Từ vụ George Floyd: Một cái nhìn toàn diện về lực lượng hành pháp Mỹ

Thứ Bảy, 27/06/2020, 10:30
Chỉ vài ngày sau khi đoạn phim ghi lại cảnh công dân gốc Phi George Floyd bị một viên cảnh sát da trắng áp chế trên đường dẫn đến ngạt thở và tử vong, nước Mỹ chìm trong hỗn loạn. Tuy nhiên, vụ việc này thực sự là một dấu hiệu cho thấy người da màu tại Mỹ bị chính quyền kỳ thị hay không?


Con số giật mình

Dữ liệu thống kê được Cơ quan điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho thấy trước năm 2010, trung bình mỗi năm số vụ cảnh sát Mỹ lấy mạng công dân chỉ vào khoảng trên dưới 400. Tuy nhiên kể từ năm 2011 đến nay, con số đó vọt lên hơn 1.000. 

Một tổ chức tư nhân có tên Cơ quan Giám sát hành vi cảnh sát Mỹ cho biết họ ghi nhận 1.146 vụ các nhân viên thực thi pháp luật tại quốc gia này sát hại công dân trong năm 2015. Trong 2 năm tiếp theo, số vụ giảm nhẹ xuống còn lần lượt là 1.093 và 987, nhưng lại tăng lên 1.004 vụ vào năm 2019.

Những con số đó thể hiện rõ chuyện cảnh sát Mỹ nổ súng gây thương vong cho thường dân hay nghi phạm không phải chuyện cá biệt. Trái lại, nó còn xảy ra khá phổ biến với tần suất dày đặc. Cơ quan Giám sát Hành vi Cảnh sát Mỹ còn trình ra một biểu đồ cho thấy trong năm 2019, chỉ có 27 ngày không nghi nhận một vụ nổ súng chết người nào do cảnh sát gây ra. Bù lại số ngày bạo lực gia tăng với 7-9 vụ xảy ra trong ngày xuất hiện khá nhiều, đặc biệt vào những dịp đầu tháng.

Người biểu tình ủng hộ George Floyd xô xát với cảnh sát.

Ngoài ra, cảnh sát Mỹ có xu hướng nổ súng giết chết nghi phạm ngay lập tức nhiều hơn so với những đồng nghiệp ở châu Âu. Trong giai đoạn từ 1990 đến 2014, Anh và Xứ Wales chỉ ghi nhận vỏn vẹn 55 vụ nhân viên hành pháp phải nổ súng hạ gục đối tượng. Con số này ở Đức là 15 trong 2 năm 2010 và 2011. Nếu so sánh với cơ cấu dân số của các nước, cảnh sát Mỹ nổ súng nhiều hơn cảnh sát Đức 30 lần và hơn cảnh sát Anh 80 lần. Vậy đâu là nguyên nhân khiến lực lượng hành pháp Mỹ thẳng tay tiêu diệt nghi phạm như vậy?

Để giải thích cho hiện tượng này, FBI cung cấp một biểu đồ thể hiện số lượng cảnh sát hy sinh trong lúc thực thi nhiệm vụ. Ở thập niên 70-80, trung bình mỗi năm có 115 cảnh sát Mỹ bị các đối tượng tội phạm sát hại. Con số này giảm xuống chỉ còn xấp xỉ 50 người/năm ở thời điểm hiện tại dù biên chế cảnh sát Mỹ tăng lên gần gấp đôi trong 40 năm qua. Điều đó cho thấy việc cảnh sát chủ động nổ súng có thể nhằm mục đích tự vệ và trấn áp các nghi phạm luôn thủ sẵn "hàng nóng" trong người.

Làm sao để chống lạm quyền?

6 năm trước vụ George Floyd, nước Mỹ từng chao đảo bởi "Cuộc náo động Ferguson" với những tình tiết diễn ra trùng hợp đến khó tin. Ngày 9-8-2014, công dân da màu có tên Michael Brown bị viên cảnh sát da trắng Darren Wilson bắn chết ngay trên một con đường thuộc hạt Ferguson, bang Missouri. Thông tin được lan truyền và lập tức biến thành hàng loạt cuộc biểu tình diễn ra trên phạm vi toàn nước Mỹ. Người dân xuống đường đòi công lý cho Brown, họ thậm chí còn xô xát với lực lượng an ninh.

"Cuộc náo động Ferguson" kéo dài đến gần 2 năm mới thực sự chấm dứt bởi những diễn biến phức tạp xung quanh vụ nổ súng. Wilson bị đơn vị chủ quản sa thải để tránh rắc rối liên quan cũng như hỗ trợ quá trình điều tra. Nhưng cuối cùng, những người muốn Wilson bị trừng trị sớm nhận nỗi thất vọng. Sau 3 tháng tập hợp hồ sơ và lời khai của những người có liên quan, Bộ Tư pháp Mỹ kết luận viên cảnh sát không bị truy cứu trách nhiệm. Anh chỉ nổ súng để tự vệ khi Brown lao về phía mình.

Cộng đồng người Mỹ gốc Phi tuyên bố họ không chấp nhận bản án ấy, nhưng ngay cả Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng yên lặng trước kết luận được đưa ra. Vậy Lực lượng hành pháp Mỹ thường nổ súng bừa bãi hay đó là việc bất khả kháng trước sự chống đối của các nghi phạm? Cơ quan Giám sát hành vi cảnh sát Mỹ đã điều tra và khám phá ra một điều bất ngờ: Trung bình mỗi năm chỉ có trên dưới 10 cảnh sát nổ súng gây thương vong bị kết án có tội lạm quyền hoặc sát hại thường dân, chiếm 1% số vụ việc được thống kê.

