Tử tù được minh oan ngay trước giờ thi hành án ở Mỹ

Thứ Hai, 19/01/2015, 20:00
Có những tử tù đã cận kề với cái chết tại pháp trường mặc dù tội lỗi vẫn chưa được làm sáng tỏ, có những tử tù bị kết án mà không hề gây tội. Cuộc đời của họ bị hủy hoại vì những việc làm tắc trách của cơ quan điều tra nhưng cuối cùng thì công lý cũng đã đến với họ. Mặc dù bị oan ức hàng mấy chục năm trời nhưng họ vẫn cảm thấy thực sự hạnh phúc và sung sướng khi được minh oan cho dù việc đó đến muộn.

Bản án vẫn được thực thi dù chưa rõ ràng

Giờ hành quyết cận kề, tử tù Randy Steidl được viết những lời cuối cùng cho gia đình và người thân để chuẩn bị từ giã cuộc đời sau khi nhận bản án tử hình vì tội giết người. Với những dòng thư đầy nước mắt và cuối thư là lời xin lỗi chất chứa những nỗi oan ức mà không có cách nào để thay đổi được. Nhưng trong cuộc sống, những kỳ tích thường xuất hiện để mỗi con người cảm thấy được hi vọng, được tin và yêu cuộc sống hơn. Với tử tù Randy Steidl cũng vậy, anh đã được chân lý gõ cửa ngay giờ khắc chuẩn bị hành hình.

Randy Steidl đã trở thành nghi can số một trong vụ giết hại một cặp vợ chồng trẻ ở bang Illinois (Mỹ) hồi năm 1986. Cặp vợ chồng mới cưới Dyke và Karen Rhoads đã bị sát hại một cách dã man ngay tại nhà riêng của họ. Khi cảnh sát có mặt tại hiện trường thì đôi vợ chồng đã chết bằng rất nhiều nhát dao. Hiện trường vụ án bị lục soát và phá tung nhưng hung khí gây án thì không được tìm thấy. Sau khi khám nghiệm hiện trường, cảnh sát đã thu được ít nhất là hai dấu vân tay trên cửa và trên người nạn nhân. Không chỉ bị đâm bằng nhiều nhát dao mà nạn nhân còn bị tra tấn bằng dây trói, bên cạnh đó còn có rất nhiều vết bầm tím trên cổ. Cảnh sát điều tra cho rằng đây là một vụ giết người, cướp của. Vợ chồng nạn nhân Dyke và Karen Rhoads không quá giàu có nhưng hai vợ chồng đều có một số vốn riêng sau khi kết hôn, đây có thể là nguyên nhân khiến hung thủ đã theo dõi. Nhưng thực tế thu được tại hiện trường thì toàn bộ số tiền trong két sắt của gia đình vẫn còn nguyên, két sắt không hề bị phá chứng tỏ rằng thủ phạm vì một mục đích khác. Một số người hàng xóm của gia đình nạn nhân cho biết, Dyke và Karen Rhoads mới dọn về căn nhà này ở khi họ cưới nhau nên hàng xóm không biết nhiều về họ, chỉ biết được rằng cả hai đều được sinh ra trong gia đình giàu có nên sau khi cưới cả hai cũng đã có một cuộc sống ổn định và sung túc.

Công việc điều tra của cơ quan cảnh sát dường như đi vào bế tắc khi không xuất hiện bất cứ một dấu hiệu gì của hung thủ. Vụ án về cái chết của đôi vợ chồng Dyke và Karen Rhoads vẫn được rất nhiều người quan tâm, nhất là gia đình của nạn nhân. Họ yêu cầu cảnh sát điều tra thủ phạm cũng như nguyên nhân của vụ án một cách nhanh nhất có thể. Gặp gỡ rất nhiều nhân chứng là người quen của nạn nhân nhưng cảnh sát cũng chưa tìm ra được manh mối nào thì bất ngờ có hai người đàn ông xuất hiện tại sở cảnh sát. Hai người đàn ông này nói rằng họ có thể làm chứng và giúp cảnh sát tìm ra hung thủ.

Hai nhân chứng Deborah Reinbolt và Darrell Harrington đã khai rằng chính mắt họ chứng kiến cảnh hung thủ dùng dao giết chết nạn nhân. Theo lời kể của hai nhân chứng cùng với những chi tiết nhận dạng, cảnh sát đã cho bắt giữ Randy Steidl cùng người bạn của anh là Herbert Whitlock. Hai nhân chứng đã khẳng định rằng chính mắt họ đã nhìn thấy Randy Steidl xông vào hai nạn nhân và dùng dao đâm liên tiếp vào người hai nạn nhân cho đến chết. Deborah Reinbolt và Darrell Harrington còn nói rằng nạn nhân chết vì bị đâm đến 50 nhát dao vào người. Hung thủ vô cùng hung hãn và bạo lực bởi ngay sau khi giết chết đôi vợ chồng Dyke và Karen Rhoads, bọn chúng còn châm lửa đốt nhà.

