Nhân kỷ niệm 88 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam:

Tự do báo chí... kiểu Mỹ

Thứ Năm, 27/06/2013, 14:42

Tự do báo chí là một vấn đề không mới mà đã được nhắc đến từ rất lâu. Nhưng đây lại là vấn đề nhạy cảm đối với các quốc gia dân tộc. Vì thế, lâu nay, Mỹ vẫn luôn dùng cụm từ "tự do báo chí" để săm soi, chỉ trích, lên án các quốc gia khác rồi từ đó đẩy lên thành vấn đề nhân quyền, dân chủ…

Những ngày đầu tháng 6 làng báo quốc tế xôn xao trước thông tin hãng AP kiện Bộ Tư pháp Mỹ vì nghe lén điện thoại và kiểm tra email của 20 phóng viên.

Rõ ràng, cái gọi là quyền tự do báo chí tuyệt đối, hoàn hảo mà các thế lực ở Mỹ hay viện dẫn để áp đặt quốc gia khác, không hề tồn tại trên thực tế. Điều này có nghĩa là cái gọi là "tự do báo chí ở Mỹ" chẳng hơn gì các nước khác.

Tự do báo chí là một vấn đề không mới mà đã được nhắc đến từ rất lâu. Nhưng đây lại là vấn đề nhạy cảm đối với các quốc gia dân tộc. Vì thế, lâu nay, Mỹ vẫn luôn dùng cụm từ "tự do báo chí" để săm soi, chỉ trích, lên án các quốc gia khác rồi từ đó đẩy lên thành vấn đề nhân quyền, dân chủ…

Thậm chí, tại một số quốc gia khi mà CIA đã trở nên thân thiết và nắm trong tay lực lượng đối lập, Mỹ còn dùng chiêu bài này để lật đổ chế độ, dựng lên một chính quyền bù nhìn khác làm tay sai cho Mỹ. Ấy thế nhưng, trong lúc "lăn xả" để đòi "tự do báo chí" trên thế giới, Washington lại "tạm quên" cái quyền báo chí ở trong nước.

Bằng chứng là vào đầu tháng 6 vừa qua, dù chưa truy tố, nhưng Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã gọi phóng viên Fox News James Rosen là "kẻ đồng phạm tội hình sự" và đối xử với nhà báo này như một nghi can tội phạm. Chưa hết, tội danh là phóng viên James Rosen bị quy chụp xuất phát từ việc anh này thề sẽ bảo vệ nguồn tin cung cấp hồi năm 2009 nói rằng CHDCND Triều Tiên sẽ đáp trả lại lệnh cấm vận bằng việc thử hạt nhân nhiều hơn.

Để có cái cớ mở cuộc điều tra tìm hiểu nguồn tin của James Rosen, FBI đã xếp tin tức này vào loại mật và từ đó cho người theo dõi nhất cử nhất động của phóng viên này. FBI còn lục soát cả thư cá nhân, email và ghi âm điện thoại của phóng viên này.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder phải điều trần trước Quốc hội về hành vi nghe lén điện thoại của các phóng viên hãng AP.

Cực chẳng đã, James Rosen đành phải bỏ dở những bài điều tra mà anh đang thực hiện. Còn ban lãnh đạo Fox News thì liên tục phản đối và khẳng định, việc chính phủ giám sát phóng viên của họ là "chưa có tiền lệ".

Giới báo chí Mỹ gọi đây là "cuộc chiến của ông Obama chống lại báo chí". Một số người khác thì nhận định, thời gian qua, nhiều bí mật của chính phủ Mỹ bị phanh phui và điều này khiến Washington lo ngại. Vì thế, cánh phóng viên Mỹ bắt đầu trở thành mục tiêu theo dõi của FBI.

Cũng có nguồn tin cho rằng các hành động này chỉ mang tính chất "dằn mặt" để báo giới Mỹ không đào sâu tìm hiểu những vấn đề bên trong nội bộ chính quyền cũng như các thông tin mật mà Washington muốn che giấu.

Điều đáng nói là hành động này của FBI hoàn toàn đi ngược lại những gì mà Nhà Trắng đã tuyên bố về việc ủng hộ các dự luật tăng cường quyền hạn của nhà báo trong đó có quyền bảo vệ nguồn tin. Dự luật này đã được Tổng thống Barack Obama nhắc đến trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2008 và cả khi lên làm Tổng thống.

