Văn hóa súng ở Thái Lan

Thứ Hai, 04/06/2018, 15:58
Nói đến văn hóa súng, nhiều người nghĩ ngay tới Mỹ, nhưng ít ai biết rằng “thiên đường du lịch” Thái Lan cũng có một nền văn hóa súng lâu đời. Dù không có những vụ xả súng hàng loạt như ở Mỹ, nhưng sự phổ biến của súng ống và khả năng thực thi pháp luật yếu tại Thái Lan đã khiến số người chết vì súng đạn dân sự ở nước này ở mức cao.


Cao hơn Mỹ

Các nghiên cứu cho thấy Thái Lan có tỷ lệ án mạng liên quan đến súng theo bình quân đầu người cao hơn so với Mỹ. Năm 2016, Thái Lan có hơn 3.000 vụ giết người bằng vũ khí với tỷ lệ 4,45 người chết trên 100.000 dân, theo nghiên cứu của Đại học Washington. 

Tỷ lệ này cao gần gấp 8 lần so với Malaysia và nếu không tính những trường hợp tử vong vì xung đột vũ trang, Thái Lan còn vượt cả Iraq, một trong những quốc gia nguy hiểm nhất thế giới. Hầu hết các vụ giết người bằng súng ở Thái Lan được quy vào các yếu tố hình sự, hoạt động băng đảng hoặc xung đột cá nhân.

Hàng triệu vũ khí sát thương đang tồn tại nước này và nhiều trong số đó là phi pháp, chưa đăng ký. Và dù tỷ lệ bạo lực cao, chính quyền Thái Lan vẫn không có bức tranh rõ ràng về việc có bao nhiêu khẩu súng trên đường phố. Những người có nhiệm vụ biên soạn dữ liệu quốc gia thừa nhận rằng thống kê về vũ khí lộn xộn và không đầy đủ. Các vụ việc liên quan đến súng kể từ khi Luật sở hữu súng tại nước này ra đời vào năm 1947 chỉ được ghi chép bằng tay.

“Không chỉ vậy, tất cả hồ sơ đều nằm rải rác ở các địa phương. Chúng tôi có 5 - 6 triệu giấy phép, và bây giờ chúng tôi đang cố gắng đưa chúng vào máy tính”, Chamnanwit Terat, Vụ phó Vụ Hành chính tỉnh thuộc Bộ Nội vụ Thái Lan, nói. 

“Chúng tôi thấy có sự trùng lặp, hoặc một giấy phép được cấp cho nhiều loại vũ khí và do đó chúng tôi phải kiểm tra với từng trường hợp một”. Cơ quan này đang lập ra một cơ sở dữ liệu trực tuyến ở cấp trung ương về tình hình sở hữu súng để đất nước có trách nhiệm hơn trong vấn đề này.

Giúp mọi người bình đẳng?

Tương tự ở Mỹ, tại Thái Lan người ta cũng xem việc sở hữu súng như là một cách để mang lại bình đẳng xã hội.  “Đôi khi chúng ta gặp phải xung đột và súng dường như là câu trả lời”, Đại tá Naras Savestanan, Vụ trưởng Vụ Thi hành án thuộc Bộ Tư pháp Thái Lan, nhận xét.

Trong khi đó, Vụ phó Vụ Hành chính Chamnanwit tin rằng tự vệ là lý do chính đáng để công dân trưởng thành sở hữu vũ khí, đặc biệt là khi họ “không thể luôn dựa vào sự bảo vệ của nhà nước”. Tuy nhiên, ông muốn việc cấp giấy phép được thắt chặt để có thể đánh giá mức độ phù hợp của người muốn sở hữu súng.

Có thể ý kiến trên được những người yêu thích súng ủng hộ. Tuy nhiên, vấn đề là tại Thái Lan việc kiểm soát súng rất lỏng lẻo. Hàng chục cửa hàng súng nằm dọc những con đường ở Wang Burapha, một quận cũ ở trung tâm Bangkok. Một số cơ sở nổi tiếng với lịch sử làm thợ sửa súng và đã hoạt động trong nhiều thập kỷ. Trên kệ trưng bày tại các cơ sở này có đầy vũ khí hiện đại.