Từ những lời khai rất chi tiết của hai nhân chứng Deborah Reinbolt và Darrell Harrington, ngay lập tức cảnh sát đã ra lệnh bắt giữ Randy Steidl cùng người bạn Herbert Whitlock. Có mặt tại cơ quan cảnh sát điều tra, Randy Steidl khẳng định rằng mình hoàn toàn vô tội. Anh không biết gì đến vụ án mạng chứ chưa nói đến chuyện mình là hung thủ chính. Mặc cho những lời khẳng định mình vô tội nhưng cảnh sát điều tra đã không chấp nhận. Randy Steidl và Herbert Whitlock phải đối mặt với phiên tòa luận tội.

Tại phiên tòa xét xử, ngoài những lời khai của hai nhân chứng Deborah Reinbolt và Darrell Harrington, tòa án còn dựa vào lời khai của một nhân chứng trong tù, nhân chứng này đã khai rằng ông ta từng nghe Randy Steidl thú nhận tội lỗi của mình rằng chính Randy Steidl đã ra tay sát hại hai nạn nhân, thêm nữa Randy Steidl còn nói rằng nếu như phát hiện ra hai tên làm chứng Deborah Reinbolt và Darrell Harrington thì anh ta đã không để cho họ có cơ hội làm chứng. Với những lời khai của các nhân chứng tại tòa, cho dù có phản đối hay một mực kêu oan thì Randy Steidl vẫn bị tòa kết án tử hình. Nhận bản án tử hình một cách quá đau đớn nhưng Randy Steidl không biết làm cách nào để có thể chứng minh được mình vô tội mặc dù anh đã có bằng chứng ngoại phạm ngay hôm vụ án mạng xảy ra nhưng tòa án vẫn không chấp nhận bằng chứng này.

Chấp nhận bản án tử, cuộc đời của Randy Steidl đã bị hủy hoại bởi những tháng ngày trong tù chờ đợi ngày bị xử tử. Trong tù, Randy Steidl đã viết rất nhiều đơn thư kêu gọi những tổ chức phi chính phủ với mong muốn được minh oan. Những tháng ngày dài trong tù, Randy Steidl hoàn toàn tuyệt vọng bởi anh không còn một chút niềm tin vào cuộc sống chứ chưa nói hy vọng vào một điều kỳ diệu sẽ xảy ra.

Chứng cứ bị che đậy

Năm 2000, khi Randy Steidl đang chờ thi hành án thì bất ngờ có một cảnh sát bang Illinois là Michale Callahan đã quyết định lật lại hồ sơ vụ án có liên quan đến Randy Steidl. Ông Michale Callahan là người đại diện cho tổ chức tìm lại cán cân công lý cho những người vô tội. Ngay sau khi lật lại toàn bộ hồ sơ, ông Michale Callahan đã phát hiện ra nhiều khuất tất  trong lời khai nhân chứng và năm lần điều tra lại vụ án của cơ quan cảnh sát điều tra. Theo Tổ chức Làm chứng cho những người vô tội, tòa án đã kết tội Randy Steidl dựa vào lời khai của hai kẻ nát rượu là Deborah Reinbolt và Darrell Harrington. Mặc dù lời khai của các nhân chứng trên có nhiều điểm mâu thuẫn nhau nhưng chỉ 90 ngày sau khi vụ án mạng xảy ra, Randy Steidl bị kết án tử hình. Theo ông Callahan thì việc điều tra đã có dấu hiệu cảnh sát địa phương và các công tố viên cố tình che đậy chứng cứ để đổ tội giết người cho Randy Steidl. Tuy nhiên, thống đốc bang Illinois lúc bấy giờ là ông George Ryan đã chỉ thị Callahan ngừng ngay việc điều tra. Chính vì việc ngừng công việc điều tra để đưa ra kết luận đã khiến nhiều người nghi ngờ rằng vụ án có những khuất tất. Mọi nghi vấn đều đặt vào ông Robert Morgan - “nhà tài trợ chính cho chính trị gia có quyền lực ở Illinois”, người từng chi rất nhiều tiền cho chiến dịch tranh cử của thống đốc Ryan.

Theo Ðài truyền hình CBS thì nạn nhân bị sát hại Karen Rhoads chính là nhân viên của Robert Morgan và nhà tài phiệt này là nghi can số 2 sau Randy Steidl trong vụ án mạng. Ðiều tra của cảnh sát bang Illinois sau đó tìm được bằng chứng cho thấy cảnh sát địa phương và phía công tố đã tìm mọi cách để có các chứng cứ chống lại Randy Steidl, khớp với lời khai của các nhân chứng. Mặt khác, liên tiếp trong các năm 1988-1989, hai nhân chứng Deborah Reinbolt và Darrell Harrington đã công khai rút lại lời khai. Ðến năm 2003, tòa án liên bang đã lật lại hồ sơ vụ kết tội Randy Steidl. Các xét nghiệm ADN cho thấy Randy không phải là hung thủ vụ án mạng này và ông đã được trả tự do.

Cuộc đời của một con người bị hủy hoại bởi sự tắc trách của những người cầm cán cân công lý, bên cạnh đó còn là âm mưu của một thế lực trong xã hội, rồi vì những đồng tiền nhơ bẩn đã làm mờ mắt những kẻ hám lợi, hám danh. Mặc dù bị chôn vùi cả cuộc đời trong nhà tù hay đối mặt với cái chết, những con người vô tội vẫn miệt mài đấu tranh với hy vọng pháp luật luôn luôn đúng và công bằng với tất cả mọi người.

Hồng Hoa
.
.
.