Vì sao Hạ viện Mỹ cho phép di dân phi pháp được bầu cử?

Thứ Sáu, 22/03/2019, 15:29
Ngày 8-3, đảng Dân chủ ở Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu chống lại dự luật cấm di dân bất hợp pháp tham gia bầu cử với số phiếu áp đảo 228 phiếu thuận và 197 phiếu chống.


Theo tờ Washington Times, kết quả bỏ phiếu đánh dấu một sự lật ngược từ khi đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện khoảng 6 tháng trước. Lúc đó, Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đã bỏ phiếu không cho di dân bất hợp pháp bầu cử.

Thành viên đảng Dân chủ ở Georgia, nghị sĩ John Lewis phát biểu khi ông lãnh đạo phe đối lập với Cộng hòa rằng: “Chúng tôi đã chuẩn bị mở ra tiến trình chính trị để cho tất cả mọi người bước vào”.

Không phải công dân, vẫn được bỏ phiếu

Việc bỏ phiếu cho người nhập cư bất hợp pháp được bầu cử diễn ra trong bối cảnh dự luật rộng hơn được đặt tên là HR I (Nhân quyền I) hay còn gọi là “Đạo luật Vì Dân”, nhằm giảm vai trò của tài chính trong chính trị, bảo đảm bầu cử công bằng và tăng cường các tiêu chuẩn đạo đức. Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã chỉ trích gay gắt dự luật là phi dân chủ và vi hiến.

Các cử tri đóng gói Phụ lục Hạt Vigo tại Terre Haute, Indiana, ngày 5-11-2018, ngày cuối cùng bỏ phiếu sớm.

Nghị sĩ Cộng hòa bang Florida Matt Gaetz viết trên Twitter: "Các biện pháp đề xuất trong HR I không chỉ là một bước đi tồi, nó là vi hiến. Tóm lại, nó buộc các tiểu bang phải khôi phục quyền bỏ phiếu của những kẻ phạm tội, gây nguy hiểm cho Tu chính án số 1, liên bang hóa việc phân chia Quốc hội, và biến Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC) thành một tổ chức đảng phái".

Theo Washington Times, động thái của Hạ viện sẽ bị phản đối kịch liệt ở Thượng viện dưới sự kiểm soát của đảng Cộng hòa, hơn nữa Luật Liên bang cũng không cho phép dân ngoại quốc nhập cư bất hợp pháp bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử liên bang. 

Theo Fox News, trong khi đó, đảng Cộng hòa ủng hộ phương sách thêm vào dự luật bầu cử “HR I” rằng, cho phép những người nhập cư bất hợp pháp có quyền bỏ phiếu sẽ làm giảm giá trị quyền bầu cử và làm giảm quyền bầu phiếu của công dân Mỹ. 

Đảng Cộng hòa bày tỏ sự thất vọng trong cuộc bỏ phiếu dự luật này, họ hy vọng sẽ gửi một thông điệp tới các thành phố như San Francisco cho phép người nhập cư bất hợp pháp bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử hội đồng nhà trường.

Nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Texas Dan Crenshaw nói: “Nghe có vẻ như tôi dựng chuyện. Loại chính phủ nào hủy bỏ phiếu bầu của chính công dân của mình và thay thế bằng những người không phải là công dân?”. Ông Crenshaw chỉ ra rằng năm ngoái 49 đảng viên Dân chủ đã cùng các đảng viên Cộng hòa công khai chỉ trích việc cho người không phải là công dân được bỏ phiếu. Nhưng năm nay thì khác, con số ấy chỉ còn 6 đảng viên Dân chủ.

Một Luật liên bang năm 1996 cấm những người không có quyền công dân bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử liên bang, nhưng không có sự cấm đoán nào đối với các địa phương, và thực sự một số khu vực pháp lý cho phép nó, trong một chừng mực nào đó. 

Công viên Takoma tự do nổi tiếng, một khu vực tài phán nhỏ ở Maryland, trong nhiều thập kỷ đã cho phép những người không phải là công dân, bao gồm cả người nhập cư bất hợp pháp, bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử địa phương. 

