Vấn nạn thuốc giả ở Zimbabwe

Chủ Nhật, 24/09/2017, 14:28
Tờ DW (Đức) đưa tin, nạn thuốc giả đang bùng nổ ở Zimbabwe, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Luật pháp của Zimbabwe có hình phạt nghiêm khắc với tội phạm buôn bán thuốc giả; nhưng thị trường buôn bán thuốc giả khó kiểm soát, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế ở quốc gia này.


Thuốc giả bày bán ở quầy bán hoa quả

Các đường phố của trung tâm thành phố Harare đầy những nhà cung cấp thuốc giả. Thuốc giả được bày bán ở khắp mọi nơi. Thậm chí, người ta còn có thể tìm thấy thuốc giả ở một quầy bán hoa quả. Mọi người dường như đang cố gắng bán bất cứ thứ gì có thể để sống sót trong một nền kinh tế ảm đạm.

James Tinoda - người không cung cấp danh tính thật vì sợ bị phát hiện là một trong những người bán thuốc rong không đăng ký với cơ quan nhà nước. Tinoda nói rằng, ông mua thuốc không đăng ký từ Zambia.

Chính phủ Zimbabwe đang đau đầu đối phó với nạn thuốc giả.

Những gì Tinoda muốn là có thức ăn cho gia đình mỗi ngày. "Tôi phải bán thuốc vì không tìm được việc làm ở Zimbabwe. Tìm được việc làm gần như là điều không tưởng trong thời kỳ khủng hoảng hiện nay. Chúng tôi cần phải sống, những đứa trẻ phải đến trường học. Tôi đang cố gắng kiếm sống để nuôi gia đình. Đó là cách mà tôi và gia đình sống sót trong thời buổi khó khăn này. Không chỉ có tôi mà rất nhiều người ở trung tâm thành phố Harare đang sống bằng cách đó", Tinoda nói với phóng viên tờ DW. Tinoda cho biết thêm, ông kiếm được khoảng 150 USD/tháng nhờ bán thuốc giả. Số tiền này không nhiều nhưng cũng đủ để ông và gia đình trang trải cuộc sống hằng tháng.

Thuốc giả được bán trên đường phố của Harare rất đa dạng, bao gồm cả thuốc kháng sinh, thuốc tăng cường tình dục và kem làm sáng da… Các "thương nhân đường phố" như James Tinoda phải hết sức thận trọng vì chỉ cần sơ sảy một chút là bị các cơ quan chức năng bắt giữ. "Chúng tôi giấu thuốc rất cẩn thận để không bị phát hiện và bị bắt giữ. Thực tế cho thấy, không ít "đồng nghiệp" của tôi bị bắt giam trong thời gian vừa qua",  Tinoda nói.

Không giống như nhiều nước châu Phi khác, Zimbabwe có luật kiểm soát thuốc nghiêm ngặt. Người bị bắt vì bán thuốc giả hoặc thuốc không đăng ký với các cơ quan chức năng có thể bị phạt tù đến 20 năm.

Tinoda cho biết, ông không nghĩ quá nhiều mặc dù bản thân hiểu rõ các quy định của pháp luật với nạn buôn bán thuốc giả, thuốc không đăng ký. "Vì miếng cơm manh áo, tôi vẫn phải bán thuốc. Đó là con đường duy nhất để tôi và gia đình sống sót trong cuộc khủng hoảng kinh tế này", ông Tinoda nói thêm.

Mục tiêu cải thiện nền kinh tế quốc gia

Quy định nghiêm ngặt của hệ thống luật pháp dường như không đủ để ngăn chặn nạn buôn bán thuốc giả ở Zimbabwe. Ông Gugu Mahlangu, Giám đốc Cơ quan Kiểm soát thuốc của Zimbabwe cho biết, để chống nạn buôn bán thuốc giả, nền kinh tế của đất nước phải được cải thiện. "Vấn đề mà chúng tôi cần phải giải quyết lúc này là cải thiện tình trạng của nền kinh tế. Chúng tôi cần một thị trường có khả năng điều tiết tốt", ông Gugu Mahlangu nói.

Zimbabwe hiện đang dẫn đầu một nhóm công tác gồm thành viên của nhiều quốc gia châu Phi nghiên cứu, thành lập  Cơ quan Dược phẩm Liên minh châu Phi (AMA). AMA dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2018 với chức năng chính là kiểm soát việc sản xuất và buôn bán thuốc trên toàn châu lục.

Margaret Agama Anyetei, một quan chức của Zimbabwe tham gia nhóm công tác thành lập AMA cho hay, ý tưởng thành lập AMA xuất phát từ mong muốn kiểm soát tất cả các loại thuốc, trong đó có thuốc giả được sản xuất và bán trên lãnh thổ châu Phi hoặc được nhập khẩu từ nước ngoài vào lục địa này.

Theo Margaret Agama Anyetei, thuốc giả đã góp phần làm tăng các biến chứng về sức khoẻ như bệnh lao và tình trạng kháng thuốc. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn 120.000 người tử vong ở châu Phi mỗi năm do sử dụng thuốc chống sốt rét giả.

Các sản phẩm y tế kém chất lượng, thuốc giả đang là thách thức toàn cầu. Một số kết quả nghiên cứu cho thấy, những quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình, có xung đột hay bất ổn dân sự với hệ thống y tế yếu kém là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nạn thuốc giả.

Mạnh Tường (Tổng hợp)
.
.
.