Nhưng 5 năm sau, dự luật vẫn chưa được trình ký và James Rosen vẫn bị bắt vì bảo vệ nguồn tin của mình. Cùng hoàn cảnh với phóng viên của hãng Fox News còn có 20 phóng viên khác của hãng thông tấn AP. Những người này đều bị Bộ Tư pháp Mỹ lén ghi âm điện thoại di động, điện thoại bàn và cả thư điện tử. Chưa hết, Bộ Tư pháp Mỹ còn tịch thu vô cớ những tài liệu mà các phóng viên này thu thập được trong quá trình tác nghiệp.

Trong lá thư gửi cho Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder, Giám đốc điều hành hãng AP Gary Pruitt đã cáo buộc Bộ Tư pháp Mỹ "can thiệp nghiêm trọng" vào tự do báo chí và khẳng định, hơn 20 đường dây điện thoại bàn của hãng gồm cả văn phòng ở New York, Washington và văn phòng phóng viên thường trú tại Hạ viện… đã bị nghe lén.

Hành động này, theo lập luận của ông Gary Pruitt không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý của 20 phóng viên nói trên mà còn có tác động xấu đến hoạt động nghề nghiệp của hơn 100 phóng viên khác của hãng. Chưa hết, việc nghe lén điện thoại và thu nhận tài liệu này được thực hiện trong 2 tháng 4 và tháng 5 năm 2012 nhưng hãng AP lại không hề được biết. Họ chỉ được thông báo về việc này hồi tháng 5, trong một lá thư từ văn phòng của công tố viên Ronald Machen thuộc quận Columbia.

Giám đốc điều hành hãng AP tuyên bố: "Không có bất cứ lý do nào có thể bào chữa cho hành vi thu thập thông tin về những cuộc liên lạc qua điện thoại của AP và các phóng viên của hãng tin. Chiến dịch nghe lén đã làm lộ nội dung các cuộc liên lạc với những nguồn bí mật trong mọi hoạt động lấy tin mà AP tiến hành suốt 2 tháng, cũng như những thông tin mật của AP mà chính quyền không được phép biết".

Nhiều người tin rằng, hành vi nghe lén điện thoại của chính quyền Mỹ có liên quan đến cuộc điều tra hình sự do Bộ Tư pháp tiến hành nhằm truy tìm người đã cung cấp thông tin mật cho một hai phóng viên Matt Apuzzo và Adam Goldman, những người đã viết bài báo đăng ngày 7/5/2012, tiết lộ về chiến dịch bí mật của CIA ở Yemen nhằm triệt phá âm mưu đánh bom khủng bố bằng chất nổ tự tạo (IED) của mạng lưới Al-Qaeda vào đầu năm 2012 mà mục tiêu là một chuyến bay đến Mỹ.

Bộ Tư pháp Mỹ sau đó đã thừa nhận việc nghe lén và biện bạch rằng đây là việc cần thiết trong cuộc điều tra về những tiết lộ thông tin mật "đặt người dân Mỹ vào tình thế nguy hiểm tính mạng". Song, khi có người lật lại vấn đề về việc nguy hiểm tính mạng như thế nào và ra sao thì Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder đã không thể giải thích thêm được nữa.

Theo các nhà phân tích, hành động nghe lén điện thoại của phóng viên là "một sự tấn công trực diện vào tự do báo chí"…

Từ hai sự kiện này, ta có thể dễ dàng thấy, trong khi Nhà Trắng cao giọng về chuyện bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận tuyệt đối thì chính các nhà cầm quyền Mỹ lại đang sử dụng quyền lực chính trị và sức mạnh của đồng USD để thao túng báo chí, phục vụ lợi ích của mình.

