Tử tù Hồ Duy Trúc thoát án tử hình

Thứ Tư, 11/01/2017, 16:49
Tử tù Hồ Duy Trúc đã thoát án tử hình sau một thời gian khá dài “hồi hộp chờ đợi”. Trước đó, vụ án do Trúc cùng đồng bọn gây ra và số phận của tử tù này được dư luận đặc biệt quan tâm…

Một ngày đầu năm 2017, tôi nhận được cuộc điện thoại khá bất ngờ: “Chú ơi, thằng Trúc con tôi chính thức được giảm án, từ tử hình xuống chung thân rồi”! Quả thật tôi hơi chững lại một chút bởi số tôi lưu trong điện thoại là tên thật của ông - Hồ Duy Tùng. Nhưng ngay sau đó, tôi hiểu ra nguồn cơn thông tin mình vừa được báo. Vậy là tử tù Hồ Duy Trúc đã thoát án tử hình sau một thời gian khá dài “hồi hộp chờ đợi”. Trước đó, vụ án do Trúc cùng đồng bọn gây ra và số phận của tử tù này được dư luận đặc biệt quan tâm…

Tử tù Hồ Duy Trúc tại tòa.

Niềm vui vô bờ bến của cha mẹ tử tù

Để tìm hiểu thêm, tôi đã hẹn gặp vợ chồng ông Hồ Duy Tùng (64 tuổi, ngụ Phan Rang, Ninh Thuận) khi họ đang ở quận 12, TP Hồ Chí Minh, sau khi vào Trại giam Chí Hòa (quận 10) để thăm con trai mình là tử tù Hồ Duy Trúc (25 tuổi) đang bị giam giữ ở đây. Theo lời ông Tùng thì vợ chồng ông về quận 12 tá túc trước khi về quê là vì con gái ông hiện đang ở trọ và làm việc tại đây.

Vừa gặp tôi, ông Tùng cùng vợ là bà Trần Thị Út tỏ ra rất vui mừng và kể chuyện về lần vừa vào Trại giam Chí Hòa thăm con trai là tử tù Hồ Duy Trúc cách đây một ngày. Theo lời ông Tùng thì thời gian trước, dù đã biết nhiều khả năng Trúc sẽ được giảm án bởi quy định mới của pháp luật nhưng chưa chính thức. Lần này vào thăm con, khi có cả Trúc ở đó, ông đã được một vị cán bộ Công an tại trại giam thông báo chính thức việc Trúc được giảm án từ tử hình xuống chung thân và thời gian tới sẽ được chuyển đi thi hành án ở một trại giam khác.

“Lâu nay dù biết là thằng Trúc nhiều khả năng sẽ được giảm án, cả gia đình tôi luôn khấp khởi chờ đợi. Nhưng hôm nay thì chúng tôi biết chắc là thằng Trúc đã được giảm án xuống chung thân. Bởi ngoài cán bộ Công an thông báo trực tiếp thì những giấy tờ tôi xem khi vào làm thủ tục thăm nuôi đều có ghi án Trúc là “chung thân”. Niềm vui này với gia đình tôi quả là rất lớn”, ông Tùng vui mừng cho biết.

Vợ chồng ông Hồ Duy Tùng khi gặp phóng viên tại quận 12.

Ngay sau khi bày tỏ niềm vui trước thông tin con trai thoát án tử hình với tôi, thoáng một chút e ngại, ông Tùng cũng không quên phân giải rằng dù biết lỗi lầm Trúc gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, khiến dư luận xã hội bàng hoàng, bất an và mức án tử hình mà hai cấp tòa sơ thẩm, phúc thẩm tuyên là đúng người đúng tội. Nhưng với bản thân vợ chồng ông - những người cha người mẹ thì dù thế nào Trúc vẫn là đứa con họ dứt ruột đẻ ra, nên có thể hiểu được sự vui mừng của vợ chồng ông khi con mình thoát án tử hình.

