Vẫn tranh cãi về “hồ sơ LuxLeaks”

Thứ Sáu, 19/01/2018, 09:50
Sau khi Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố hơn 500 thỏa thuận thuế giữa Luxembourg với hơn 350 doanh nghiệp quốc tế năm 2014, dư luận chấn động với vụ bê bối được gọi bằng cái tên “hồ sơ LuxLeaks”...

Giới luật sư đang tranh cãi sau quyết định hôm 11-1 của Tòa án cấp cao nhất ở Luxembourg, khi bác bỏ bản án đối với Antoine Deltour, 31 tuổi, cựu nhân viên của hãng tư vấn PricewaterhouseCoopers (PwC), người bị tuyên 6 tháng tù treo cùng khoản tiền phạt 1.500 euro gần 1 năm trước. 

Tuy bác bỏ bản án được tuyên hôm 15-3-2017, nhưng tòa vẫn giữ mức phạt 1.000 euro đối với Raphael Halet, 40 tuổi, cũng là cựu nhân viên của PwC và là bị cáo thứ hai trong vụ rò rỉ hàng nghìn tài liệu phanh phui nhiều công ty đa quốc gia gian lận thuế tại Luxembourg và được gọi là “hồ sơ LuxLeaks”. Bị cáo thứ ba là nhà báo Pháp Edouard Perrin, người có công tiết lộ "hồ sơ LuxLeaks". 

Sau khi Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố hơn 500 thỏa thuận thuế giữa Luxembourg với hơn 350 doanh nghiệp quốc tế năm 2014, dư luận chấn động với vụ bê bối được gọi bằng cái tên “hồ sơ LuxLeaks”. Bởi trong “hồ sơ LuxLeaks”, nhiều vụ gian lận thuế trị giá hàng tỷ USD bị “lộ sáng” cùng nhiều cái tên như Apple, Amazon, Verizon, AIG, FedEx, Deutsche Bank, Heinz, Pepsi, Ikea... 

Và những hãng kể trên đã lợi dụng điểm yếu của các quy định quốc tế để chuyển vốn vào Luxembourg nhằm tránh hoặc đóng thuế gần như bằng 0, sau khi đàm phán với chính quyền nước sở tại.

Antoine Deltour, 31 tuổi, cựu nhân viên của hãng tư vấn PricewaterhouseCoopers (PwC).

Khoảng 80 nhà báo thuộc ICIJ đến từ 26 quốc gia đã cùng nhau “mổ xẻ” 28.000 trang tài liệu do ông Antoine Deltour và ông Raphael Halet cung cấp. Và căn cứ theo 28.000 trang tài liệu từ “hồ sơ LuxLeaks”, các nhà báo ICIJ cho biết, nhiều công ty ở Mỹ, Anh đứng đầu danh sách doanh nghiệp trốn thuế, tiếp đến là các công ty tại Đức, Hà Lan, Thụy Sỹ. 

Theo giới truyền thông, tại phiên sơ thẩm (từ 26-4-2016 đến 4-5-2016), tòa đã đề cập cụ thể tới vụ tiết lộ 28.000 trang tài liệu hồi thượng tuần tháng 11-2014, khiến Luxembourg bị chấn động khi hơn 340 công ty lớn trên thế giới bị cáo buộc trốn hàng tỷ USD tiền thuế sau khi tới nước này làm ăn. 

Và Antoine Deltour là người tố giác vụ việc, bị cáo buộc đánh cắp tài liệu của PwC, còn Raphael Halet bị cáo buộc làm rò rỉ tài liệu lần thứ 2. Và với tội danh đánh cắp dữ liệu, tiết lộ bí mật kinh doanh, Antoine Deltour và Raphael Halet đều bị công tố viên đề nghị mức án tới 5 năm tù giam, nhưng họ chỉ bị tuyên 12 tháng và 9 tháng tù giam. Còn tại phiên phúc thẩm hồi tháng 12-2016, công tố viên đã đề nghị giảm án cho Antoine Deltour xuống 6 tháng tù giam, còn Raphael Halet chỉ phải nộp phạt.

Sau khi “hồ sơ LuxLeaks” được khoảng 40 tờ báo, cùng trang tin quốc tế tiết lộ, nhiều nhà lập pháp ở châu Âu và Mỹ đã cáo buộc Luxembourg chống lưng cho các công ty trốn thuế, và yêu cầu nước này phải cải cách. Và Ủy ban châu Âu (EC) cũng tuyên bố, sẵn sàng điều tra hoạt động ưu đãi thuế mà Luxembourg dành cho các công ty đa quốc gia. Ngoài ra, EC còn yêu cầu 7 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cung cấp thông tin liên quan về tình trạng ưu đãi thuế của họ. 

Thủ tướng Luxembourg khi đó là Xavier Bettel tuyên bố, nước này không phá vỡ quy tắc và không có các chương trình thuế riêng cho những công ty xuyên quốc gia. Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker là một trong những cái tên được dư luận chú ý sau khi xuất hiện trong “hồ sơ LuxLeaks” bởi ông từng là Bộ trưởng Tài chính và Thủ tướng Luxembourg. 

Trước khi trở thành Chủ tịch EC, ông Jean-Claude Juncker là Bộ trưởng Tài chính (25 năm) và Thủ tướng Luxembourg gần 19 năm (1995-2013) nên không thể không biết tới cách thức trốn thuế của những công ty lớn trên thế giới tại quốc gia này.

Luxembourg xét xử 3 nhân vật tiết lộ hồ sơ LuxLeaks.

Theo “hồ sơ LuxLeaks”, hãng chuyển phát nhanh của Mỹ Fedex bị cáo buộc thành lập 2 chi nhánh ở Luxembourg để chuyển thu nhập từ hoạt động tại Mexico, Pháp, Brazil, Hongkong. Bởi tại Luxembourg, Fedex chỉ bị đánh thuế 0,25% đối với các thu nhập phi cổ tức, số còn lại (99,75%) được miễn thuế. 

Theo giới truyền thông, Luxembourg là một trong những trung tâm tài chính của châu Âu, với ngành ngân hàng lớn thứ 2 trong số các quốc gia EU. Theo thống kê, có 148 ngân hàng đến từ 27 quốc gia và hơn 40.000 công ty đã đăng ký kinh doanh tại Luxembourg. Trong đó có 200 doanh nghiệp là chi nhánh của công ty mẹ tại Mỹ như PepsiCo, Amazon, Apple và Heinz. 

Gần 1 năm trước (30-3-2017), người phát ngôn của Chính phủ Luxembourg tuyên bố, họ có quyền hợp pháp để trở thành nơi đặt trụ sở của Cơ quan Ngân hàng châu Âu (EBA), thay thế London sau khi Anh rời khỏi EU (còn gọi là Brexit). Theo giới truyền thông, trong thư gửi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel đã viện dẫn và yêu cầu các bên tôn trọng đạo luật EU năm 1965, theo đó Luxembourg phải là nơi đặt trụ sở mới của EBA. EBA nổi tiếng với những bài kiểm tra thường kỳ về sự ổn định của hệ thống tài chính EU mang tên "Stress test" kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới nhằm trấn an giới đầu tư.
Phạm Huy Anh
.
.
.