Vì sao Nga hợp tác với Huawei để phát triển công nghệ thông tin?

Thứ Tư, 07/10/2020, 14:30
Huawei đang cập nhật chiến lược hợp tác với các đối tác Nga. Chủ tịch Huawei tại Eurasia Aiden Wu đã tuyên bố.

Phát biểu tại Hội nghị Huawei Cộng đồng Kỹ thuật số 2020, ông Aiden Wu cho biết rằng, tập đoàn có ý định sử dụng tiềm năng R&D (nghiên cứu và phát triển) của Nga để tạo ra các công nghệ mới.

Single RAN là gì?

Quá trình xâm nhập thị trường quốc tế của Huawei đã bắt đầu từ Nga. Bây giờ ít người còn nhớ điều này, nhưng, vào năm 1997, Huawei đã mua lại 70% cổ phần của nhà sản xuất thiết bị viễn thông Nga BETO ở thành phố Ufa và thành lập một liên doanh. Các thiết bị chuyển mạch - các sản phẩm tạo động lực phát triển hoạt động kinh doanh của Huawei - ban đầu đã được sản xuất bằng công nghệ của Nga.

Sau đó, Huawei đã giới thiệu tiêu chuẩn Single RAN được sử dụng trên toàn thế giới trong việc xây dựng mạng 3G. Single RAN - công nghệ truy nhập vô tuyến trong mạng thông tin di động - cho phép các nhà khai thác hỗ trợ tất cả các tiêu chuẩn thông tin di động hiện có bằng cách sử dụng các giải pháp phần cứng nhỏ gọn mà không cần lắp đặt cột và ăng ten riêng cho từng băng tần. 

Với giải pháp công nghệ này, Huawei đã chiếm vị trí hàng đầu toàn thế giới trong lĩnh vực sản xuất thiết bị viễn thông cho mạng di động. Trong bài phát biểu của mình, ông Aiden Wu nhắc nhở về việc tiêu chuẩn Single RAN cho Huawei đã được tạo ra bởi các nhà phát triển Nga.

Trong những năm gần đây, Huawei đặt nhiều hy vọng vào các thị trường phương Tây trong các nghiên cứu R&D của mình. Huawei đã thành lập một số trung tâm R&D - bộ phận R&D của Huawei Futurewei Technologies - tại Thung lũng Silicon, Seattle, Chicago, Dallas. Các văn phòng thuộc bộ phận R&D Huawei tại Mỹ có hơn 800 nhân viên. Futurewei đã đăng ký hơn 2.100 bằng sáng chế ở Mỹ trong các lĩnh vực như công nghệ viễn thông, mạng 5G và thiết kế máy quay video.

Khách hàng trong cửa hàng thương hiệu HUAWEI tại trung tâm mua sắm Afimall ở Moscow.

Hậu quả từ các lệnh trừng phạt của Mỹ

Tuy nhiên, vì mối quan hệ Trung-Mỹ đã xấu đi, áp lực lên công ty từ Washington ngày càng gia tăng. Do lệnh trừng phạt của Mỹ, Futurewei đã cắt giảm 70% nhân sự vào năm ngoái. Huawei bắt đầu nghĩ đến việc chuyển các trung tâm R&D của mình sang các khu vực khác thân thiện hơn. 

Cách đây không lâu, CEO Huawei Ren Zhengfei đã tuyên bố rằng, sau khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt, công ty đang tăng đáng kể các khoản đầu tư vào Nga và có kế hoạch tăng số lượng nhân viên Nga làm việc trong các bộ phận R&D của công ty.

Ưu thế của Nga trong đào tạo các nhà toán học, kỹ sư và lập trình viên, cùng với chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp CNTT tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các đổi mới và thực hiện nhiệm vụ số hóa do Chính phủ Nga đặt ra. 

Các công ty CNTT được giảm thuế thu nhập từ 20% xuống còn 3%. Trong tình huống này, Huawei nhận thấy "cơ hội lịch sử" để hợp tác với các đối tác Nga và gia tăng tiềm lực công nghệ, Chủ tịch Huawei tại Eurasia Aiden Wu nói.

 “Nếu chúng ta kết hợp bổ sung những lợi thế của hai bên, chắc chắn chúng ta sẽ đẩy nhanh quá trình đưa vào ứng dụng các nghiên cứu khoa học của Nga, điều này sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho Nga mà cho cả thế giới. Chúng tôi đề nghị thiết lập sự hợp tác với các đối tác Nga để xây dựng Cộng đồng kỹ thuật số tương lai. 

Chúng ta có thể cùng nhau thúc đẩy sự phát triển thông qua các công nghệ cao, các ngành công nghiệp, sự tăng trưởng, hệ sinh thái và độ tin cậy. Đây chính là khái niệm TIGER của chúng tôi”, - Chủ tịch Huawei Eurasia cho biết tại Hội nghị Huawei Cộng đồng Kỹ thuật số 2020.

Huawei sẽ tăng cường hợp tác với các đối tác Nga.

Khái niệm TIGER là gì?

Theo ông Aiden Wu, khái niệm TIGER (Technology, Industry, Growth, Ecosystem, Reliability - Công nghệ, Công nghiệp, Tăng trưởng, Hệ sinh thái, Độ tin cậy) ngụ ý đến sự phát triển cùng với Nga các giải pháp điều hành mã nguồn mở OS Harmony, OpenEuler và OpenGauss, việc xây dựng các giải pháp đặc biệt dành cho Nga hệ sinh thái 5G, điện toán, nền tảng đám mây và các loại thiết bị. Công ty cũng nhận thấy tiềm năng hợp lực từ việc hợp nhất những công nghệ mới với các ngành truyền thống. 