“Mừng lắm chú ạ, gia đình tôi nghèo khó, các con đứa nào cũng chỉ làm công việc chân tay, cuộc sống vất vả, chẳng biết làm gì để giúp nó. Nhưng cuối cùng nó đã được giảm án. Lần mới nhất gặp chúng tôi, thằng Trúc cũng mừng lắm vì nó biết mình đã chính thức được giảm án… Vợ chồng tôi cũng đều khá lớn tuổi rồi, không biết có còn sống đến lúc nó được ra trại hay không nữa”, bà Út bộc bạch.

Cũng theo lời bà Út thì từ ngày Trúc bị tuyên án tử hình đến nay cũng là bấy nhiêu thời gian vợ chồng bà phải chạy vạy khắp nơi để tìm cách cứu con. Hằng tháng họ vẫn cố gom góp vay mượn, đón xe vào TP Hồ Chí Minh thăm con.

Dù biết con gây ra lỗi lầm lớn và phải chịu sự trừng phạt của pháp luật nhưng những lần được gặp con ngắn ngủi ấy, họ càng có niềm tin hơn để sống nốt quãng đời còn lại. Đồng thời, cũng góp phần động viên Trúc cố gắng điềm tĩnh dù phải đếm từng ngày chờ thi hành án tử hình. Đó là những ngày Trúc còn mang án tử. Nhưng bây giờ thì vợ chồng bà càng có thêm động lực để vào thăm con, mong con trai mình thay đổi, suy nghĩ tích cực, cố gắng cải tạo tốt, chấp hành nội quy trại giam…

Trước giờ mỗi tháng vợ chồng bà Út chỉ được vào thăm Trúc một lần, còn tiếp phẩm thì một tháng được gửi hai lần. Gọi là tiếp phẩm chứ gia đình bà khó khăn, nên cũng chỉ nấu được mấy món ăn bồi dưỡng cùng vài ba bộ quần áo cũ đem vào cho con. Những khi có tiền thì lần gửi con 500 nghìn, hay 200 nghìn gì đó…

Kể lại những lần đầu vào thăm con, vợ chồng bà Út chỉ biết nhìn nhau mà khóc khi nghe Trúc dặn dò cha mẹ mình giữ gìn sức khỏe và nhờ cha mẹ chăm sóc giúp vợ con mình, chứ Trúc chỉ còn tính ngày một ngày hai trước khi bị thi hành án tử hình. Nhất là chứng kiến cảnh Trúc gặp vợ và con trai, vợ chồng bà Út không kìm được nước mắt xót xa. Cu Tý, con trai Trúc được sinh ra lúc bố mình đã vướng vào vòng tù tội nên về mặt nào đó đối với cu cậu, Trúc là người lạ, nhưng có lẽ tình máu mủ ruột rà luôn có sức gắn kết sâu sa và đặc biệt…

Và cũng như khi đi xuống TP Hồ Chí Minh thăm con, vợ chồng bà Út lại vội vã trở về với công việc sinh nhai buôn bán nhỏ lẻ trái cây, hoa tươi ở chợ gần nhà.

 Được biết, bà Út mồ côi cả cha lẫn mẹ, những anh chị em của bà chưa kịp lớn đã tha phương cầu thực rồi thất lạc nhau, đến nay bà cũng không biết chính xác mình có bao nhiêu anh chị em. Bà sống trong sự đùm bọc của hàng xóm láng giềng. Khi lớn lên bà có hai đời chồng và sinh tất cả 12 người con. Hiện bà Út có đến hơn 20 người cháu.

Có lẽ gia cảnh vốn nghèo khó lại đông con cháu khiến cho cuộc sống của bà và con cháu cứ ngày một kiệt quệ, cái đói nghèo cứ luôn đeo đẳng. Điều đáng nói, năm cô con gái đầu của bà chỉ một người được cưới hỏi đàng hoàng, số còn lại đều vì “có con với người ta nên gọi bố của chúng là chồng” nhưng sau khi sinh con thì họ đều bị chồng bỏ rơi, phải quẹo quặt nuôi con.

Vợ chồng ông Tùng và người thân trong lần đi thăm nuôi Trúc tại Trại giam Chí Hòa.

