Vấn nạn trốn thuế và rửa tiền tại ngân hàng Thụy Sỹ

Thứ Hai, 20/07/2015, 08:00
81 năm trước (1934-2015), một đạo luật được ban hành ở Thụy Sỹ (giới hạn nghiêm ngặt thông tin có thể được chia sẻ với bên thứ ba, kể cả cơ quan thuế, chính phủ nước ngoài và cả chính phủ Thụy Sỹ) đã giúp nước này trở thành thiên đường trú ẩn cho các tài khoản ở nước ngoài lớn nhất thế giới. Nhưng sau tiết lộ của chuyên gia máy tính, cựu Giám đốc ngân hàng HSBC Herve Falciani, nhiều vụ rửa tiền, trốn thuế ở Thụy Sỹ đã và đang bị phanh phui, khiến nhiều ngân hàng phải nộp những khoản tiền phạt lớn.

Từ tiết lộ của Herve Falciani

Theo thông báo của Văn phòng Kiểm soát tiền tệ Mỹ (OCC), các ngân hàng JPMorgan Chase, Wells Fargo, HSBC và Santander, sẽ phải đối mặt với những rào cản mới trong việc mua quyền cung cấp dịch vụ vay thế chấp từ các công ty khác, cũng như đề cử các quan chức cấp cao về dịch vụ này, bên cạnh các hạn chế khác. Ngân hàng HSBC cũng vừa chấp nhận nộp 43 triệu USD cho giới chức Geneva để giải quyết cuộc điều tra về cáo buộc rửa tiền nhằm vào chi nhánh Private Bank của ngân hàng này ở Thụy Sỹ.

Theo giới truyền thông, HSBC ở Thụy Sỹ đã bị cơ quan chức năng chú ý sau khi chuyên gia máy tính Herve Falciani của ngân hàng này trốn khỏi Geneva năm 2007 và mang theo nhiều tài liệu được cho là bằng chứng cho thấy, HSBC đã giúp nhiều khách hàng trốn thuế. Cơ quan giám sát các thị trường tài chính Thụy Sỹ (FINMA) cho rằng, HSBC quản lý nội bộ kém và vi phạm nguyên tắc về hoạt động rửa tiền.

Một số chi nhánh của Ngân hàng HSBC.

Hạ tuần tháng 5 vừa qua, 4 ngân hàng Thụy Sỹ đã phải dàn xếp với Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) về khoản tiền phạt để tránh bị truy tố giúp công dân Mỹ mở tài khoản ở nước ngoài nhằm trốn thuế. Theo đó, Societe Generale Private Banking phải nộp 1,36 triệu USD vì giúp 100 tài khoản liên quan đến Mỹ che giấu tài sản và thu nhập trị giá khoảng 140 triệu USD kể từ năm 2008. MediBank AG nộp 826.000 USD cho 14 tài khoản liên quan đến Mỹ trị giá 8,6 triệu USD. LBBW và Scobag Privatbank AG phải trả khoản phạt 34.000 USD và 9.090 USD.

Trước đó, Finter Bank Zurich AG đã chấp thuận nộp phạt 5,4 triệu USD trong một thỏa thuận tương tự với DOJ. Và đây là ngân hàng tư nhân thứ ba của Thụy Sỹ phải dàn xếp các cáo buộc về hành vi giúp công dân Mỹ mở tài khoản tiền gửi, không khai báo, giúp họ trốn thuế.

Tổ chức Liên đoàn các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) từng công bố hồ sơ mật cho thấy, HSBC tại Thụy Sỹ đã giúp khách hàng trốn hàng triệu USD tiền thuế. Hồ sơ đã công bố một danh sách chính trị gia và người nổi tiếng đến từ Anh, Nga, Ấn Độ, Arab Saudi, Bahrain, Jordan… đã gửi vào HSBC ở Thụy Sỹ hơn 100 tỉ USD. Hồ sơ này bị chuyên gia máy tính Herve Falciani làm việc cho HSBC ở Geneva đánh cắp từ năm 2007 và chuyển cho giới chức Pháp.

Trong thông báo hôm 9/4, HSBC cho biết, ngân hàng này đã chính thức bị cơ quan chức năng Pháp điều tra hình sự do những cáo buộc liên quan đến việc điều hành chi nhánh ngân hàng tư nhân HSBC tại Thụy Sỹ trong giai đoạn 2006-2007, thời điểm xảy ra các vụ trốn thuế nghiêm trọng. Và tòa án Pháp đã buộc HSBC phải nộp 1,07 tỷ USD tiền phạt, nhưng ngân hàng này đang kháng án.

Tới các biện pháp mạnh tay

Theo giới chuyên môn, từ năm 2013, Bộ Tư pháp Mỹ đã cho phép các ngân hàng Thụy Sỹ tránh bị truy tố trước tòa bằng cách tiết lộ thông tin của công dân Mỹ chuyển tiền và tài sản ra nước ngoài để trốn thuế. Đại sứ Mỹ tại Thụy Sỹ Suzan LeVine cho biết, những cuộc điều tra xung quanh chủ đề này có thể kéo dài tới năm 2016.