Các chuyên gia cho biết có tới 40 tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ cho phép người không phải là công dân bỏ phiếu từ thời thành lập quốc gia. San Francisco vào tháng 7 đã bắt đầu cho phép những người không có quyền công dân được bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử hội đồng nhà trường - mặc dù họ phải là phụ huynh hoặc người giám hộ hợp pháp của học sinh.

Dân quyền và nhân quyền

Không chỉ những đảng viên Cộng hòa phản đối bước đi của Hạ viện, trong một lá thư ngày 1-3 gửi Quốc hội, Liên minh Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) cũng kêu gọi các nhà lập pháp bỏ phiếu chống lại đề xuất này.

 Trong thư có đoạn viết: "Chúng tôi rất mong muốn Ủy ban Quy tắc cho phép bổ sung để giảm bớt những lo ngại của chúng tôi với các điều khoản vi phạm hiến pháp xâm phạm các quyền tự do ngôn luận và hội họp”. 

Và “những điều khoản trong dự luật vi phạm Hiến pháp về quyền tự do ngôn luận của công dân Mỹ và các tổ chức lợi ích công cộng. Chúng sẽ làm tổn hại đến quyền công khai phát biểu của chúng ta bằng cách bóp nghẹt tiếng nói cần thiết khác, có thể lên tiếng về những vấn đề chung".

Theo trang The New American, hậu quả việc bỏ phiếu bất hợp pháp của người nước ngoài hoặc không phải là công dân không chỉ rất tệ cho các tiểu bang và địa phương, mà còn tồi tệ hơn ở cấp liên bang. Lưu ý rằng các ưu tiên bầu cử của những người không phải là công dân nghiêng về phía đảng Dân chủ, Tạp chí Nghiên cứu Bầu cử (Electoral Studies) đã báo cáo vào năm 2014 rằng các cử tri bất hợp pháp hoặc không phải là công dân có thể đã bầu cựu Thượng nghị sĩ Al Franken và trao Bắc Carolina cho Barack Hussein Obama trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008.

Theo tạp chí này, nếu có hơn 5,1% người không cư trú ở Bắc Carolina bỏ phiếu năm 2008, thì khi đó tỷ lệ phiếu bầu cho ông Obama sẽ đủ để mang lại chiến thắng cho ông trong tiểu bang. Vì ước tính cao nhất của Electoral Studies là 6,4% những người không phải là công dân thực sự đã bỏ phiếu, nên có vẻ như ông John McCain đã giành được Bắc Carolina nếu những phiếu bầu cho ông Obama không đến từ những người không phải là công dân. Tất nhiên, ông McCain vẫn sẽ thua trong cuộc bầu cử với một biên độ lớn. Nhưng ai thắng và ai thua thì không phải là vấn đề, mà vấn đề ở đây là các quy tắc của pháp luật.

Người dân bất hợp pháp - không phải là công dân - dĩ nhiên không có quyền hạn công dân, không có bổn phận công dân, không có nghĩa vụ công dân, không có trách nhiệm gì với nước Mỹ. Trong khi đó, bỏ phiếu chẳng những là quyền lợi mà còn là trách nhiệm. Ai chịu trách nhiệm cho hậu quả mang lại do lá phiếu của họ khi họ trở về quê quán?

Vì vậy, việc mở đường cho người nhập cư bất hợp pháp từ nước ngoài bỏ phiếu bị chỉ trích là một động thái bất chấp quyền lợi công dân để tranh thủ lá phiếu. Dân quyền và nhân quyền là khác nhau. Dĩ nhiên con người sinh ra đều bình đẳng, nhưng về quyền hạn và trách nhiệm công dân, tức dân quyền, thì hoàn toàn khác nhau, bởi công dân còn chịu trách nhiệm gánh lấy hậu quả do lá phiếu của mình.

Vĩnh Đông
.
.
.