Thoát án tử hình sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết mới

Và như một lẽ thường, Trúc cũng được sinh ra và lớn lên trong nghèo khó, khổ cực. Bỏ học ngang, Trúc tìm vào TP Hồ Chí Minh học nghề điện lạnh, nhưng việc học cũng chẳng ra đầu ra đuôi, Trúc kết giao rồi rủ rê bạn bè lập băng nhóm đi cướp nhằm đổi phận nghèo.

Riêng với người phụ nữ có con với Trúc thì sau khi Trúc bị bắt giam, một mình cô vượt cạn sinh con. Rồi vì cuộc mưu sinh, cô dạt về phường Tam Hiệp, TP Biên Hòa, Đồng Nai thuê phòng trọ làm nghề may để kiếm tiền nuôi con. Lâu nay, nhiều lần ông bà đề nghị đưa cháu nội về nuôi để mẹ nó thuận lợi làm việc, nhưng chị này không đồng ý vì không chịu đựng được nỗi nhớ khi xa con.

Thỉnh thoảng vợ chồng ông Tùng cũng tranh thủ thời gian đến thăm cháu nội và người con dâu “hờ” này. May mắn đứa cháu nội này đã được một luật sư nhận làm người đỡ đầu và cũng có nhiều sự giúp đỡ đáng kể, để mong bé sẽ lớn lên thành người có ích.

Lật lại bản án, vào tối 24-11-2012, Hồ Duy Trúc cùng đồng bọn sau khi nhậu nhẹt tại đường Phạm Văn Luông, quận 7, đã lên kế hoạch rủ nhau đi cướp xe máy để bán lấy tiền tiêu xài.

Khoảng 20h tối hôm đó, các đối tượng mang theo hung khí chạy đến khu vực cầu Phú Mỹ, quận 7 hướng về quận 2 thì phát hiện chị Nguyễn Thị Ngọc T. đang điều khiển xe máy Honda SH lưu thông cùng chiều. Thấy vậy, Trúc đã kêu đồng bọn cho xe chạy vượt lên chặn đầu xe chị T. rồi Trúc ngồi sau cầm dao chém thẳng vào tay phải chị T. khiến nạn nhân ngã xuống đường.

Ngay sau đó, Trúc đến đề máy nhưng xe không nổ nên bỏ lại. Cùng lúc đó, đồng bọn của Trúc cũng xuống giật chiếc ví của nạn nhân bên trong có hơn 4 triệu đồng rồi tẩu thoát, bỏ mặc nạn nhân với vết thương nghiêm trọng trên người.

Hành vi dã man của Trúc và đồng bọn đã khiến dư luận rúng động. Chưa kể, bên cạnh vụ án gây chấn động dư luận này, các đối tượng trong băng nhóm của Trúc còn gây ra nhiều vụ cướp khác với thủ đoạn tương tự, gây thương tích cho nhiều người, cướp được nhiều xe với giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng.

Trả giá cho hành vi phạm tội dã man của mình, tại hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm, Trúc đều bị tuyên án tử hình về tội “Cướp tài sản”. Lúc ấy, dư luận đều đồng tình với mức án đã tuyên cho Trúc và đồng bọn, cho rằng như vậy là đúng người, đúng tội, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.

Tuy nhiên, cuối năm 2015, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 109/2015/QH13 về thi hành Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, kể từ ngày Bộ luật Hình sự 2015 được công bố thì không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm tội mà Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình. Bộ luật Hình sự 2015 bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội, trong đó có tội Cướp tài sản...

Cũng theo Nghị quyết 109 của Quốc hội, kể từ ngày Bộ luật Hình sự 2015 được công bố hình phạt tử hình đã tuyên đối với người được nêu ở trên nhưng chưa thi hành án thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.

Và như vậy theo quy định trên thì Trúc (phạm tội Cướp tài sản) và các bị cáo tương tự khác thuộc những trường hợp trên, may mắn không phải thi hành án tử hình về hành vi phạm tội của mình, mà trước đây tòa án đã tuyên sẽ chuyển thành hình phạt tù chung thân.

Phú Lữ
.
.
.