Theo Huawei, ở giai đoạn đầu nên triển khai công nghệ 5G trong các ngành công nghiệp, đặc biệt là vì công ty đã tích lũy những kinh nghiệm hợp tác thành công với Nga trong lĩnh vực này. Vào tháng 5, nhà khai thác viễn thông Nga Beeline cùng với Huawei đã triển khai một vùng thí điểm 5G trên lãnh thổ mỏ than SUEK. Lãnh thổ không gian mạng 5G là vùng di chuyển các xe tải robot hạng nặng tự đổ.

“Chúng tôi đã nghiên cứu những kinh nghiệm của Huawei trong lĩnh vực sử dụng các phương tiện tự lái và công nghệ 5G vào ngành khai thác mỏ ở Trung Quốc. Chúng tôi rất quan tâm đến nội dung này bởi vì một khách hàng của chúng tôi – mỏ than SUEK (Siberian Coal Energy Co - Công ty Năng lượng than Siberia) đã yêu cầu xem xét khả năng cải thiện phạm vi phủ sóng tại mỏ lộ thiên Abakan, vì họ có vấn đề với việc thử nghiệm các phương tiện không người lái trong mạng công nghiệp WIFI. 

Chúng tôi đã quyết định kết hợp kinh nghiệm của các đồng nghiệp Huawei và cơ hội mà khách hàng SUEK đã cho chúng tôi để thử nghiệm mạng 5G đầu tiên cho các phương tiện không người lái trong ngành khai thác mỏ. Chúng tôi hiểu rõ rằng, việc sử dụng các phương tiện không người lái trong ngành khai thác mỏ ở các vùng khác nhau của nước Nga có tiềm năng rất lớn. 

Công ty chúng tôi muốn đóng vai trò nhà điều hành cung cấp các giải pháp đầu cuối cho khách hàng. Chúng tôi đã bắt đầu triển khai dự án này trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, hoàn cảnh khó khăn, thời gian gấp rút lắm. Nhưng, nhờ các đối tác của chúng tôi, Huawei đã giải quyết thành công mọi vấn đề. Vào tháng 3, chúng tôi đã khai trương mạng lưới này. 

Mạng 5G đảm bảo độ trễ tối thiểu trong quá trình lưu thông dữ liệu, điều này rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Chúng tôi đã đạt được phủ sóng 5G liền mạch. Các xe tải bắt đầu di chuyển ở chế độ hoàn toàn tự động. Và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn và hiệu quả sản xuất”, ông Andrey Viktorov, chuyên gia hàng đầu của bộ phận công nghệ mới tại Beeline, cho biết tại Hội nghị Huawei.

Nga mở rộng cửa hợp tác với Huawei.

Nga mở rộng cửa hợp tác

Không giống như một số quốc gia phương Tây tìm cách loại trừ Huawei khỏi chương trình xây dựng mạng 5G, Nga mở rộng cánh cửa hợp tác. Và các thỏa thuận quan trọng chứng tỏ điều đó.

Phát biểu tại Diễn đàn Giáo dục Thanh niên toàn Nga, Ngoại trưởng Sergei Lavrov nhấn mạnh rằng Nga "sẽ không noi gương Mỹ mà yêu cầu tất cả mọi người không hợp tác về 5G với Trung Quốc, đặc biệt là với công ty Huawei".

Ngoại trưởng Lavrov nói Nga quan tâm hợp tác với các nước khác để cùng tạo ra các công nghệ hiện đại và ứng dụng trong cuộc sống thực tiễn. Theo Ngoại trưởng Lavrov, 5G rất quan trọng đối với Nga cũng như đối với phần còn lại của thế giới, và các bộ ban ngành liên quan tại Nga hiện đang tích cực tham gia vào việc phân phối công nghệ này trong nước.

Tháng 6-2019, nhà mạng di động hàng đầu của Nga là MTS cũng đã ký thỏa thuận với Huawei để phát triển công nghệ 5G tại nước này và tổ chức các đợt thử nghiệm vào năm 2019 và 2020. MTS cùng với Huawei đã khởi động các khu thí điểm 5G đầu tiên ở Kronstadt, một thành phố cảng gần St. Petersburg, và ở Moscow trên lãnh thổ Công viên VDNKh. Vào cuối năm ngoái, cuộc gọi video 3 chiều đầu tiên qua mạng 5G đã được thực hiện ở Kronstadt.

Huawei tin chắc rằng, sự kết hợp giữa phần mềm của các công ty Nga và thiết bị công nghệ cao của Huawei sẽ mang lại thành công cùng có lợi trong sự phát triển của ngành công nghiệp ICT ở Nga. Hiện nay ở Nga có một số trung tâm R&D của Huawei, họ tuyển dụng khoảng 900 người. 

Ông Aiden Wu đã lưu ý, trong 5 năm tới, Huawei có kế hoạch thu hút hơn 130.000 chuyên gia kỹ thuật số của Nga và sẽ phân bổ hơn 1 tỷ USD cho hoạt động mua sắm, nghiên cứu và phát triển ở Nga cũng như tạo ra các hệ sinh thái để phát triển chiến lược số hóa.

Minh Trang (Tổng hợp)
.
.
.