Vận đen của gia đình quyền thế nhất Honduras

Thứ Năm, 14/01/2016, 11:00
Ngày 5-1, Tòa án Tối cao Honduras đã nhận được đơn chuyển đề nghị từ Bộ Ngoại giao nước này xung quanh việc dẫn độ cựu Phó tổng thống Honduras Jaime Rosenthal (người đang bị Washington cáo buộc phạm tội rửa tiền) sang Mỹ xét xử. 


Trước đó (2-1), khi phát biểu tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Honduras Arturo Corrales cho biết, đề nghị dẫn độ ông Jaime Rosenthal sang Mỹ là “tin xấu cho quốc gia Trung Mỹ này”. Hơn 3 tháng trước (7-10-2015), Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố, ông Jaime  Rosenthal (là Phó Tổng thống Honduras giai đoạn 1986-1989) cùng con trai Yani Rosenthal và cháu trai Yankel Rosenthal đều bị đưa vào diện chế tài theo đạo luật Kingpin - cấm các công dân Mỹ giao dịch với những đối tượng này, đồng thời cho phép nhà chức trách phong tỏa tài sản của họ ở Mỹ.

Cựu Phó tổng thống Honduras, Jaime Rosenthal.

Quyết định kể trên được đưa ra sau khi các công tố viên Mỹ cáo buộc, 3 người này đã tham gia rửa tiền cho bọn buôn bán ma túy Trung Mỹ. Thượng tuần tháng 11-2015, cựu Phó tổng thống Jaime Rosenthal đã bị truy tố cùng con trai Yani Rosenthal và cháu trai Yankel Rosenthal về tội rửa tiền và buôn bán ma túy. 3 người trong gia tộc Rosenthal cùng 7 doanh nghiệp của họ bị Bộ Tài chính Mỹ gọi là “những kẻ buôn ma túy đặc biệt”.

Giới chức Mỹ gọi đây là “một trong những mạng lưới rửa tiền lớn nhất Trung Mỹ”. Trước đó, ông Yankel Rosenthal, Chủ tịch CLB bóng đá Club Deportivo Marathon, đã bị bắt tại thành phố Miami, bang Florida, Mỹ. Và sau khi ông Yankel Rosenthal bị bắt, Ủy ban Ngân hàng Honduras (HBC) lập tức ra lệnh thanh lý tài sản của Ngân hàng Banco Continental do cựu Phó tổng thống Jaime Rosenthal sáng lập để trả tiền gửi cho hơn 220.000 khách hàng.

Ngoài ra, một tờ báo của gia đình Rosenthal cũng bị đóng cửa. Gia đình Rosenthal được biết đến như một thế lực hùng mạnh nhất ở Honduras bởi nắm quyền kiểm soát nhiều lĩnh vực như ngân hàng, truyền thông, bất động sản, du lịch, chăn nuôi và nông nghiệp. Riêng cựu Phó tổng thống Jaime Rosenthal, ngoài việc làm Chủ tịch tập đoàn Grupo Continental, còn sở hữu trang trại gồm 10.000 con cá sấu, 11.000 gia súc và đồn điền ca cao ở miền Bắc Honduras. Những con vật kể trên rơi vào cảnh chết đói sau khi chủ nhân của chúng bị phong tỏa tài sản.

Trong khi đó, Tổng thống Juan Orlando Hernandez từng phải đề nghị Liên hợp quốc trợ giúp khẩn cấp quốc gia Trung Mỹ này tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị có chiều hướng vượt tầm kiểm soát của chính phủ. Bởi trong cuộc biểu tình hôm 26-6-2015, hàng vạn người dân Honduras đã tuần hành và yêu cầu Tổng thống Juan Orlando Hernandez phải từ chức do liên quan đến vụ bê bối tham nhũng khiến dư luận nước này vô cùng bức xúc.

Theo giới truyền thông, sau khi vụ bê bối biển thủ công quỹ tại Viện Bảo hiểm xã hội Honduras (do đảng cầm quyền kiểm soát) bị phanh phui, làn sóng biểu tình, tuần hành và phong tỏa trụ sở các cơ quan chính phủ đòi Tổng thống Juan Orlando Hernandez từ chức và trừng phạt nghiêm những đối tượng liên quan liên tục diễn ra trên khắp đất nước Honduras. 

Phe đối lập cáo buộc Tổng thống Juan Orlando Hernandez đã nhận khoảng 90 triệu USD trong tổng số tiền hơn 300 triệu USD mà họ cho rằng được rút ra từ hệ thống y tế của Honduras để phục vụ cho chiến dịch tranh cử năm 2013 của ông. Nhưng ông Juan Orlando Hernandez đã phủ nhận những cáo buộc kể trên.

Người dân Honduras biểu tình yêu cầu Tổng thống từ chức.

Gần 2 năm trước (27-1-2014), khi phát biểu tại lễ nhậm chức, Tổng thống Juan Orlando Hernandez đã cam kết loại trừ tội phạm dưới mọi hình thức và tham nhũng ra khỏi đời sống xã hội, đem lại sự bình yên và hòa bình thực sự cho toàn thể người dân Honduras.

Trước đó (24-12-2013), Chánh án Tòa án Bầu cử tối cao Honduras (TSE) đã bác đơn khiếu nại đòi hủy kết quả cuộc bầu cử tổng thống hôm 24-11-2013. Bởi đảng Tự do và Tái thiết (LIBRE) tuyên bố, số phiếu của họ đã bị đánh cắp do gian lận. Đơn khiếu nại này do Chủ tịch LIBRE, cựu Tổng thống Manuel Zelaya, đệ trình lên TSE - có gian lận trong bầu cử tại 2.800 điểm bỏ phiếu nhằm hậu thuẫn cho ứng cử viên Juan Orlando Hernandez. Honduras là một trong những nước nghèo nhất châu Mỹ với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm và thu nhập bình quân đầu người rất thấp.

Ước tính có khoảng 70% dân số nước này nằm trong diện nghèo đói, trong khi tỷ lệ thất nghiệp lên tới 28%. Ngoài ra, tình trạng bạo lực tại Honduras cũng đang ở mức báo động với sự hoành hành của các băng đảng tội phạm, bắt cóc và buôn bán ma túy.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, trung bình mỗi ngày ở Honduras xảy ra khoảng 20 vụ giết người, tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Và để giải quyết vấn đề này, Tổng thống Juan Orlando Hernandez đã ra lệnh triển khai hơn 5.000 cảnh sát và quân đội tại các khu vực trọng yếu nhằm lập lại an ninh, an toàn cho người dân. Bên cạnh vấn nạn tội phạm, ông Juan Orlando Alvarado cũng nhấn mạnh tới chống đói nghèo…

Trọng Hậu
.
.
.