Vì sao nhiều phụ nữ ngoại quốc tham gia IS?

Thứ Năm, 12/12/2019, 14:07
Tháng 3-2019, Vụ Các vấn đề tội phạm và ân xá (DACG) thuộc Bộ Tư pháp Cộng hoà Pháp đã triển khai một nghiên cứu chuyên sâu về các “muhajirat - nữ chiến binh Hồi giáo cực đoan” trở về từ Syria. Trong bản báo cáo, DACG đã phác họa ra một số khuynh hướng chủ yếu đã tạo thành động cơ thúc đẩy họ gia nhập IS, những hoạt động của họ tại Syria và những nguy cơ có thể nảy sinh khi họ hồi hương.


Động cơ: Một chương trình xã hội huyễn hoặc

Những phụ nữ đã từng tham gia vào các lực lượng Hồi giáo thánh chiến của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) từ lâu đã được hưởng những ưu ái xuất phát từ những ngộ nhận của phương Tây khi đánh giá động cơ tham gia vào IS của họ.

Nhiều chuyên gia chống khủng bố đã phản biện để bác bỏ những lập luận muốn giảm nhẹ mức độ cực đoan hóa ở những người phụ nữ này. Trong một bài trả lời phỏng vấn tờ Le Monde (Pháp) vào năm 2016, công tố viên Franois Molins đã thừa nhận: “Lúc đầu có thể chúng ta đã thận trọng thái quá khi cho rằng những người phụ nữ này chỉ đơn giản là đi theo chồng và chỉ quẩn quanh với những công việc nội trợ”.
Emilie Konig, 30 tuổi, người Pháp, nữ chiến binh hồi giáo của IS, đã bị bắt và giam giữ tại Syria trong vùng do người Kurdes kiểm soát.

Một bản phân tích sâu hơn hiện tượng này sẽ thuyết phục được hệ thống tư pháp chú ý tới những tính chất đặc thù của hiện tượng muhajirat (nữ chiến binh Hồi giáo ngoại quốc). Dẫu việc xây dựng một khuôn mẫu chung, một chân dung điển hình cho các trường hợp này là bất khả và cũng không thể áp dụng một chính sách duy nhất cho mọi trường hợp, DACG cũng đã cố gắng phác họa ra một số khuynh hướng chủ yếu cho phép hiểu được các động cơ thúc đẩy họ gia nhập IS, các hoạt động của họ tại Syria và những nguy cơ có thể xảy ra khi các nữ chiến binh Hồi giáo cực đoan này hồi hương.

Nếu như đa phần các phụ nữ Pháp gia nhập hàng ngũ IS là do sự lôi kéo của người chồng thì phần lớn các muhajirat khi bị thẩm vấn sau khi trở về đều biểu lộ “một sự tán đồng và gắn kết” với lý tưởng thánh chiến.

Những người phụ nữ này đã kể về sự tự nguyện ràng buộc với IS như là một hành động hòa quyện, trong đó vừa là những ác cảm, thậm chí là căm ghét với phương Tây, vừa là sự thu hút, quyến rũ của IS. “Vương quốc” này đối với họ như là một phương tiện để được sống một cuộc sống “giải thoát” khỏi sự cưỡng bức của phương Tây, một viễn cảnh hoàn hảo về một dự án xã hội lý tưởng.

Một trong những dấu hiệu chỉ ra rất rõ ràng cho nhận định này - đó là việc chỉ có chưa đến 1/3 những người phụ nữ gia nhập IS là đi cùng với gia đình. Hơn 2/3 còn lại đã gia nhập IS một mình sau khi được tuyển mộ trên mạng xã hội hay có quan hệ yêu đương với một chiến binh Hồi giáo cực đoan sau khi làm quen trên mạng.
Emilie Konig, 30 tuổi, người Pháp, nữ chiến binh hồi giáo của IS, đã bị bắt và giam giữ tại Syria trong vùng do người Kurdes kiểm soát.

Vai trò của những người phụ nữ: làm vợ và làm mẹ

Nếu như học thuyết của IS nhấn mạnh đến vai trò truyền thống của người phụ nữ là làm công việc gia đình thì chương trình mở rộng lãnh thổ của “vương quốc Hồi giáo” lại trao cho họ một nhiệm vụ mang tính chiến lược, cung cấp cho tổ chức một mạng lưới mang tính huyết thống bằng việc sinh ra những đứa con cho các chiến binh Hồi giáo cực đoan.

Trên tờ Dar Al-Islam, một tạp chí tuyên truyền của IS in bằng tiếng Pháp, người vợ góa của một chiến binh Hồi giáo đã nhấn mạnh đến chức năng kép này: “Các chị em thân yêu…, chị em không hình dung nổi những điều lớn lao mà chúng ta đã mang đến cho những người chồng của mình, chúng ta chăm sóc từng miếng ăn, tấm áo của họ, xoa dịu những vết thương và nỗi đau của họ.

Hãy làm sao khi những đứa trẻ luôn ngoan ngoãn không quấy phá khi họ trở về nhà. Đừng sửng cồ và gây sự trước những đòi hỏi hay mệnh lệnh của những người chồng của chúng ta. Những người châu Âu chúng ta được giáo dục để tin rằng phụ nữ luôn bình đẳng với nam giới, nhưng thực tế điều đó là hoàn toàn không đúng”.

