Vatican rung chuyển vì những bê bối

Thứ Năm, 19/11/2015, 09:00
Đây là vụ bê bối mới nhất về tài chính của Vatican, và diễn ra trong bối cảnh Tòa thánh đang bị dư luận quan tâm sau khi 2 cuốn sách vừa xuất bản của 2 nhà báo điều tra Emiliano Fittipaldi và Gianluca Nuzzi đề cập tới các bê bối, và mờ ám trong hoạt động tài chính của Vatican, cùng đấu đá nội bộ và cuộc sống xa hoa của nhiều quan chức cao cấp.

Thông tin về việc cảnh sát Italia vừa phối hợp với cảnh sát Na Uy, Đức, Anh, Phần Lan, Thụy Sĩ và Cơ quan công tố của Liên minh châu Âu bắt 17 đối tượng tình nghi tham gia vào một mạng lưới khủng bố quốc tế (lớn nhất do Italia triệt phá từ đầu năm đến nay) âm mưu tấn công vào các mục tiêu ở Vatican, cũng không gây chấn động bằng tuyên bố của Viện công tố Rome. Bởi theo Viện công tố Rome, Giám mục Pietro Vittorelli, nguyên là cha trưởng của Montecassino và em trai là Massimo Vittorelli, vừa bị bắt với cáo buộc đã ăn cắp 500.000 euro từ tài khoản của tu viện.

Đây là số tiền Giám mục Pietro Vittorelli đã biển thủ từ tài khoản của tu viện và tiền cúng tế của giáo dân trong 6 năm, từ 2007 đến 2013. Và đa phần của số tiền kể trên được chuyển cho ông Massimo Vittorelli, nhà môi giới tài chính, để đầu tư vào bất động sản đắt tiền ở Rome và vùng phụ cận. Và để qua mặt cảnh sát tài chính Italia, Giám mục Pietro Vittorelli đã rút tiền mặt (hàng nghìn euro/lần) đưa cho em trai Massimo Vittorelli.

Giáo hoàng Francis I.

Theo các nhà điều tra, Giám mục Pietro Vittorelli đã sống xa hoa (bay tới Brazil, ăn trong các nhà hàng sang trọng, sống trong những khách sạn ở London và Milan, sử dụng thuốc gây ảo giác và cocaine) bằng số tiền biển thủ kể trên.

Được biết, Giám mục Pietro Vittorelli được Giáo hoàng Benedict XVI phong làm cha trưởng Montecassino năm 2007, và từng được coi là ngôi sao đang lên trong hàng giáo phẩm của Tòa thánh. Giới chuyên môn cho rằng, vụ việc của Giám mục Pietro Vittorelli chứng tỏ, công tác quản lý quá lỏng lẻo và thiếu minh bạch trong lĩnh vực tài chính của Vatican và Tòa thánh phải chặt chẽ hơn để tránh xảy ra những vụ scandal mới.

Đây là vụ bê bối mới nhất về tài chính của Vatican, và diễn ra trong bối cảnh Tòa thánh đang bị dư luận quan tâm sau khi 2 cuốn sách vừa xuất bản của 2 nhà báo điều tra Emiliano Fittipaldi và Gianluca Nuzzi đề cập tới các bê bối, và mờ ám trong hoạt động tài chính của Vatican, cùng đấu đá nội bộ và cuộc sống xa hoa của nhiều quan chức cao cấp.

Vatican cho rằng, đức ông Lucio Angel Vallejo Balda và bà Francesca Chaouqui, là những người có khả năng đã cung cấp tài liệu để 2 nhà báo xuất bản 2 cuốn sách được phát hành hôm 5/11 vừa qua (được phát hành cùng lúc bằng tiếng Anh và Italia ở 22 nước trên thế giới).

Theo giới truyền thông, bà Francesca Chaouqui đang bị điều tra về việc làm thế nào tiếp cận được nhiều thông tin nhạy cảm liên quan đến tài chính của Vatican để cùng đức ông Lucio Angel Vallejo Balda cung cấp cho 2 nhà báo kể trên. Và việc này được coi là cách trả thù cá nhân của đức ông Lucio Angel Vallejo Balda, sau khi người này không được Giáo hoàng bổ nhiệm lên một chức vụ cao hơn. Và thông qua công tác điều tra dựa trên máy tính và điện thoại của bà Francesca Chaouqui (là phụ nữ duy nhất làm việc trong các ủy ban hành chính của Vatican) và đức ông Lucio Angel Vallejo Balda cho thấy, họ có "tay trong" từ nội bộ Vatican.

Trong cuốn ''Sự tham lam'', nhà báo Emiliano Fittipaldi đã mô tả chi tiết bê bối về tài chính của Vatican, trong đó có việc nhiều quan chức cao cấp của Tòa thánh đã sử dụng tiền quyên góp từ thiện nhân đạo để chi cho sinh hoạt và cuộc sống xa hoa của mình. Còn trong cuốn ''Đường Thánh giá'', nhà báo Gianluca Nuzzi đề cập tới nhiều mờ ám trong tài chính của Vatican, trong đó nhắc đến việc người ta phải đẩy nhanh tiến trình phong thánh bằng cách tăng chi phí lên tới gần nửa triệu euro.

Hai quan chức bị bắt - ông Balda và bà Chaouqi.

Báo chí Italia cho rằng, Tòa thánh đã đề nghị giới chức Italia hỗ trợ để làm rõ những vụ scandal kể trên và sẽ khép cuộc điều tra trước khi Năm thánh đặc biệt được tổ chức vào ngày 8/12/2015. Được biết, cuộc điều tra được thúc đẩy sau tuyên bố hôm 8/11 của Giáo hoàng Francis I, theo đó những bê bối liên quan đến Vatican không thể ngăn cản quá trình cải cách mà ông đang thực hiện. Đây là tuyên bố chính thức đầu tiên của Giáo hoàng Francis I kể từ khi nổ ra vụ bê bối Vatileaks 2.

Giáo hoàng Francis I cũng khẳng định, tài liệu bị rò rỉ là hệ quả của quá trình cải cách mà ông đã tiến hành và một số biện pháp nhằm cải tổ lại bộ máy của Vatican, chấn chỉnh lại công tác tài chính đã có kết quả tích cực. Vaticaleaks 2 bắt đầu được tiến hành từ tháng 5, khi Vatican bí mật điều tra về việc làm thế nào mà những thông tin của họ bị báo chí phanh phui.

Và vụ việc trở nên nghiêm trọng sau khi Vatican bắt (2/11) đức ông Lucio Angel Vallejo Balda và bà Francesca Chaouqui, 2 thành viên của Ủy ban kinh tế và quản lý được Giáo hoàng Francis I lập ra năm 2013 để điều tra về sự thiếu minh bạch trong các hoạt động tài chính của Tòa thánh.

Vụ rò rỉ thông tin của bà Francesca Chaouqui và đức ông Lucio Angel Vallejo Balda được gọi là Vatileaks 2 để phân biệt với Vatileaks 1, ám chỉ vụ người hầu của Giáo hoàng Benedict XVI là Paolo Gabriele đã chuyển tài liệu mật của Vatican cho nhà báo Gianluca Nuzzi viết cuốn "Sua Santita" (Đức thánh cha), xuất bản năm 2012. Theo nhà báo Emiliano Fittipaldi, Vatican sở hữu nhiều bất động sản ở châu Âu (riêng ở Rome đã có hơn 5.000 căn hộ), và tuy rất giàu có, nhưng Tòa thánh lại chi ít cho việc thiện nguyện.

Tuệ Sỹ - Trọng Hậu
.
.
.