Hậu vụ tai nạn máy bay tại Pháp:

'Vấn nạn' tiền bồi thường

Thứ Hai, 06/04/2015, 18:00
Trong khi các nhà điều tra khẩn trương làm rõ nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn thảm khốc hôm 24/3 tại vùng núi Alpes, khiến 150 người thiệt mạng, các nhà kinh tế lại quan tâm tới khoản tiền bồi thường mà hãng Lufthansa (công ty mẹ của Germanwings) có thể đối mặt cùng với các nghĩa vụ pháp lý khác.
Bởi theo Hiệp định về thương vong trên các chuyến bay quốc tế, các hãng hàng không buộc phải bồi thường cho thân nhân của nạn nhân số tiền lên tới 157.000 USD (thậm chí cao hơn), bất kể máy bay rơi vì lý do gì.

Tổng giám đốc Lufthansa Carsten Spohr cho biết, sẽ tuân thủ thỏa thuận quốc tế quy định về nghĩa vụ pháp lý và đã hỗ trợ ngay 50.000 euro/hành khách (không liên quan tới khoản bồi thường cuối cùng) cho thân nhân của các nạn nhân.

Theo luật sư người Đức Marco Abate, thiệt hại mà hãng Lufthansa phải gánh có thể rất lớn bởi theo Điều 21 Công ước Montreal năm 1999, để tránh nghĩa vụ pháp lý, hãng hàng không phải chứng minh vụ tai nạn không phải do sự bất cẩn hoặc hành động vô cớ của thành viên phi hành đoàn.

Tại Đức, hãng Lufthansa có thể phải bồi thường lớn hơn nếu người thiệt mạng là lao động chính trong gia đình. Theo chuyên gia luật hàng không Holger Hopperdietzelm, hãng Lufthansa có thể phải bồi thường hàng trăm ngàn euro/nạn nhân.

Cha của cơ phó Andreas Lubitz.

Trong khi đó, luật sư người Hà Lan Sander de Lang nhận định, số tiền mà hãng Lufthansa phải bồi thường sẽ phụ thuộc vào việc đơn đòi bồi thường sẽ được gửi tới đâu - việc xử lý đơn kiện có thể theo luật của Pháp (nơi máy bay rơi), hoặc Đức, nơi hầu hết hành khách có vé khứ hồi đến hoặc đi từ đây, hoặc Tây Ban Nha, nơi một số người có thể đã mua vé.

Ngoài ra, gia đình của 3 nạn nhân người Mỹ trong vụ tai nạn này có thể kiện hãng Lufthansa ra tòa án Mỹ, nơi phí bồi thường cao hơn ở châu Âu - có thể hàng triệu USD/hành khách. Từ những nhận định kể trên, giới chuyên môn cho rằng, hãng Lufthansa có thể thỏa thuận với thân nhân các nạn nhân để không phải hầu tòa.

Theo công tố viên, luật sư Marcel Brice Robin, hành động của cơ phó Andreas Lubitz có thể được coi là ngộ sát. Các nhà điều tra vẫn tiếp tục làm rõ cuộc đời bí ẩn của cơ phó Andreas Lubitz, sau khi biết anh ta đã xé giấy khám bệnh, thị lực có vấn đề, bị trầm cảm nặng, đang dùng thuốc chống suy nhược.

Cha mẹ của cơ phó đã bay từ Đức sang Pháp để tưởng niệm con trai và bàng hoàng khi biết, chính Andreas Lubitz là người đã gây ra thảm kịch này. Công tố viên thành phố Marseille Brice Robin cho biết, họ được cả giới chức Đức và Pháp thẩm vấn.

Theo tờ Bild (Đức), cô Kathrin Goldbach, bạn gái cũ của Andreas Lubitz đang mang thai đứa con của hai người đã đến Pháp để tìm hiểu xem liệu người tình xưa có phải là kẻ giết người hàng loạt hay không. Bởi cô Kathrin Goldbach đã lên kế hoạch làm đám cưới với Andreas Lubitz, nhưng lại chấm dứt mối quan hệ vài tuần sau đó và việc này được coi là nguyên nhân khiến cơ phó làm bậy.

Công tác cứu hộ diễn ra hết sức khó khăn bởi nhân viên cứu hộ, bác sĩ, cảnh sát... tới hiện trường bằng trực thăng và được thả xuống bằng dây cáp. Theo lời ông Yves Naffrechoux, đội trưởng chiến dịch cứu hộ tại Seyne-les-Alpes, khu vực này vô cùng nguy hiểm, trơn trượt và gió mạnh, trong khi các kỹ thuật viên lại không có kỹ năng leo núi.

Ngoài ra, trực thăng cũng không thể đáp xuống bởi khu vực sườn núi không có địa điểm nào bằng phẳng. Vẫn theo lời ông Yves Naffrechoux, không có thi thể hành khách nào còn nguyên vẹn và nhân viên cứu hộ đã tìm khoảng 600 mảnh thi thể nằm rải rác khắp sườn núi, do đó kiểm tra ADN là cách duy nhất để xác định danh tính các nạn nhân.

Ngày 29/3, tại hiện trường vụ tai nạn, người ta đã phát hiện một phần thi thể của cơ phó Andreas Lubitz. Và đội giám định pháp y cũng đã xác định được 78 mẫu ADN khác nhau. Tuy nhiên, theo tuyên bố của người đứng đầu nhóm điều tra làm việc tại thành phố Dusseldorf, ông Jean-Pierre Michel, họ chưa thể bác bỏ giả thiết có lỗi kỹ thuật.

Và mặc dù danh tính của cơ trưởng chiếc máy bay Airbus A320 mang số hiệu 4U9525 thuộc hãng Germanwings không được nhà cầm quyền Đức cung cấp, nhưng người ta vẫn biết đó là Patrick Sondenheimer, phi công có hơn 10 năm kinh nghiệm và 6.000 giờ bay với Airbus A320.

Ngày 29/3, tờ Bild (Đức) cho biết, dữ liệu từ bộ ghi âm buồng lái cho thấy, cơ trưởng Patrick Sondenheimer đã thét lên: "Vì Chúa, hãy mở cánh cửa chết tiệt này ra" trong khi tiếng hành khách la thét có thể được nghe thấy từ phía sau, trong khoảnh khắc trước khi máy bay rơi xuống núi.

Cơ trưởng Patrick Sondenheimer đã cố mở cửa buồng lái trong khoảng 8 phút máy bay giảm độ cao sau khi ông đi toilet, nhưng bất thành. Ngày 30/3, cơ quan chức năng Pháp công bố kết quả điều tra vụ tai nạn kể trên.

Q.T.
.
.
.