Venezuela:

Cảnh sát bất lực trước nạn cướp ở siêu thị

Thứ Tư, 20/07/2016, 13:00
Bắt đầu từ tháng 5, quốc gia Nam Mỹ này đã rơi vào tình trạng lạm phát siêu phi mã, cao nhất thế giới và khủng hoảng lương thực trầm trọng lên tới đỉnh điểm thời gian gần đây.

Điều trên đã tác động xấu tới an ninh xã hội. Ông Ramón Muchacho, thị trưởng thành phố Chacao ở Caracas, cho biết, các đường phố ở thủ đô Venezuela đang đầy rẫy những người săn thú vật làm thức ăn. Chia sẻ trên Twitter, ông Muchacho gọi đó là một "thực tế đau lòng".

Đói, chó mèo cũng bị săn để làm thịt

Theo Panampost, một làn sóng cướp bóc đang xảy ra tại Venezuela.

Sáng 11-5, một đám đông người dân đã xông vào siêu thị bán sỉ Maracay ở miền trung Venezuela. Xung đột giữa lực lượng an ninh và những người dân đang lên cơn cuồng nộ vì thiếu lương thực đã khiến ít nhất 2 người chết, nhiều người bị thương và thiệt hại vật chất nhiều triệu USD. 

Trước đó, ngày 1-5, sáu sĩ quan quân đội Venezuela bị bắt vì tội bắt trộm dê làm thịt để giải quyết cơn đói khi không còn thực phẩm ở căn cứ quân sự tại Fort Manaure. 

Theo lời tường trình của các chủ doanh nghiệp tại siêu thị, hàng dài người xếp hàng chờ mua lương thực quá lâu mà không mua được gì đã khiến họ nổi giận, ào lên, vượt qua các cánh cổng xông vào. "Họ lấy sữa, mì, bột mì, dầu ăn và sữa bột. Có khoảng 5.000 người xông vào", một nhân chứng kể.

Ông Oscar Meza, giám đốc Trung tâm tư liệu phân tích xã hội, cho biết tháng 5 là tháng mà tình trạng khan hiếm thực phẩm và tỉ lệ lạm phát tồi tệ nhất tại Venezuela cho tới nay. Chia sẻ với trang web Noticias Venezuela, ông nói: "Chúng tôi chính thức tuyên bố tháng 5 là tháng mà nạn đói bắt đầu lan rộng ở Venezuela". Tại nhiều siêu thị, người ta còn nghe thấy tiếng người dân la toáng lên "chúng tôi đói!".

      Người dân xếp hàng mòn mỏi chờ mua đồ ở siêu thị.

"Giá cả quá cao tới mức người dân không thể mua được gì, vì thế họ không có được bánh mì, bột mì. Trước kia người dân thường mang bữa trưa tới công sở nhưng nay thì không thể mang được nữa vì ở nhà họ cũng không còn thực phẩm để nấu nướng", ông Meza nói.

Việc mua hàng ở siêu thị được phân bổ theo hệ thống quản lý bằng dấu vân tay. Hàng triệu người dân phải xếp hàng dài trong nhiều giờ chỉ để mua các nhu yếu phẩm. 

Giữa tháng 5, hầu hết các công ty kinh doanh thực phẩm tại Venezuela cho biết chỉ còn lượng thực phẩm đủ cung cấp trong vài ngày nữa. Cùng với tình trạng cướp bóc lương thực xảy ra như cơm bữa, báo Panampost cũng phản ánh tình trạng người dân Venezuela bắt đầu săn bắt chó, mèo và chim bồ câu làm lương thực trong bối cảnh khan hiếm thức ăn.

