Vai trò của cảnh sát tài chính

Thứ Năm, 24/11/2016, 10:58
Quyết định thành lập đơn vị cảnh sát tài chính của Bộ Nội vụ Cộng hòa Czech cho thấy tầm quan trọng cũng như vai trò của lực lượng này trong tình hình hiện nay. Bởi 12 năm trước (2004), cảnh sát tài chính từng tồn tại ở Cộng hòa Czech, nhưng sau đó đơn vị kể trên bị giải thể.


Trong thông báo hôm 13-11, Bộ trưởng Nội vụ Cộng hòa Czech Milan Chovanec thông báo, đã quyết định thành lập đơn vị cảnh sát tài chính và lực lượng này sẽ bắt đầu hoạt động từ ngày 1-1-2017. 

Hiện các cơ quan hữu quan của Cộng hòa Czech đang thảo luận về cơ chế hoạt động cụ thể của đơn vị cảnh sát tài chính này. Theo đó, đơn vị cảnh sát tài chính có chức năng như một phòng của Trung tâm Quốc gia chống tội phạm có tổ chức. Và cảnh sát tài chính sẽ hợp tác chặt chẽ với đơn vị có tên gọi "Cobra" chuyên về chống lậu thuế. 

Bộ trưởng Nội vụ Milan Chovanec.

Theo giới chuyên môn, cùng với việc áp dụng Luật Thống kê doanh thu trực tuyến (EET), sự ra đời của đơn vị cảnh sát tài chính nằm trong kế hoạch của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ Cộng hòa Czech nhằm hạn chế tình trạng thất thoát thuế.

Theo thống kê hồi thượng tuần tháng 9-2016 của cơ quan chức năng Liên minh châu Âu (EU), EU đã thất thu khoảng 179 tỷ USD tiền thuế giá trị gia tăng (VAT) trong năm 2014. 

Thống kê cũng cho thấy, có một khoảng cách lớn giữa tỷ lệ ngân sách kỳ vọng thu được từ thuế VAT so với mức thuế VAT thu được thực tế (gọi là VAT Gap). 

Nghiên cứu VAT Gap của EU là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc hệ thống thuế giá trị gia tăng tại châu Âu, nhằm kiềm chế và giảm mạnh tình trạng gian lận thuế. Vẫn theo cách tính giá trị kể trên, Italia có mức thu thuế VAT thực tế cao nhất EU, khoảng 37 tỷ euro. 

Theo giới truyền thông, 12 công ty và 56 chuyên gia xây dựng, kiến trúc sư đã bị đưa vào danh sách điều tra của Viện Công tố tỉnh Rieti, nơi có các địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất về người và của do trận động đất hôm 24-8 ở Italia gây ra. 

Cảnh sát tài chính Italia dẫn giải nghi can.

Được biết, Viện Công tố tỉnh Rieti và cảnh sát tài chính Italia đang điều tra theo 2 hướng: Các công trình xây dựng tư nhân và nhà nước để phát hiện những sai phạm về kĩ thuật dẫn đến sự sụp đổ của các công trình; về những sai phạm trong tài chính của các công trình do nhà nước quản lý.

Đây là những cái tên cụ thể đầu tiên bị cảnh sát tài chính đưa vào danh sách điều tra, liên quan đến trách nhiệm của những nhà quy hoạch, tài chính, kiến thiết và xây dựng, trong việc hàng trăm công trình xây dựng bị sụp đổ ở miền Trung Italia trong vụ động đất vừa qua.

Ngoài việc điều tra kể trên, cảnh sát tài chính Italia còn đang tích cực làm rõ những giao dịch ngân hàng bị nghi cung cấp tài chính cho IS. Bởi theo Ngân hàng nhà nước Italia (Bankitalia), các giao dịch ngân hàng bị nghi cung cấp tài chính bất hợp pháp cho các tổ chức Hồi giáo cực đoan, đặc biệt là IS đang ngày càng tăng lên. 

Bởi trong năm 2015, chỉ có 348 giao dịch chuyển tiền bị nghi ngờ, nhưng riêng 6 tháng đầu năm 2016, con số này đã lên tới 463 trường hợp. Và cảnh sát tài chính Italia đang điều tra việc này. 

Theo cảnh sát tài chính, các vụ giao dịch ngân hàng bị đặt "dưới kính hiển vi" đang tăng lên - 12 vụ trong năm 2015 và 14 vụ trong 6 tháng đầu năm 2016 và tất cả các vụ này đều đang bị điều tra. 

Cảnh sát tài chính còn cho biết, việc 90% trong số 22.000 điểm chuyển tiền ra nước ngoài đang hoạt động ở Italia là do người nước ngoài làm chủ càng khiến cho công tác điều tra gặp khó khăn, phức tạp.

Bên cạnh đó, cảnh sát tài chính Italia còn tịch thu số tài sản bất minh của mafia. Theo thống kê, cảnh sát tài chính đã tịch thu khối tài sản và tài khoản ngân hàng trị giá 320 triệu euro trong một đợt truy quét camorra (mafia Napoli) ở Napoli và nhiều địa phương khác tại Italia. Đây là một trong những vụ thu giữ tài sản có trị giá lớn nhất từ trước đến nay với hệ thống camorra ở Napoli. 

Khối tài sản này bao gồm đất đai, công xưởng, nhà cửa, quán bar, garage, cửa hàng, trạm xăng, xe cộ và tài khoản thuộc về Contini, một trong những băng camorra mạnh nhất và giàu nhất ở Napoli. 

Điều đáng nói là hầu hết số tài sản của bọn chúng lại đứng tên của hơn 100 người khác, trong đó có cả các doanh nhân có thế lực ở Napoli, nhưng trên thực tế chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ Contini.

Hơn 2 năm trước (18-6-2014), giới truyền thông Italia cho biết, Trưởng Công tố thành phố Napoli là Thẩm phán Henry John Woodcock (là một trong những nhà điều tra hàng đầu châu Âu chuyên bóc trần nạn tham nhũng, hối lộ) đã quyết định truy tố Tướng Vito Bardi, 63 tuổi, Phó tư lệnh lực lượng Guardia di Finanza (cảnh sát tài chính) với tội danh tham nhũng. Cùng bị truy tố với Tướng Vito Bardi còn có Tướng Emilio Spaziante, vì dính tới vụ tham nhũng "dự án thế kỷ Mose".
Trọng Hậu
.
.
.