Vì sao IS tuyển mộ được nhiều chiến binh phương Tây

Thứ Ba, 06/01/2015, 19:00
Theo cảnh báo của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA), tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang mở rộng hoạt động trên toàn thế giới và lên kế hoạch tấn công Mỹ cùng các quốc gia phương Tây trong dịp lễ Giáng sinh và lễ đón năm mới. Đáng chú ý là bằng công nghệ chiêu mộ khá hiện đại, số thành viên của IS hiện đã vượt con số hơn 200.000 người, (trong đó có nhiều người Mỹ và phương Tây), tức là gấp 7 lần so với con số ước tính trước đó của các cơ quan tình báo phương Tây.
Trung tâm tuyn m trong lòng phương Tây

IS đang vượt qua mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và nắm phần chủ động đối phó với cuộc chiến chống khủng bố mới do Mỹ phát động. Đáng chú ý là IS biết lợi dụng các bộ tộc địa phương, có chiến dịch chiêu mộ tân binh một cách khôn khéo nhưng không kém phần quyết liệt. Riêng đối với các chiến binh là người Mỹ hoặc phương Tây, IS có một cách tiếp cận khá mới mẻ. Đầu tiên là chúng xây dựng các mạng lưới IS thu nhỏ trong xã hội Mỹ và phương Tây, làm quen, mua chuộc hoặc thậm chí đe dọa những nhân vật theo đạo Hồi có vai trò quan trọng trong cộng đồng người Hồi giáo của nước sở tại. Mỗi một chiến dịch hay kế hoạch được thực thi, IS đều có những tư vấn từ các nhà chuyên môn thuộc hội đồng chiến tranh, hội đồng Shura và cả những học giả về tôn giáo, tâm lý học. 

Các con số thống kê cho thấy, hiện có ít nhất 550 người Đức, 400 người Anh, 300 người Pháp, 250 người Mỹ, 150 người Áo… gia nhập IS và đang tham chiến ở Iraq hoặc Syria. Những người này phần lớn là theo tư tưởng Hồi giáo cực đoan, từng có những phản ứng lại với chính quyền địa phương khi còn ở trong nước. Qua mạng lưới cung cấp thông tin bí mật, IS đã cử đại diện đến trao đổi, mua chuộc và lôi kéo những người này, nhồi nhét vào họ tư tưởng phải xây dựng Nhà nước Hồi giáo để đối chọi là những chính sách mà các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Đức đang áp dụng với người Hồi giáo.

Báo cáo gần đây từ Trung tâm Nghiên cứu Chủ nghĩa Cực đoan Quốc tế (ICSR) nhấn mạnh, truyền thông xã hội như Youtube, Facebook, Twitter… đã trở thành phần quan trọng trong việc tuyên truyền thông điệp mang tính cực đoan. Từ đây, tư tưởng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan lan truyền thật dễ dàng dưới lớp vỏ bọc “tự do ngôn luận” và "đa văn hóa". Thêm vào đó, sự bất mãn, đói nghèo, bất bình đẳng trong xã hội cũng được IS lợi dụng để từ đó làm lung lay quan điểm của cộng đồng người Hồi giáo phương Tây, kêu gọi họ tìm kiếm bản sắc cho riêng mình bằng việc gia nhập IS và chống lại cái xã hội mà họ cho rằng đang "chà đạp lên những người nghèo khó"…

Những đứa trẻ trong khu vực IS kiểm soát đã bị tổ chức này "tẩy não" bằng những hình thức huấn luyện chiến binh thánh chiến.

Bên cạnh đó, khi cả châu Âu đang lao vào cuộc chiến chống thất nghiệp và thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng" thì những lời hứa hẹn về mức lương cao gấp nhiều lần cùng các đặc ân khác như ôtô, nhà cửa… cũng là một trong những yếu tố tác động không nhỏ tới các thanh niên phương Tây.

"Ty não" tr em và ph n

Không chỉ nhắm vào các đối tượng là những thanh niên trai tráng, khỏe mạnh, IS còn nhồi nhét tư tưởng Hồi giáo cực đoan vào đầu óc những đứa trẻ mới bước qua tuổi thứ 6 hoặc những thiếu nữ Hồi giáo ngây thơ với những ý nghĩ cao siêu về cái gọi là thánh chiến. Chẳng hạn như ở Raqqa, thành trì của tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS tại Syria,  trẻ nhỏ đã được trả tiền để chỉ điểm những ai không trung thành hoặc bất bình với IS, thậm chí được đào tạo để trở thành kẻ đánh bom liều chết.

Dần dần, những đứa trẻ này bị lái vào cuộc sống của IS và đứng vào hàng ngũ chiến đấu của tổ chức này. Theo Tạp chí Foreign Policy, IS đang áp dụng hệ thống tuyển mộ trẻ nhỏ rất bài bản, tuyên truyền cho các em đức tin cực đoan và những kỹ năng chiến đấu cơ bản. Đến nay vẫn chưa có thống kê chính thức nào về số trẻ em tham gia IS, tuy nhiên, những câu chuyện và bằng chứng từ người tị nạn do Liên Hợp Quốc, các tổ chức nhân quyền và báo chí tổng hợp được cho thấy, nạn “tẩy não” và huấn luyện chiến đấu cho trẻ em đang lan rộng ở các vùng do IS kiểm soát.

Đối với nữ giới, đặc biệt là các thiếu nữ phương Tây, IS đã biết đánh vào tâm lý ưa mạo hiểm, thích khám phá của những phụ nữ trẻ này. Chúng tuyên truyền với họ rằng đi đến các vùng của IS không chỉ là nghĩa vụ tôn giáo mà còn là sự thám hiểm thú vị, là hành động nhân đạo để giúp người dân Syria thoát khỏi ách cai trị hàng chục năm của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Một nhà phân tích người Mỹ đã chỉ ra rằng, nữ giới ở Mỹ và châu Âu thường ít có hiểu biết về tôn giáo và đạo Hồi nên nhiều khi họ nghe những lời dụ dỗ ngon ngọt đó lại tưởng rằng, khi gia nhập IS là họ đang góp sức vào một cuộc thánh chiến hoặc ít nhất là đóng một vai trò tích cực trong việc thành lập một vương quốc Hồi giáo thuần túy.

Khánh Chi
.
.
.