Ngày 31/3, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo, Ngân hàng BSI của Thụy Sỹ sẽ phải trả khoản tiền phạt 211 triệu USD sau khi thừa nhận đã giúp khách hàng tạo các nhận dạng giả để trốn thuế tại Mỹ. Theo thống kê, BSI hiện có hơn 3.000 tài khoản đang hoạt động bí mật có liên quan tới người đóng thuế tại Mỹ sau năm 2008. Và theo thỏa thuận, BSI đồng ý tiết lộ toàn bộ hoạt động giao dịch qua biên giới và hỗ trợ công tố viên trong hoạt động điều tra liên quan tới vụ việc này, đồng thời đảm bảo rằng tất cả các tài khoản sẽ được công khai với cơ quan chức năng Mỹ.

Hơn 10 ngân hàng Thụy Sỹ từng ở trong diện điều tra đã được đưa ra khỏi "Chương trình Ngân hàng Thụy Sỹ," trong đó có Credit Suisse, khi ngân hàng này chấp nhận nộp phạt 2,6 tỷ USD vì giúp người Mỹ che giấu tiền gửi ở nước ngoài để trốn thuế.

Cùng với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã ký với Thụy Sỹ một thỏa ước (dự kiến có hiệu lực từ năm 2018) nhằm chấm dứt tình trạng bí mật ngân hàng đối với các cư dân EU và ngăn chặn việc che giấu các nguồn thu nhập không minh bạch tại các ngân hàng Thụy Sỹ.

Ngày 27/5, Ủy viên Hội đồng châu Âu về vấn đề kinh tế tài chính, ông Pierre Moscovici tuyên bố, thỏa ước vừa ký đánh dấu một kỷ nguyên mới dành cho sự minh bạch về thuế, cùng sự hợp tác giữa EU và Thụy Sỹ. Ngày 23/2, Italia và Thụy Sỹ đã ký thỏa thuận trao đổi thông tin về tài khoản ngân hàng nhằm giúp Rome giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động tài chính ở nước ngoài.

Trước đó (29/10/2014), hơn 80 nước và vùng lãnh thổ đã ký và cam kết ký Thỏa thuận Ủy quyền Đa phương nhằm chấm dứt cơ chế bảo mật ngân hàng, bước đi quan trọng trong cuộc chiến toàn cầu chống nạn trốn và gian lận thuế. Đây được coi là các biện pháp nhằm chống nạn trốn thuế, đã và đang gây thiệt hại cho mỗi quốc gia châu Âu hàng tỷ USD mỗi năm.

Thượng tuần tháng 5, giới chức Thụy Sỹ thông báo, phát hiện hàng ngàn tài khoản ngân hàng vô thừa nhận trong 5 thập kỷ qua ở nước này. Bởi theo đạo luật mới, trong năm nay, các ngân hàng ở Thụy Sỹ phải công bố thông tin về các tài khoản đã được mở cách đây 60 năm, nhưng chưa có người nhận. Và nếu không tìm được người thừa hưởng hợp pháp các tài khoản vô thừa nhận từ hơn 500 franc Thụy Sĩ, số tiền này sẽ được giao cho chính phủ.

Trước đó (4/2), tờ Wall Street Journal cho biết, Bộ Tư pháp Mỹ đang tập trung xác minh việc Ngân hàng UBS của Thuỵ Sỹ có giúp người Mỹ che giấu tài sản và trốn thuế bằng cách mua và giao dịch các trái phiếu vô danh. Theo tờ The Guardian, Giám đốc điều hành HSBC Stuart Gulliver đã giữ hàng triệu USD trong tài khoản chi nhánh ngân hàng này ở Thụy Sỹ. Và tài khoản này đứng tên Worcester Equities Inc, một công ty đăng ký hoạt động tại Panama, nhưng ông Stuart Gulliver là người hưởng lợi.

Ngày 23/3, Thượng viện Brazil thông báo, sẽ thành lập một ủy ban của Quốc hội để điều tra hơn 8.860 tài khoản bí mật bị tình nghi trốn thuế bằng cách chuyển tiền sang Thụy Sỹ thông qua chi nhánh của Ngân hàng HSBC. Riêng giai đoạn 2006-2007, số tiền trốn thuế của các doanh nghiệp và tư nhân ở Brazil đã lên tới 7 tỷ USD. Trước đó (25/2), cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp George Papaconstantinou đã phải hầu toà vì bị cáo buộc giúp người thân giấu tiền ở Thụy Sỹ - đã xóa tên người thân trong danh sách 2.000 người Hy Lạp có tài khoản gửi tại Ngân hàng HSBC.

Mạnh Phong - Nhiệm Bình - Số đặc biệt
.
.
.