Tỷ lệ tội phạm gia tăng chóng mặt ở Malaysia

Thứ Năm, 28/02/2019, 17:00
Trong những năm gần đây, Malaysia chìm ngập trong làn sóng bạo lực sử dụng súng.


Năm 2014, chỉ riêng ở bang Penang đã xảy ra 19 vụ nổ súng. Theo số liệu của cảnh sát Malaysia, tội phạm bạo lực tăng 7,4% trong 6 tháng đầu năm 2013 (15.098 vụ) so với cùng kỳ năm 2012 (14.811 vụ)! Một số nạn nhân dính líu đến thế giới ngầm buôn lậu ma túy cũng như các loại hàng hóa cấm khác. 

Cảnh sát cho rằng làn sóng tội phạm bạo lực gia tăng ở Malaysia do quyết định hủy bỏ luật có từ thời thuộc địa gọi là "Sắc lệnh Khẩn cấp" (EO) - luật cho phép giam giữ không truy tố những nghi can phạm tội trong thời gian dài - vào tháng 12-2011 và từ đó chính quyền cho thả 2.600 tù nhân ra đường phố vào năm 2012. 

P. Sundramoorthy - nhà tội phạm học lãnh đạo Đội Nghiên cứu tội phạm và chính sách Đại học Khoa học Malaysia - nhấn mạnh đất nước cần có những đạo luật tương tự như EO để truy tố những tội phạm liên quan đến băng nhóm. 

Sundramoorthy cho biết ngay sau khi chính quyền hủy bỏ EO, những vụ bắt giữ súng đã tăng lên gấp đôi - tức 143 khẩu súng bán tự động và 54 khẩu súng lục so với 68 khẩu bán tự động và 28 súng lục bị bắt giữ trong 18 tháng cuối cùng trước khi EO được hủy bỏ. 

Ngoài việc súng được cho thuê sử dụng với giá rẻ, lực lượng cảnh sát điều tra án mạng cũng như các trọng tội khác còn quá mỏng, từ đó dẫn đến việc bọn tội phạm có mặt ở đường phố lâu hơn và gây thêm nhiều tội ác hơn. Mặc dù, Malaysia có luật kiểm soát súng nghiêm ngặt nhưng việc thực thi còn rất hạn chế và chỉ dẫn đến lác đác vài vụ truy tố ra trước tòa án. 

Thậm chí chính quyền Malaysia cũng ngưng cung cấp số liệu thống kê về tội phạm nước này cho Liên hiệp quốc - theo tố cáo của Enrico Bisogno, quan chức chịu trách nhiệm thu thập dữ liệu tội phạm của Cơ quan Phòng chống tội phạm và ma túy Liên hiệp quốc (UNODC). 

Số liệu mới nhất do cảnh sát Malaysia cung cấp cho thấy số vụ án mạng vẫn tương đối không thay đổi nhiều trong 12 năm qua - tức khoảng 600 vụ/năm. Mặc dù vậy, dữ liệu cũng tiết lộ sự giảm bớt đáng kể trong một số loại tội phạm, bao gồm nạn cướp giật sử dụng vũ khí giảm còn 17 vụ năm 2012 (so với 722 vụ năm 2000); cướp có băng nhóm giảm còn 110 vụ năm 2012 (so với cao điểm 1.809 vụ năm 2010). 

Một loại tội phạm khác tăng khá cao là cưỡng dâm, với số vụ tăng đến 2.964 năm 2012 - tức gấp đôi so với năm 2000. Teh Yik Koon, nhà tội phạm học Đại học Quốc phòng Malaysia, nhận định thực tế tỷ lệ tội phạm tăng cao hơn những con số mà cảnh sát nước này cung cấp và một vấn đề đáng nói là cảnh sát thiếu khả năng xử lý những tội phạm. 

Bà giải thích: "Có nhiều người không trình báo tội phạm bởi vì họ cảm thấy cảnh sát sẽ không làm gì được". Trong một đất nước sống nhờ vào du khách và các nhà đầu tư đến từ nước ngoài như Malaysia, chính quyền luôn cố gắng che đậy vấn đề tội phạm để thu hút họ.

Vệ sĩ đang canh gác một khu nhà riêng.

Các nhóm nhân quyền nhận định chính sự bất bình đẳng đã đẩy phần đông người Ấn Độ (chiếm 7% dân số Malaysia) vào con đường phạm tội liên kết với băng nhóm. Một số người cho rằng chính quyền cần thay đổi các chính sách ưu tiên cho người Malay - những người được nhận học bổng, mua nhà giá rẻ và giành được các hợp đồng kinh tế. 

Ahmad Ghazali Abu Hassan, giáo sư Đại học Quốc phòng Malaysia, khẳng định "sự nghèo khó chính là gốc rễ của vấn đề tội phạm" ở Malaysia. Trong khi những cuộc tranh cãi vẫn tiếp tục diễn ra, người dân Malaysia bắt đầu cố gắng tự bảo vệ tài sản cũng như tính mạng của mình bằng cách bỏ tiền túi ra thuê vệ sĩ vũ trang! 

Bạo lực khiến giới doanh nhân nước ngoài ngại đầu tư vào Malaysia và thậm chí người dân trong nước cũng không dám ra đường vào ban đêm bởi vì súng nổ ở mọi nơi. Trước sự hỗn loạn như thế, những người giàu có phải thuê vệ sĩ riêng để bảo toàn tính mạng mỗi khi di chuyển trong thành phố. 

Leong Kai Hin, Chủ tịch Ủy ban thương mại của Hội Các phòng thương mại Trung Quốc và Công nghiệp Malaysia  (ACCCIM), cho biết mặc dù tổ chức chưa nhận được bất cứ sự than phiền nào từ phía 30.000 doanh nhân và các hội viên song tội phạm bạo lực tiếp tục gia tăng tác động xấu đến sự nghiệp phát triển kinh tế của Malaysia là điều khó tránh khỏi do mọi người không dám ra đường vào ban đêm để mua sắm hay ăn uống ở các nhà hàng.

Để chống tội phạm, chính quyền Malaysia quyết định tăng cường quân số cảnh sát tuần tra trên đường phố, triển khai lắp đặt thêm nhiều camera an ninh đồng thời cho dựng những thanh rào chắn dọc theo các tuyến đường nhằm ngăn cản bọn cướp chạy xe mô tô hành động. 

Đường phố Kuala Lumpur không hề an toàn. Ngày nay, không khó tìm một người nào đó ở Kuala Lumpur để nghe kể câu chuyện về nạn trộm cắp, móc túi hay thậm chí giết người. Do đó, cư dân sống trong các khu vực trung lưu và giàu có bắt đầu tìm cách kiểm soát cộng đồng của mình mà thường là không được sự cho phép của chính quyền. 

Theo Hội Dịch vụ An ninh Malaysia, nhu cầu thuê mướn vệ sĩ đang tăng mạnh và số các công ty an ninh hoạt động hợp pháp ở Malaysia đã tăng gấp 3 lần (từ 712 đến 200) trong thập niên qua.

Duy Minh
.
.
.