Ở chiều ngược lại, 96% cảnh sát nổ súng sát hại nghi phạm được xác định đúng người, đúng tội. 3% còn lại nằm trong nhóm của Wilson, bị đưa ra tòa điều tra nhưng được tuyên trắng án sau đó. 

Theo điều tra của hãng thông tấn Reuters, một phần nguyên nhân giúp cho cảnh sát Mỹ gần như không có tội mỗi lần nổ súng xuất phát từ việc tòa án Mỹ có xu hướng bảo vệ lực lượng hành pháp trừ những trường hợp có bằng chứng quá rõ ràng cho thấy cảnh sát lạm quyền. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, phần lớn đối tượng bị bắn sau đó đều được chứng minh là tội phạm.

Đi tìm nguyên nhân

Phòng Nghiên cứu Thống kê Mỹ chỉ ra trong các vụ cảnh sát Mỹ nổ súng bắn chết nghi phạm, 25% số nạn nhân là người gốc Phi. Dựa vào thông tin đó, một số người nhận định cộng đồng này bị kỳ thị sắc tộc vì người da đen chỉ chiếm khoảng 12% dân số Mỹ. Bởi điều đó có nghĩa người gốc Phi bị bắn nhiều gấp đôi so với các chủng người khác. Tuy nhiên, Cục Thống kê tư pháp Mỹ lại cho thấy không có lửa thì không có khói. Người gốc Phi có tỷ lệ phạm tội cao gấp 3,5 lần so với mặt bằng chung và gấp 7 lần so với người da trắng.

"Nguyên nhân người gốc Phi có xu hướng phạm tội nhiều hơn các chủng tộc khác chủ yếu xuất phát từ việc họ không được giáo dục đầy đủ", Cục Điều tra Dân số Mỹ lý giải. Để chứng minh cho lập luận này, họ chỉ ra số liệu năm 2000 cho thấy 30% người Mỹ gốc Phi không tiếp tục học lên đại học sau khi tốt nghiệp phổ thông. Với những người bỏ học sớm, 60% trong số họ ít nhất một lần dính vòng lao lý và liên tục phạm tội. Đó là lý do người Mỹ gốc Phi thường nhận bản án cao hơn người da trắng.
Đặc vụ FBI có mức thu nhập không khá hơn người thường là bao.

Với những tội nghiêm trọng như giết người và buôn ma túy tại Mỹ, thủ phạm quá nửa là người gốc Phi. Đó là lý do khiến cảnh sát sở tại có xu hướng kiểm tra giấy tờ nhóm người này nhiều hơn so với người da trắng, nhất là ở những điểm nóng tội phạm. Vì thế luận điểm "cảnh sát da trắng thường quy chụp người gốc Phi là tội phạm nên gây khó dễ và nổ súng" có vẻ không đúng trong trường hợp này. Họ có lý do để nghi ngờ một nhóm đối tượng thường xuyên vi phạm pháp luật nên phải điều tra để đảm bảo an ninh.

Trở lại vụ việc George Floyd bị một cảnh sát da trắng ghì chết trên đường phố, người đàn ông gốc Phi 46 tuổi đang là đối tượng tình nghi tiêu thụ tiền giả. Bác sĩ pháp y giám định cơ thể Floyd cho biết, ông có tiền sử sử dụng chất gây nghiện thời gian gần đây, tuy nhiên không phủ nhận tác nhân chính khiến ông thiệt mạng là do bị ngạt đường thở và hạn chế máu lên não. 4 viên cảnh sát có liên quan đến vụ việc lập tức bị sa thải và đang trong quá trình truy tố.

Ở chiều ngược lại, những người đòi công lý cho Floyd lại đang dần biến tướng trở thành nhóm nổi loạn phá hoại của công. Chính họ đang góp phần biến hình ảnh của người Mỹ gốc Phi ngày một xấu xí trong mắt những tộc người khác, cũng như công chúng quốc tế. Hậu quả của những chuyến cướp bóc, đập phá, hôi của là vô số việc làm bị mất đi. Vòng tròn thất nghiệp - nghèo đói - bạo lực tiếp tục xoay và khiến cộng đồng người Mỹ gốc Phi chìm trong đó với những định kiến không thể nào khác đi.

Cảnh sát - nghề nguy hiểm ở Mỹ

FBI cho biết trong năm 2019, có tổng cộng 89 cảnh sát Mỹ hy sinh trong lúc thực thi nhiệm vụ. Ngoài 41 người ra đi do tai nạn, có 48 người bị các đối tượng quyết liệt chống trả gồm 40 người da trắng, 7 người gốc Phi và 1 người gốc Á. 

Dựa vào số liệu đó, FBI kết luận cảnh sát là một trong những nghề nguy hiểm nhất tại Mỹ, tương đương lính cứu hỏa và thợ đốn gỗ. Họ phải làm việc với mối nguy thường trực trong khi mức lương thường không tương xứng với đóng góp. 

Ngay cả một đặc vụ FBI cũng chỉ có thu nhập trung bình mỗi năm vào khoảng 37 ngàn USD, nhỉnh hơn một chút so với một người lao động thông thường (32 ngàn USD).

Hải Sơn
.
.
.