Dữ liệu thống kê cho thấy cứ 10 người Thái Lan sẽ có một người sở hữu súng. Một công dân không có tiền án chỉ cần xuất trình giấy tờ từ văn phòng cấp quận/huyện, giấy chứng minh tài khoản ngân hàng và thư của chủ lao động là có thể được sở hữu súng. 

Quá trình này thường mất một vài tuần để hoàn thành và một số khẩu súng trường rẻ nhất ở Wang Burapha có thể được mua với giá 1.300 USD, và điều này hoàn toàn nằm trong tầm với của một công dân bình thường ở Thái. “Việc mua súng dễ dàng một cách đáng ngạc nhiên”, một người đam mê súng nói. “Nếu bạn là một công dân bình thường thì thủ tục mua súng rất đơn giản”.

Mua vũ khí bất hợp pháp thậm chí còn đơn giản hơn. Một số người cho biết một giao dịch có thể chỉ trong vòng 1 hoặc 2 ngày qua “chợ đen”.

Dạy phạm nhân sản xuất súng

Đầu năm 2018, một sáng kiến vừa được triển khai là mở khóa đào tạo 3 tuần về việc chế tạo súng cho người phạm tội liên quan đến súng. Chương trình sẽ được giám sát bởi Chính phủ và Quân đội Hoàng gia Thái Lan, với mục tiêu giảm tỷ lệ tù nhân mãn hạn tái phạm.

Vụ Thi hành án lựa chọn các “thiên tài” về vũ khí tự chế để hiểu rõ hơn về cách thức các nhóm tội phạm đang hoạt động, và qua công việc này, họ hy vọng sẽ biến các tù nhân thành công dân yêu nước.

Việc sở hữu một khẩu súng hoàn toàn nằm trong tầm với của một công dân bình thường ở Thái Lan.

Có nhiều tranh cãi liên quan đến sáng kiến này. Người ta cho rằng không thiếu nghề để đào tạo cho tù nhân, tại sao lại cho những người vốn từng phạm tội hình sự sản xuất súng?

“Tôi tin rằng một người tốt có thể sử dụng súng theo cách tốt. Và nếu một người xấu sử dụng súng, kiểu gì cũng sẽ là bất hợp pháp”, huấn luyện viên tự vệ bằng súng David Sutthaluang nói. “Nếu bạn cấm súng ở Thái Lan, có nghĩa là những người tốt sẽ không có súng, vậy thì họ có thể bảo vệ được ai?”.

Do văn hóa súng quá phổ biến, hầu như không ai muốn vận động cấm sở hữu súng ở Thái Lan. Tuy nhiên, một chính trị gia sẵn sàng chấp nhận những gì đã được chứng minh là lựa chọn không được ủng hộ trong cuộc tranh luận này. Đó là cựu Bộ trưởng Ngoại giao, ông Kasit Pirom. 

Ông muốn có một kỳ ân xá liên quan đến súng trên toàn quốc, trong đó những người sở hữu súng bất hợp pháp có thể ra đầu thú mà không bị phạt, được hỗ trợ bởi chính phủ và các tổ chức tôn giáo. Và Thái Lan đã từng tiến hành những đợt ân xá như vậy nhiều lần.

“Đó là thời gian chúng tôi biết được những khẩu súng ở đâu và chúng đến từ đâu. Tôi nghĩ đó là một phản ứng của con người bởi vì mỗi ngày bạn mở một tờ báo hoặc bạn nghe trên radio, trên truyền hình, đều có ai đó chết”, ông nói.

“Vì thế, tôi nghĩ chúng ta nên làm gì đó để kiểm soát súng ống. Chúng ta có luật, nhưng cũng có những điểm yếu về thực thi”, ông Pirom nói.

Vĩnh Cẩm
.
.
.