Trước khi vụ việc xảy ra ở Fox News và hãng AP, từ đầu năm 2013 đến nay, chính quyền Washington đã phát 6 lệnh truy tố với các tội tiết lộ thông tin không được phép. Một số quan chức chính quyền đã nghỉ hưu hay đang tại chức cũng đã bị cáo buộc tiết lộ thông tin không được phép gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Tờ báo nổi tiếng của Mỹ The New York Times cách đây vài năm cũng từng xảy ra vụ phóng viên David E.Sanger bị Bộ Tư pháp nghe lén điện thoại. Nguyên do bắt nguồn từ những tiết lộ của ông trong các bài báo và một cuốn sách về nỗ lực phối hợp giữa Mỹ và Israel nhằm phá hoại ngầm các máy ly tâm hạt nhân của Iran trong chiến dịch virus máy tính gọi là Stuxner…

 Nếu xét về mặt ngôn ngữ, Hiến pháp Mỹ chỉ cấm Quốc hội liên bang chứ không cấm chính quyền các bang ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có khả năng hạn chế quyền tự do báo chí. Điều này lý giải tại sao trong cuộc điều trần ở Quốc hội, đại diện Bộ Tư pháp Mỹ viện dẫn được một số quy định để bảo vệ hành động nghe lén điện thoại và tịch thu tài liệu phỏng vấn của phóng viên hãng AP.

Cho đến nay, vụ việc ở hãng AP và Fox News vẫn gây xôn xao dư luận với những luồng ý kiến trái chiều. Đứng về phía hãng tin AP, ngoài các thành viên đảng Cộng hoà đối lập còn có cả các thành viên của đảng Dân chủ cầm quyền của Tổng thống Obama. Hiệp hội Báo chí Mỹ (NAA) cũng phát đi tuyên bố rằng "những hành động như thế đã gây sững sờ cho lương tâm Mỹ và vi phạm trắng trợn quyền tự do báo chí được quy định bởi Hiến pháp Mỹ cũng như Bản tuyên ngôn nhân quyền của nước này".

Hơn 50 tổ chức truyền thông khác đã ký một bức thư phản đối vụ thu giữ tài liệu của chính quyền Mỹ. Bức thư viết vụ bắt giữ "nêu ra nghi vấn về sự trong sáng của những chính sách từ Bộ Tư pháp đối với báo chí và khả năng cân bằng giữa quyền lực cảnh sát và các quyền hiến định theo tu chính án thứ nhất dành cho truyền thông và lợi ích của công luận"…

Một xã luận khác trên The New York Times nói: "Chính quyền này được chờ đợi là minh bạch chưa từng có tiền lệ. Nhưng thay vì thế, đó là một chính quyền bí mật và tấn công vào báo chí chưa từng có tiền lệ".

Trevor Timm, thuộc Quỹ tự do cho báo chí nhấn mạnh: "Đã đến lúc chấm dứt quan điểm coi tất cả những vụ điều tra và truy tố rò rỉ thông tin này là ảnh hưởng tới tự do báo chí, đó là sự tấn công trực diện vào tự do báo chí"…

Rõ ràng, tự do báo chí đang trở thành một chủ đề gây nhiều tranh cãi ở Mỹ khi mà những lời nói được đưa ra không đi đôi với hành động. Dư luận thế giới có quyền đặt câu hỏi là với cánh nhà báo mà người ta hay gọi là "quyền lực thứ 4", chính quyền Washington còn có sự đàn áp, chà đạp thì với những người dân thấp cổ bé họng, chắc chắn, cuộc sống cũng không hề dễ dàng.

Nói thế là bởi lẽ vào ngày 6/6, trong khi các cuộc tranh luận về câu chuyện ở hãng AP và Fox News chưa đến hồi kết thì tờ Washingtonpost lại đưa tin về việc cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) và FBI vừa yêu cầu 9 công ty internet hàng đầu như Microsoft, Yahoo, Google, Facebook, PalTalk, AOL, Skype, YouTube, Apple cho họ tiếp cận masychur để thu thập dữ liệu về một cá nhân nào đó thông qua nội dung âm thanh, video, hình ảnh, email và nhật ký kết nối.

Điều này khiến các nhà hoạt động nhân quyền liên tưởng tới những biện pháp vi phạm pháp luật mà chính phủ Mỹ từng áp dụng với công dân nước họ sau sự kiện 11/9/2001, dưới thời Tổng thống Mỹ George W.Bush. Khi đó, mọi lý do, nguyên nhân giải thích cho động thái này đều quay về mạng lưới khủng bố Al-Qaeda…

Huyền Chi
.
.
.