Trường “con ông cháu cha” của Bộ Quốc phòng Nga

Thứ Ba, 22/11/2016, 15:16
Trường chuyên nữ thuộc Bộ Quốc phòng Nga là một trường đặc biệt: chỉ tuyển con gái, mà phải là con của các gia đình có một quân nhân có huy chương Anh hùng, nên được gọi là trường “con ông cháu cha”.


Hàng năm, trường chuyên nữ này chỉ nhận 120 em gái ở tuổi 11. Cầu ít nhưng cung cao, các ứng viên phải “chọi” với tỷ lệ từ 1 chọi 6, thậm chí 1 chọi 40, ngang thi vào các đại học tốt nhất ở Nga.

 Huy chương Anh hùng Nga chỉ trao cho quân nhân có hơn 20 năm tại ngũ và quân nhân hy sinh khi phục vụ quân đội. Nhưng muốn được nhận vào trường, ứng viên không thể chỉ việc chứng minh thành tích của phụ huynh, mà còn phải có sức khỏe cực tốt và có thành tích học tập xuất sắc. Một bác sĩ tâm lý sẽ kiểm tra tâm lý các ứng viên, trong khi các nhà sư phạm kiểm tra trình độ ngoại ngữ, toán và tiếng Nga của các ứng viên.

Vika Melnikova, một cựu học viêncho biết: “Trường có hệ thống tuyển sinh riêng. Chúng tôi phải trưởng thành nhanh và trường giúp chúng tôi trở nên mạnh mẽ, có động cơ phấn đấu”.  Cô khẳng định trường là “một phiên bản nhỏ của cuộc đời thật. Đôi khi có cả khó khăn, nước mắt, nhưng cuối cùng chúng tôi nắm bắt được ý nghĩa của mọi sự”.

Hiện có 840 học viên sống ở Moscow, nhận học bổng toàn phần. Các học viên chỉ được về nhà vào những kỳ nghỉ hè, lễ. Việc học tập của họ có nền tảng là một kế hoạch đào tạo do Bộ Quốc phòng Nga thiết kế, không phải của Bộ Giáo dục.

Điều mâu thuẫn là các học viên không học những vấn đề quân sự, mà học những môn học được dạy ở các trường tư nhân tốt nhất. Cựu học viên Sasha Bened nói: “Chúng tôi được tự do chọn môn thể thao ưa thích như: bơi, điều khiển ngựa, trượt băng nghệ thuật, vật tự do, đấu kiếm. Chúng tôi được đi tham quan triển lãm, nơi mà các nghệ nhân giúp chúng tôi tự sáng tác tác phẩm nào đó. Chúng tôi được dạy chơi các nhạc cụ. Trường có một đội trống đã tham dự nhiều cuộc thi tài. Hàng năm chúng tôi đều tham dự festival âm nhạc Tháp Spasskaya ở Quảng trường Đỏ”.

Khi tốt nghiệp, một số học viên sẽ theo truyền thống của gia đình, trở thành bác sĩ quân y hoặc người phiên dịch quân sự, nhưng đa số các nữ học viên đều chọn hướng làm công chức dân sự. Những tri thức mà họ học được ở trường cho phép các cô dễ dàng vượt qua các kỳ thi của bất kỳ đại học nào ở Nga. Ví dụ cựu học viên Bened đã đậu vào khoa Tài chính - tín dụng của đại học khoa học xã hội quốc gia. Cô còn đi học ở một trường mỹ thuật và nay là một nhà thiết kế nội thất.

Hàng năm, trường chuyên nữ Bộ Quốc phòng Nga đều đưa nhiều học viên ra nước ngoài học tập, đóng học phí, tiền ăn - ở cho họ. Melnikova là một trong số nữ học viên may mắn này. Ban đầu cô được đến đại học Bath (Anh) rồi học thương mại ở Mỹ. Các cựu học viên cho biết lịch học và dịp cuối tuần đều đầy những hoạt động, nên họ chỉ trở về phòng ngủ hai giường lúc tối.

Các nữ học viên tập bắn súng.

Bened kể: “Một ngày thường bắt đầu là tập thể dục rồi ăn sáng. Tiếp đó chúng tôi vào lớp, sau nữa là trau dồi thêm kiến thức. Sau bữa tối và cuối tuần luôn có thời gian tự do, nhưng chúng tôi phải đi ngủ lúc 23 giờ”. Vào dịp cuối tuần, học viên có thể đi xem triển lãm, hòa nhạc và xem phim, kịch.

Nhưng các học viên không chỉ được hưởng thụ học tập-giải trí chất lượng cao, họ còn được hưởng các điều kiện thực tế hoàn toàn khác với các điều kiện sinh hoạt trong quân đội. Các học viên mới luôn được cấp một máy điện toán xách tay và họ sử dụng đến khi tốt nghiệp mới phải hoàn trả cho trường. Mỗi học viên còn được cấp một tủ quần áo riêng, có cả váy dự dạ vũ của những nhà thiết kế thời trang nổi tiếng của Nga.

Tại trường chuyên  nữ này, việc học thể dục không giống ở trường thường. Chương trình thể dục được xây dựng từ các bài tập đã áp dụng ở trung tâm đào tạo nhà du hành vũ trụ, gồm các bài tập cải thiện sự khéo léo, tốc độ, sức bền, sự linh động và rèn giũa ý chí. Các bài tập phụ trợ do những vận động viên thể thao cao cấp hướng dẫn, gồm một số cựu VĐV từng tham gia tranh huy chương ở các kỳ Olympic.

Trường cũng chú trọng khoản dinh dưỡng, nên có chuyên gia dinh dưỡng riêng. Nhưng đôi khi các giáo viên cho các nữ học viên ăn chút đồ ngọt để họ đỡ nhớ nhà. Cựu học viên Melnikova nói: “Tôi cho rằng mối quan hệ thầy - trò rất khác so với các trường thường. Giáo viên của trường quân sự này không chỉ là thầy cô, mà còn là cánh cửa sổ mở ra với đời. Con gái thường nhớ mẹ, nhớ bà nên họ thường xem thầy cô là những người thay thế mẹ, bà”.

Bened nói rằng: “Tôi thật sự cảm ơn các thầy cô đã hỗ trợ chúng tôi mỗi khi khó khăn. Cảm ơn thầy cô đã tin tưởng chúng tôi khi chúng tôi thật sự xuống tinh thần. Họ đã tỏ ra nghiêm túc đúng lúc cần thiết. Về cơ bản, thầy cô trở thành gia đình thứ hai của chúng tôi”.

Bảo Lâm (theo Russia beyond the headlines)
.
.
.