Kristen Sandberg, cho biết: "Hàng trăm trẻ em đã bị bắt cóc từ gia đình ở châu Phi và bán sang Vương quốc Anh, đặc biệt là London. Nhiều trẻ em bị hãm hiếp và lạm dụng tình dục". Hệ thống phúc lợi xã hội rộng rãi cho trẻ em ở Anh đang là "nam châm" thu hút tội phạm buôn người. Thomas, một thành viên của cộng đồng tại Congo London cho hay, thủ đoạn kiếm tiền phúc lợi như sau, một đứa trẻ được đưa vào Anh và ở lại với người thân hoặc bạn bè sau đó những người thân này sẽ nhận đó là con riêng của mình bằng cách làm giấy tờ giả mạo và xin trợ cấp của Chính phủ cho chúng. "Đó là lý do tại sao trẻ em được gọi là "cửa ngõ lợi ích". Điều này cũng rất phổ biến với cộng đồng dân cư khác, như Nigieria chẳng hạn", Thomas nói.

Báo cáo của Trung tâm chống lạm dụng và bảo vệ trẻ em trực tuyến (CEOP) thừa nhận rằng, buôn bán trẻ em vào Anh để kiếm tiền từ phúc lợi xã hội có xu hướng ngày càng gia tăng. Theo thống kê của cơ quan này thì số tiền phúc lợi xã hội mà chính phủ Anh bị "thâm hụt" vì tội phạm buôn bán trẻ em đã lên tới 3 tỷ bảng. Gần đây, vào tháng 10/2013, một băng đảng ở Đông Âu đã bị cảnh sát Anh phá vỡ khi tiến hành lửa đảo, chiếm dụng hơn 1 triệu bảng bằng thủ đoạn đưa trẻ em đến Anh để lấy tiền phúc lợi xã hội.

Những cái chết vì lý do tôn giáo

Theo nhiều nhà nghiên cứu thì bị bóc lột tình dục không phải là kết thúc "đen tối nhất" đối với trẻ em bị buôn bán vào Anh. Không ít trẻ em bị giết tại Anh vì lý do tôn giáo. Vụ việc cậu bé  Adam bị sát hại ở khu vực gần Tower Bridge vào năm 2001 là minh chứng rất rõ ràng cho vấn đề này. Em là nạn nhân của một đường dây buôn bán trẻ em xuyên quốc gia. Adam đã bị treo lộn đầu xuống đất, cắt cổ họng để phục vụ một nghi lễ hiến tế kỳ bí. Năm 2000, Victoria Climbie, 8 tuổi, được đưa đến London từ Bờ Biển Ngà bị chính người bảo vệ sát hại. Quá trình điều tra người bảo vệ nói rằng, Victoria là một phù thủy. Trong tháng 7 năm 2011, cảnh sát đã bắt giữ Anthony Harrison, 32 tuổi vì tội danh buôn bán hai cô gái trẻ châu Phi đến London để bóc lột tình dục. Anthony Harrison khai nhận rằng, hai cô gái, một cô 14 tuổi và một cô 16 tuổi đã được đưa đến Hy Lạp và Tây Ban Nha để "hành nghề" mại dâm nhưng thực tế, những cô bé đã bị sử dụng vào mục đích tôn giáo. Sau này hai cô gái kể lại rằng, Harrison đã bắt hai cô cạo trọc đầu, nằm khỏa thân trong một chiếc quan tài kín và ăn tim gà sống.

Tổ chức "Người châu Phi đoàn kết chống lại lạm dụng trẻ em" (AFRUCA) có trụ sở tại Anh đang nỗ lực vận động để luật pháp có những quy định cụ thể để bảo vệ trẻ em trước những quy định tôn giáo lạc hậu. Tuy nhiên, chương trình hành động quốc gia của Chính phủ từ năm 2012 nhằm giải quyết vấn đề lạm dụng trẻ em liên quan đến đức tin hay tín ngưỡng chưa đạt được kết quả nào đáng kể

T. Phạm (tổng hợp)
.
.
.