Vai trò của lính cứu hỏa trong vụ cháy nổ ở Thiên Tân, Trung Quốc

Thứ Bảy, 22/08/2015, 09:00
Vụ cháy nổ ở Thiên Tân là thảm họa gây thiệt hại nặng nề nhất về nhân mạng đối với lực lượng cứu hỏa Trung Quốc - 21 người đã chết trong khi làm nhiệm vụ và chỉ có một vài lính cứu hỏa được cứu sống trong tình trạng bị bỏng mặt và mất trí nhớ sau khi được giải cứu từ đống hoang tàn. Và số người chết sẽ còn gia tăng bởi có tới 58 người trong gần 730 người bị thương phải nhập viện đang trong tình trạng nguy kịch.
Tính đến 10 giờ ngày 17/8, những vụ nổ kinh hoàng ở thành phố cảng Thiên Tân đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 112 người và hiện vẫn có tới 95 người mất tích, trong đó có 85 lính cứu hỏa (72 lính cứu hỏa Thiên Tân và 13 lính nghĩa vụ). Cảnh sát đã bắt Giám đốc Công ty tiếp vận quốc tế Thụy Hải, nơi để xảy ra vụ nổ kinh hoàng tối 12/8.

Cho đến nay, nhân viên cứu hộ cùng lính cứu hỏa vẫn đang nỗ lực tìm kiếm người mất tích trong đống đổ nát khổng lồ tại hiện trường. Sở cứu hỏa thành phố Thiên Tân cho biết, nhóm cứu hỏa đầu tiên được điều động đến hiện trường 40 phút trước khi vụ nổ lớn đầu tiên xảy ra. Một quan chức Bộ Công an xác nhận, nhóm cứu hỏa đầu tiên khi đến hiện trường đã lập tức phun nước để dập lửa.

Hiện nhiều người đang chỉ trích cách phản ứng của chính quyền khi điều quá nhiều lính cứu hỏa trẻ, thiếu kinh nghiệm tới hiện trường. Lính cứu hỏa tham gia cứu hộ chắc chắn đã hấp thụ một phần hóa chất và khí độc hại thoát ra sau các vụ nổ, ngay cả khi họ đeo thiết bị bảo vệ hô hấp đầy đủ cùng các thiết bị an toàn khác.

Khoảng 30 thân nhân của 85 lính cứu hỏa mất tích đã kéo đến các trụ sở chính quyền để yêu cầu cơ quan chức năng sớm có câu trả lời về số phận người thân của họ. Ông Lưu Hoan, bố của một lính cứu hỏa chưa rõ tung tích đã xông vào cuộc họp báo hôm 15/8 để hỏi "tại sao chính quyền không thông báo gì với chúng tôi", còn mẹ của một lính cứu hỏa khác vừa khóc vừa nói "cả nhà rất lo cho cháu vì nó vừa được 18 tuổi". Nhưng các cơ quan chức năng Trung Quốc hiện vẫn chưa chỉ ra được thủ phạm gây nên những vụ nổ có sức công phá tương đương với hàng chục tấn thuốc nổ TNT.

Sau khi phát hiện chất độc natri xyanua tại khu vực phía Đông hiện trường vụ nổ nhà kho của Công ty tiếp vận quốc tế Thụy Hải, cơ quan chức năng đã cho di tản dân trong vòng bán kính 3km xung quanh khu vực này. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã yêu cầu chính quyền các cấp phải rút ra "bài học sâu sắc" từ thảm họa Thiên Tân, đồng thời phải có biện pháp mạnh mẽ và hiệu quả để khắc phục yếu kém, tránh lặp lại những tai nạn tương tự. Bộ trưởng Công an Quách Thanh Côn đã có mặt tại hiện trường, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả.

Lính cứu hỏa tại hiện trường.

Theo phân tích của chuyên gia kiểm soát nguy cơ hóa chất David Leggett, có 3 loại hóa chất có nguy cơ cao đã được nhà chức trách Trung Quốc xác nhận được cất trữ bên trong các nhà kho ở Thiên Tân, đó là canxi cacbua (còn gọi là đất đèn), kali nitrat, và natri nitrat. Theo ông David Leggett, sau vụ nổ đầu tiên, những thùng đựng canxi cacbua sẽ bị vỡ dưới sức ép của sóng xung kích, và loại hóa chất này vương vãi khắp nơi trong nhà kho.

Và khi lực lượng cứu hỏa đến hiện trường, do không được thông báo về các loại hóa chất này nên đã phun nước để dập lửa và hậu quả xảy ra. Một đoạn video quay cảnh lính cứu hỏa khi phun nước vào đám hóa chất dưới mặt đất đã gây ra cháy dữ dội. Chuyên gia David Leggett sợ rằng, chất độc natri xyanua có thể thâm nhập vào nguồn nước, đất đai và hậu quả mà nó gây ra sẽ rất nguy hiểm nếu nhà chức trách không có các biện pháp khử độc hiệu quả.

Ngày 16/8, khi phát biểu trong cuộc họp báo, kỹ sư trưởng Cục Bảo vệ môi trường Thiên Tân cho biết, trong số 17 điểm đo lường không khí ngoài trời, 2 địa điểm đo lường tại Cảng Đông Giang đã hai lần cho thấy hàm lượng khí hydro xyanua vượt mức tiêu chuẩn ô nhiễm khí thải từ 0,04 tới 0,5 lần. Để ngăn chặn sự ô nhiễm trong khu vực tai nạn lan sang các khu vực xung quanh, nhiều biện pháp kiểm soát ô nhiễm đã được thực hiện.

Theo ông Sử Lỗ Trạch, Tham mưu trưởng quân khu Bắc Kinh, có tồn tại hơn 100 tấn hóa chất chết người lưu trữ tại 2 địa điểm, và khoảng 3.000 binh sĩ đang cố gắng làm sạch khu vực hóa chất bị rò rỉ trước khi mưa xuống tạo ra khí độc. Trung Quốc cũng đã cử một nhóm gồm 217 chuyên gia quân sự tới kiểm tra nồng độ chất độc trong không khí.

Trang Cường
.
.
.