Vận đen của “đại gia công nghệ” Google

Thứ Ba, 22/12/2020, 16:02
“Cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường” là cụm từ mà chính quyền của 38 tiểu bang ở Mỹ dùng trong đơn kiện tập thể nhằm vào Google của Alphabet Inc.


Vụ kiện diễn ra hôm 18-12, là vụ kiện thứ 3 nhằm vào Google trong gần 3 tháng qua nhưng có quy mô lớn hơn vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ nhằm vào “đại gia công nghệ” hồi tháng 10.

Cuộc tấn công mới

Tổng chưởng lý 3 bang của Mỹ gồm Utah, Bắc Carolina và New York đang mở cuộc điều tra Google của Alphabet Inc. về các khoản phí mà các nhà phát triển phải trả để mua và đăng ký bên trong ứng dụng. Đáng chú ý là 3 bang này nằm trong số các bang đang chuẩn bị một vụ kiện chống độc quyền nhằm vào Google và có thể được đệ trình ngay sau ngày 1-1-2021.

Theo Bloomberg, vụ kiện đang được dẫn đầu bởi 8 tiểu bang: Arizona, Colorado, Iowa, Nebraska, New York, North Carolina, Tennessee và Utah. Tổng chưởng lý New York Letitia James thì nhấn mạnh: "Trong nhiều thập kỷ nay, Google đã đóng vai trò là người gác cổng của Internet và đã vũ khí hóa dữ liệu của chúng tôi để tiêu diệt đối thủ cạnh tranh và kiểm soát việc ra quyết định của chúng tôi, dẫn đến việc tất cả chúng tôi phải trả nhiều tiền hơn cho các dịch vụ chúng tôi sử dụng hằng ngày".

Có khoảng 38 bang tham gia với kế hoạch kiện Google lên toà án liên bang ở Washington, cáo buộc công ty lạm dụng vị thế thống trị trong các công cụ tìm kiếm trực tuyến. 

Cụ thể, các bang cho rằng việc Google thực hiện những thỏa thuận để đưa các hệ thống tìm kiếm và quảng cáo của hãng này vào các loại loa thông minh, xe ôtô, điện thoại di động... đã đẩy các đối thủ cạnh tranh vào nguy cơ dừng hoạt động hoặc bị loại khỏi cuộc chơi. 

Một tài liệu được rò rỉ cho báo chí khẳng định, cuộc điều tra mà Utah, Bắc Carolina và New York tiến hành là về các hoạt động trong cửa hàng ứng dụng của Google (GooglePlay) đang xem xét mức cắt giảm 30% mà công ty lấy từ các nhà phát triển để mua hàng trong ứng dụng. Đó là tính năng cho phép người dùng đăng ký dịch vụ hoặc mua các bản nâng cấp trong ứng dụng. 

Mức cắt giảm 30% của Google giảm xuống còn 15% cho những người dùng đăng ký một ứng dụng trong một năm hoặc lâu hơn. Apple Inc. có chính sách tương tự với AppStore. Một điều tra viên tham gia cuộc điều tra cho hay, các tổng chưởng lý trên khắp nước Mỹ đang tiếp tục gây áp lực lên các công ty công nghệ thống trị vì hành vi mà họ cho rằng đã làm tổn hại đến sự cạnh tranh trên thị trường kỹ thuật số. 

Hồi đầu tháng 12, cũng chính New York, North Carolina và Utah tham gia với các bang khác kiện Facebook Inc., cho rằng việc mua lại Instagram và WhatsApp của hãng này đã vi phạm luật chống độc quyền.

Trong một phản hồi được đưa ra hôm 18-12, Google cho biết, Android cho phép khách hàng sử dụng các cửa hàng ứng dụng ngoài GooglePlay. “Android luôn cho phép mọi người tải ứng dụng từ nhiều cửa hàng ứng dụng,” Sameer Samat, Phó Chủ tịch Android và Google Play tuyên bố: “Mỗi cửa hàng có thể tự quyết định mô hình kinh doanh và tính năng tiêu dùng của mình. Sự cởi mở này có nghĩa là ngay cả khi nhà phát triển và Google không đồng ý về các điều khoản kinh doanh thì nhà phát triển vẫn có thể phân phối trên nền tảng Android”. 

Nhưng trên thực tế, hồi tháng 9, Google đã quyết định tăng cường nỗ lực thu phí và cuối cùng sẽ xóa các ứng dụng không triển khai hệ thống thanh toán của Google khỏi GooglePlay để mang lại cho công ty tỷ lệ phần trăm mà họ đã đặt.

Trong 3 tháng, Google phải đối mặt với cùng lúc 3 vụ kiện.

Dồn dập các vụ kiện

Đây là vụ kiện chống độc quyền thứ 3 nhằm vào Google trong vòng 3 tháng qua. Các bang cũng khiếu nại rằng Google và Facebook đã tham gia vào việc ấn định giá quảng cáo và đã tiếp tục hợp tác, mặc dù phần này đã bị cắt giảm nhiều và không rõ ràng về cách thức và thời điểm các công ty bị cáo buộc sử dụng “thỏa thuận phân bổ thị trường”. 

Các hãng công nghệ như Amazon, Tripadvisor, Yelp và những công ty khác hoạt động trong lĩnh vực gợi ý sản phẩm hoặc dịch vụ trước đó đã phàn nàn về việc Google luôn ưu tiên những gợi ý của chính hãng này trong các kết quả tìm kiếm.

Nằm trong Tập đoàn Alphabet, Google vận hành công cụ tìm kiếm thống lĩnh khắp thế giới cùng một loạt dịch vụ liên quan như: bản đồ, email, quảng cáo và mua sắm. Google cũng vận hành hệ điều hành di động Android được sử dụng cho phần lớn điện thoại thông minh khắp thế giới. 

Doanh số bán quảng cáo của Google chiếm hơn 80% doanh thu của Alphabet. Nhưng phần lớn doanh thu và phần lớn lợi nhuận của Alphabet đến từ hoạt động có lợi nhuận cao của Google là đặt quảng cáo văn bản phía trên kết quả tìm kiếm.

Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Google - công ty trị giá 1.000 tỷ USD, có hành vi bất hợp pháp nhằm duy trì vị trí độc tôn trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo tìm kiếm trên Internet. Google bị cáo buộc vi phạm pháp luật khi sử dụng quyền lực thị trường để làm chệch hướng các đối thủ, cụ thể: vi phạm pháp luật trong cách đối xử với các đối thủ trong hoạt động kinh doanh quảng cáo cũng như công cụ tìm kiếm trên mạng Internet, tìm cách gây bất lợi cho đối thủ để công cụ tìm kiếm của mình ở thế "thượng phong" và sử dụng quyền lực thị trường để bán thêm nhiều quảng cáo. 
Khánh Chi
.
.
.