Truy quét các đường dây đưa người trái phép vào châu Âu

Thứ Ba, 15/03/2016, 08:56
Cảnh sát Đức vừa mở chiến dịch truy quét quy mô lớn nhằm vào các đối tượng có liên quan tới các đường dây đưa người trái phép vào nước này. Và cảnh sát đã bắt 2 đối tượng sau khi lục soát các căn hộ và văn phòng ở 5 bang là Sachsen-Anhalt, Berlin, Brandenburg, Hessen và Rheinland-Pfalz. 

Văn phòng công tố Stendal cũng ra lệnh điều tra đối với 4 nam và 2 nữ vì tình nghi liên quan đến 24 vụ đưa người bất hợp pháp vào Đức. Theo Cục Cảnh sát hình sự bang Sachsen-Anhalt, những đối tượng này nhiều khả năng đã thiết lập một đường dây đưa người trái phép lớn, và mỗi vụ trót lọt chúng bỏ túi khoảng 20.000 euro.

Trước đó, cảnh sát Đức từng bắt hàng nghìn đối tượng đưa người trái phép qua biên giới và chúng chủ yếu đến từ Hungary (335 trường hợp), Romania (306 trường hợp) và Syria (238 trường hợp). Ngày 11-3, Tổ chức Di cư quốc tế cho biết, từ đầu năm đến nay, số người di cư đến châu Âu bằng đường biển đã gần chạm mốc 150.000 người, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó đa số người di cư đi qua ngả Hy Lạp (137.160 người), số còn lại 9.452 người cập bến tại Italia.

Người đứng đầu cơ quan cảnh sát hình sự Cộng hòa Liên bang Đức Holger Muench.

Liên minh châu Âu (EU) cũng vừa kêu gọi các quốc gia thành viên tiếp nhận 6.000 người tị nạn/tháng từ những nước đang bị quá tải như Hy Lạp và Italia. Bởi trước đó EU đã thông qua kế hoạch tái phân bổ 160.000 người tị nạn Syria, Iraq từ Hy Lạp và Italia, nhưng đến nay mới chỉ có 885 người được chuyển tới các quốc gia thành viên EU khác. Một số quốc gia đã đổ lỗi cho việc chậm thực hiện kế hoạch tái phân bổ người tị nạn bởi phải tìm cách sàng lọc phần tử thánh chiến có thể trà trộn trong dòng người kể trên.

Còn người đứng đầu Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sĩ), ông Zeid Ra'ad Al Hussein đã cảnh báo việc trục xuất ồ ạt người di cư từ Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ theo dự thảo thỏa thuận giữa EU-Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay là "bất hợp pháp".

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã đồng loạt chỉ trích việc các nước Balkan đóng cửa biên giới để ngăn dòng người tị nạn. Đồng thời bày tỏ sự bất bình trước phát biểu của Chủ tịch EU khi ông Donald Tusk cho rằng, kế hoạch đóng cửa tuyến Balkan không phải là hành động đơn phương, mà là quyết định chung của tập thể 28 nước EU.

Bà Angela Merkel cho rằng, việc đóng cửa tuyến Balkan có thể hạn chế người tị nạn, nhưng lại đẩy Hy Lạp rơi vào tình thế khó khăn và đầy áp lực khi phải tiếp nhận dòng người kéo tới và dồn ứ tại đây. Còn ông Alexis Tsipras cảnh báo, EU sẽ không có tương lai nếu hành động theo cách như vậy. Trước đó, 8 nước thành viên EU, trong đó có Áo, Hungary và Slovakia, đã thắt chặt kiểm soát biên giới khiến hàng ngàn người di cư mắc kẹt ở Hy Lạp.

Ngày 10-3, khi trao đổi với báo giới tại Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Nội vụ Áo Johanna Mikl-Leitner cho biết, người tị nạn sẽ không thể đi theo tuyến Balkan bởi nó đã bị đóng. Trước cuộc họp ngày 10-3 với những người đồng cấp trong EU, bà Johanna Mikl-Leitner cũng thông báo về kế hoạch này.

Cảnh sát Đức bắt một đối tượng khủng bố.

Áo đưa ra quyết định kể trên sau khi Slovenia, Serbia, Croatia và Macedonia chính thức đóng cửa biên giới, ngăn người di cư không có giấy thông hành hoặc thị thực hợp lệ vào lãnh thổ các nước này. Thủ tướng Slovenia Miro Cerar cũng tuyên bố, tuyến Balkans dành cho di cư bất hợp pháp không còn tồn tại.

Theo thống kê, tại Hy Lạp hiện có hơn 35.000 người bị mắc kẹt, chủ yếu tập trung ở trại tị nạn Idomeni. Tại Idomeni, người di cư đang phải sống trong những điều kiện sinh hoạt bẩn thỉu. Nhân viên cứu trợ cảnh báo, nhiều dịch bệnh lây nhiễm có thể sớm bùng phát do điều kiện sống thiếu vệ sinh ở những khu lều trại tạm bợ này.

Trong khi đó, Đài phát thanh NDR, WDR và tờ Suddeutsche Zeitung cho biết: Samy Amimour, Foued Mohamed-Aggad và Omar Ismail Mostefai, 3 kẻ tham gia tấn công khủng bố ở Paris tối 13-11-2015 đều nằm trong số tài liệu được cho là bị rò rỉ của IS. Trước đó, cảnh sát Đức cho biết, đã tiếp cận được tài liệu chứa tên, địa chỉ, điện thoại của khoảng 22.000 phần tử IS, bị rò rỉ trước đó và nhiều khả năng là chính xác.

Người phát ngôn của Văn phòng tội phạm Liên bang Đức Markus Koths cho biết, họ đã được thông báo về số tài liệu này, trong đó có cả công dân Đức. Cảnh sát Đức còn cho biết, khoảng 600 công dân nước này đã tham gia vào các nhóm thánh chiến Hồi giáo tại Syria, Iraq và những đối tượng này nếu trở về nước sẽ trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh của Đức và các nước châu Âu khác.

Ngày 12-3, người đứng đầu cơ quan cảnh sát hình sự Đức Holger Muench đã hối thúc các nước châu Âu thiết lập mạng lưới chia sẻ dữ liệu xuyên quốc gia để theo dõi những phần tử Hồi giáo trở về từ Iraq và Syria.

Nhiệm Bình
.
.
.