Kinh tế hỗn loạn, cướp chê tiền nội tệ

Venezuela đang trên hành trình tiến tới giai đoạn "siêu lạm phát" - giai đoạn mà nền kinh tế hoàn toàn hỗn loạn và có thể chạm mốc "sụp đổ hoàn toàn"... Nền kinh tế nước này có thể sẽ sụp đổ hoàn toàn trong 12-18 tháng tới đây sau khi rơi vào tình trạng siêu lạm phát kỷ lục, theo nhận định của chuyên gia kinh tế vĩ mô Robert K. Rennhack, phó giám đốc phụ trách khu vực Tây bán cầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Một báo cáo gần đây của IMF cho biết, năm nay tỉ lệ lạm phát tại Venezuela sẽ là 720%, mức cao nhất thế giới. Nhưng theo báo Miami Herald, chuyên gia Rennhack cho rằng Venezuela đang trên hành trình tiến tới giai đoạn "siêu lạm phát" - giai đoạn mà nền kinh tế hoàn toàn hỗn loạn và có thể chạm mốc "sụp đổ hoàn toàn" nếu không có thay đổi đáng kể nào về chính sách kinh tế.

Ông Rennhack cho rằng, lạm phát ở Venezuela có thể đã bước vào lộ trình siêu lạm phát từ năm 2015 và dự kiến năm 2017, tỉ lệ lạm phát ở đây sẽ đạt 2.200% rồi có thể lao lên rất nhanh tới mức 13.000% một năm, giai đoạn mà hầu hết các học giả kinh tế định nghĩa là siêu lạm phát toàn diện.

Nhiều người Venezuela thậm chí còn tin rằng, nền kinh tế trong nước sẽ sụp đổ sớm hơn mốc thời gian 12-18 tháng như dự đoán của chuyên gia IMF. Giá cả hàng hóa tăng vọt hằng ngày, các kệ hàng trong siêu thị gần như trống trơn, lượng điện tiêu thụ ngày càng thiếu hụt. Chính quyền thậm chí buộc người lao động làm ít ngày đi để tiết kiệm năng lượng.

Quốc gia Nam Mỹ có lượng dự trữ dầu mỏ thuộc loại nhất nhì thế giới này đang lâm vào tình cảnh cạn sạch tiền mặt và bắt đầu phải bán đi một phần vàng dự trữ để thanh toán các khoản nợ công.

Theo CNN, Venezuela có thể sẽ vỡ nợ trong năm nay khi rất nhiều khoản vay của nước này tới lúc đáo hạn. Ngay cả lượng dự trữ vàng của Venezuela cũng sụt giảm rất nhanh trong năm 2015 vì vừa phải trả nợ vay vừa phải duy trì các chính sách phúc lợi xã hội khác. Từ nay cho tới cuối năm 2016, chính quyền Caracas sẽ phải thanh toán 15,8 tỉ USD nợ công, trong khi ngân khố dự trữ dường như không còn ngoại tệ. Về mức dự trữ vàng, hồi tháng 5-2015, Venezuela công bố còn số vàng dự trữ trị giá 11,7 tỉ USD, nhưng tới giờ đã cạn kiệt rất nhiều.

Quốc gia Nam Mỹ phụ thuộc quá mức vào nguồn thu từ dầu mỏ nên khi giá dầu sụt giảm, kinh tế nhanh rơi vào cảnh lao đao. Sự phục hồi của giá dầu, nếu có, cũng chưa thể nhanh và Venezuela khó có thể giải quyết được các khoản nợ trong một thời gian ngắn.

Mỹ tạo ra khủng hoảng?

Phát biểu trong cuộc gặp các thống đốc bang tại thủ đô Caracas, Tổng thống Maduro cho hay, ông đã làm việc với các chuyên gia kinh tế và các nhóm đặc biệt để thành lập cơ quan trên.

Người đứng đầu Nhà nước Venezuela đưa ra thông báo trên, sau khi khẳng định giá dầu thô giảm mạnh trong những tháng qua là kết quả của một "cuộc chiến giá cả" do Mỹ phát động chống Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC, trong đó Venezuela là một thành viên), chống Nga và các nước sản xuất dầu mỏ nói chung.

Một tên trộm bị đánh đập.

