Tư thù sinh sát thủ

Thứ Ba, 02/08/2016, 15:50
Sau khi giết 19 người và làm 20 người khác bị thương bằng dao tại cơ sở chăm sóc người khuyết tật Tsukui Yamayuri En ở thành phố Sagamihara, tỉnh Kanagawa, phía Tây thủ đô Tokyo, Nhật Bản (sáng 26-7), sát thủ Satoshi Uematsu, đã ra đầu thú.

Trước khi động thủ, Satoshi Uematsu đã viết 2 bức thư cho Chủ tịch Hạ viện với tuyên bố sẵn sàng giết người khuyết tật, nếu chính phủ cho phép. Vụ sát hại người khuyết tật ở Nhật Bản diễn ra đúng thời điểm Thủ tướng Pháp Manuel Valls bày tỏ sự kinh hoàng sau khi biết tin về vụ "tấn công man rợ ở nhà thờ".

Tổng thống Pháp Francois Hollande và Bộ trưởng Nội vụ đã thị sát hiện trường vụ sát hại vị linh mục do 2 kẻ tấn công gây ra. Ông Francois Hollande tuyên bố, Pháp phải đấu tranh chống IS bằng mọi cách bởi 2 kẻ tấn công kể trên đã tuyên bố thuộc nhóm khủng bố IS.

Ít nhất 19 người chết, 45 người bị thương sau vụ tấn công tại Nhật Bản.

Theo người phát ngôn Bộ Nội vụ Pháp Pierre-Henry Brandet, lực lượng đặc nhiệm đã bắn chết 2 kẻ tấn công sau khi chúng bắt cóc 5 người bên trong nhà thờ ở thị trấn Saint-Etienne-du-Rouvray, tại Normandy, miền Nam Rouen.

Trước đó (25-7), hãng tin Amaq cho biết, một chiến binh IS đã đánh bom liều chết làm hơn 10 người bị thương bên ngoài lễ hội âm nhạc ở thành phố Ansbach, bang Bayern, Đức, tối 24-7.

Vụ tấn công tại thành phố Ansbach xảy ra vào khoảng 22h30 ngày 24-7 (theo giờ địa phương) khi một người đàn ông bất ngờ kích nổ tại quán bar Eugen's Weinstu, khiến 12 người bị thương, trong đó có 4 người bị thương nặng.

Ngày 25-7, cơ quan chức năng Đức cho biết, đã tìm thấy một video trên điện thoại di động của kẻ gây ra vụ đánh bom kể trên (dân di cư người Syria, đã xin tị nạn ở Đức nhưng bị từ chối), trong đó tên này thề trung thành với thủ lĩnh tối cao Abu Bakr al-Baghdadi của IS.

Hắn còn cho rằng, người Đức đang cản đường người Hồi giáo nên phải động thủ. Cùng ngày 25-7, Trưởng Công tố thành phố Munich Thomas Steinkraus-Koch cho biết, trước vụ xả súng tối 22-7, một đối tượng bị nghi là đồng phạm với kẻ xả súng đã bị bắt (tối 24-7).

Thông tin này được đưa ra sau khi các nhà điều tra khôi phục được đoạn hội thoại trên ứng dụng WhatsApp của đối tượng 16 tuổi, người Afghanistan với hung thủ. Người này được cho là biết trước việc hung thủ sở hữu súng và có thể biết về kế hoạch xả súng, nhưng không tố giác.

Theo cảnh sát Đức, sát thủ có khả năng mua khẩu súng lục bất hợp pháp và không có giấy phép và điều này cho thấy tình trạng kiểm soát súng đáng quan tâm. Trong khi đó, ông Hubertus Andra, Cảnh sát trưởng Munich thông báo, sát thủ gây án gần nhà hàng McDonald không liên quan đến IS.

Ngày 24-7, một vụ tấn công bằng dao đã xảy ra tại thành phố Reutlingen, bang Baden-Wurttemberg, khiến 1 người chết và 2 người bị thương. Vụ nổ bên ngoài lễ hội âm nhạc ở Ansbach, vụ 1 phụ nữ mang thai bị chém chết ở Reutlingen và vụ tấn công bằng rìu trên xe lửa ở Wuerzburg đều do người tị nạn gây ra.

Những vụ án kể trên đang khiến Thủ tướng Angela Merkel bị chỉ trích vì chính sách mở cửa nhập cư đối với người tị nạn.

Cảnh sát xem xét hiện trường vụ nổ ở thành phố Ansbach hôm 25-7.

Dù cảnh sát khẳng định, vụ chém người hôm 24-7 và xả súng ở Munich không có dấu hiệu liên quan đến IS, nhưng các vụ tấn công liên tiếp của "sói đơn độc" vẫn khiến dư luận quan ngại.

Chánh Văn phòng Thủ tướng Đức Peter Altmaier khẳng định, không có bằng chứng cho thấy người tị nạn có nguy cơ gây bạo lực cao hơn. Bộ trưởng Nội vụ Đức, ông Thomas de Maiziere nhấn mạnh, sẽ không có bất cứ thay đổi nào về quy định tị nạn và nhập cư cho đến khi việc điều tra các vụ tấn công gần đây kết thúc.

Tuy nhiên, ông Thomas de Maiziere vẫn tuyên bố, Đức sẽ tăng số cảnh sát ở các sân bay, ga tàu và trạm kiểm soát. Thượng tuần tháng 7, Thủ tướng Angela Merkel từng cho rằng, bọn khủng bố đã lợi dụng dòng người di cư để xâm nhập châu Âu.

Giám đốc Cơ quan tình báo Đức Hans Georg Maassen tiết lộ, có 17 tên IS giả làm người di cư để xâm nhập châu Âu. Còn tờ Neue Osnabrucker Zeitung vừa dẫn báo cáo của cảnh sát liên bang Đức khẳng định, đã xác định 410 người di cư có dấu hiệu khủng bố.

Đức được coi là một trong những nước kiểm soát vũ khí nghiêm ngặt nhất thế giới, nhưng vẫn là một trong những quốc gia có tỉ lệ người sở hữu súng cao nhất thế giới - đứng thứ 4 sau Mỹ, Thụy Sĩ và Phần Lan (theo thống kê của năm 2013).

Giới chức Đức đang kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn nữa đối với súng đạn sau vụ tấn công ở Munich khiến 9 người chết và 27 người bị thương hôm 22-7.

Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel cho rằng, phải thực hiện mọi biện pháp có thể để hạn chế và kiểm soát chặt chẽ việc mua bán vũ khí. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere có kế hoạch xem xét lại những luật lệ liên quan đến súng đạn.

Quốc Dũng
.
.
.