Theo Tổng thống Maduro, giá dầu thô xuất khẩu của Venezuela đã giảm từ mức 95-96 USD/thùng - mà theo ông là mức hợp lý, cho phép kinh tế nước này vận hành "một cách cân bằng" - xuống 40 USD/thùng những ngày gần đây, do Mỹ sản xuất dầu đá phiến bằng phương thức khai thác "hủy diệt" môi trường.

Vị chính khách cũng đã tố cáo các hãng đánh giá tín dụng quốc tế xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Venezuela thấp hơn thậm chí so với các nước đang trong tình trạng chiến tranh như Ukraine, nhằm gây khó khăn cho chính quyền Caracas trong việc vay nợ để bù đắp sự suy giảm của nguồn thu do giá dầu mỏ lao dốc.

Hồi cuối tháng 4, cuộc đàm phán đóng băng sản lượng dầu mỏ tại Doha giữa các nước trong và ngoài OPEC đã thất bại. Hãng tin Sputnik (Nga) đã dẫn lời Bộ trưởng Dầu mỏ và Công nghiệp khai thác mỏ Venezuela Eulogio del Pino nói:

"Lần đầu tiên, 18 quốc gia thành viên và phi thành viên OPEC đã gặp gỡ để ký kết thỏa thuận, và điều này đã được hiểu như một mối đe dọa nghiêm trọng cho các lợi ích của đế quốc. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thăm tất cả các quốc gia vùng Vịnh một tuần trước cuộc họp". 

"Đây là một cuộc chiến chống lại đất nước chúng tôi, vì người ta cho rằng giá dầu thấp sẽ góp phần làm sụp đổ chính quyền Caracas. Thật hiển nhiên, đây là cuộc chiến tranh với các yếu tố áp lực kinh tế"- ông del Pino nói thêm.

Hồi tháng 2/2016, Nga, Arab Saudi, Qatar và Venezuela đồng ý sẽ đóng băng sản lượng nếu các nhà xuất khẩu dầu khác đồng ý tham gia cùng. Tuy nhiên, sự lạc quan bị dập tắt sau khi Iran đưa ra quyết định ở giờ chót không tham gia Hội nghị Doha (Qatar). 

Arab Saudi, nước dẫn dắt OPEC, thề sẽ không đóng băng sản lượng trừ khi các nhà xuất khẩu lớn khác cũng tham gia. Giới phân tích nhận định tình hình địa chính trị ở Trung Đông hiện nay là yếu tố góp phần khiến Hội nghị Doha thất bại.

Ban bố tình trạng khẩn cấp

Tổng thống Nicolas Maduro hôm 13-5 đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 60 ngày do "âm mưu lật đổ chính phủ cánh tả" của ông từ các thành viên OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ) và Mỹ. Ông Maduro không cho biết chi tiết biện pháp khẩn cấp nói trên.

 Tổng thống Maduro thề sẽ hoàn tất nhiệm kỳ của mình đồng thời cáo buộc Mỹ bí mật gây ra một cuộc đảo chính chống lại ông. Ông còn chỉ ra rằng phiên luận tội Tổng thống Brazil Dilma Rousseff một ngày trước đó chính là một dấu hiệu báo trước ông là mục tiêu kế tiếp. Đảng Xã hội cầm quyền ở Venezuela từ lâu đã là một đồng minh mạnh mẽ của Đảng Lao động của bà Rousseff. Tuy nhiên, việc bà Rousseff bị đình chức khiến ông Maduro thêm phần cô lập ở châu Mỹ Latinh.

"Washington đang tiến hành các biện pháp theo yêu cầu của phe cánh hữu phát xít Venezuela, những kẻ được khích lệ bởi cuộc đảo chính ở Brazil" - ông Maduro phát biểu trên đài truyền hình nhà nước tối 13-5. Quan hệ Mỹ - Venezuela căng thẳng trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là sau khi Mỹ ủng hộ cuộc đảo chính bất thành nhằm vào nhà lãnh đạo Hugo Chevez năm 2002.

Văn Nguyễn
.
.
.