Cái “chức năng giáo dục” mà IS đã giao phó cho những người phụ nữ này đã khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của họ trước những hành động bạo lực của những đứa con của họ, những đứa trẻ đã bị chính mẹ của chúng nhồi sọ từ rất sớm.

Bản báo cáo của DACG đã nhắc đến cuộc thẩm vấn một muhajirat ngay sau khi cô này trở về Pháp. Người vợ của một chiến binh Hồi giáo cực đoan gốc Pháp này thản nhiên kể lại việc mình cho hai đứa con mới gần 10 tuổi xem những video trong đó cha của chúng cùng với những chiến binh IS khác đang sát hại dã man các tù nhân.

Rất nhiều người phụ nữ trở về từ hàng ngũ IS đã mô tả lại những cảnh tượng tàn bạo diễn ra hàng ngày trong những vùng lãnh thổ mà IS chiếm đóng, “những vụ ném đá đến chết những người phụ nữ bị tố cáo ngoại tình, những trận đá bóng của lũ trẻ mà trái bóng là những chiếc đầu bị cắt rời khỏi cơ thể, những vụ hành quyết rồi bêu xác xảy ra thường xuyên”.

Một phụ nữ đã từng là một muhajirat thú nhận: “Giờ đây tôi không thể là tín đồ Hồi giáo cực đoan được nữa bởi tất cả những gì tôi đã từng chứng kiến ở Syria. Ở đó tôi không có quyền làm một con người”. Đây có lẽ là một trong những lý do chủ yếu để rất nhiều gia đình các chiến binh ngoại quốc đến từ châu Âu đã quyết định rời bỏ IS để quay trở về, ngay khi cuộc chiến này còn chưa kết thúc.

Với một số phụ nữ, niềm tin tôn giáo chỉ là cái vỏ bề ngoài, cái mà họ mong mỏi là một tình yêu đôi lứa. Theo Marion van Sam, một nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Erasme ở Rotterdam: “Nhiều người trong số đó đã chạm vào một ngưỡng tuổi mà việc kết hôn trở nên rất khó khăn. Khi họ làm quen được với một ai đấy trên mạng, thế là họ quyết định ra đi. Để thành hôn, họ sẽ phải cải đạo, nhưng những người này không hứng thú nhiều với tôn giáo, cái họ muốn ở người tình của mình, đó là sex”.

Nhiều phụ nữ ngoại quốc khi đặt chân lên những vùng lãnh thổ do IS chiếm đóng sẽ nhận được đề nghị hoặc là cưới một chiến binh Hồi giáo thánh chiến, hoặc tham gia vào một hệ thống mại dâm. IS cũng là một tổ chức rất hay sử dụng tình dục như một chiến lược để chiêu mộ người. Tổ chức này cho phép các chiến binh có những nô lệ tình dục, được tự do cưỡng hiếp và cướp phá trên các vùng đất chiếm được. Và IS cũng tổ chức ra nhiều nhà chứa để phục vụ cho các thành viên của mình.

Các hoạt động tuyên truyền và Cảnh sát Hồi giáo

Học thuyết của IS là một sự diễn giải các quy tắc đã được giảng dạy trong các trường học Hồi giáo từ thế kỷ XIII: Phụ nữ không tham gia chiến trận. Tuy vậy họ có thể tham gia các hoạt động của lực lượng cảnh sát phong tục Hồi giáo có tên gọi là “Hissbaa”.

Vai trò của các muhajirat trong IS là chăm lo cuộc sống cho các chiến binh Hồi giáo, sinh ra những đứa con và cho chúng làm quen với sự tàn ác để chúng sớm trở thành các chiến binh Hồi giáo cực đoan.

Những cảnh sát này có quyền đưa ra án phạt, chẳng hạn như các bản án trừng phạt bằng quất roi. Một trong những phụ nữ người Pháp đã thú nhận mình đã tham gia lực lượng này trong thời gian đứng trong hàng ngũ của IS.

Một vài đội cảnh sát Hồi giáo nữ được giao nhiệm vụ tham gia vào lực lượng tuần tra biên giới trên các vùng lãnh thổ mà IS đã chiếm đóng. Nhiệm vụ của họ là kiểm tra những người phụ nữ đi lại qua biên giới để phát hiện ra những người đàn ông đóng giả nữ.

Một nhiệm vụ chiến lược nữa cũng thường được giao phó cho những người phụ nữ ngoại quốc, đó là tiến hành các chiến dịch tuyên truyền cho tổ chức trong các chương trình được phát bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ và tìm cách lọc ra trên mạng xã hội những trường hợp có thể tuyển mộ cho IS.

Trực tiếp tham gia thánh chiến: Lời kêu gọi cầm vũ khí

Những diễn biến cụ thể trên chiến trường đã khiến IS phải tìm cách sửa đổi một số giáo lý Hồi giáo cho phù hợp với tình hình thực tế. DACG đã đưa ra cảnh báo: “Đóng vai một kẻ tử vì đạo, các “góa phụ đen” của Tchechen hay Daghestan đã khoác lên người các bộ đồ thánh chiến để tiến hành các vụ bắt cóc con tin hay nổ bom tự sát và đã gây ra không ít những vụ khủng bố đẫm máu”.

Trong những ngày tháng cuối cùng của mình, trước nguy cơ thất bại trên chiến trường, IS cũng đã không ngần ngại thay đổi các điều luật Hồi giáo. Trên tờ Al-Naba ra ngày 5-10-2017, IS đã tung ra lời kêu gọi các phụ nữ Hồi giáo cầm lấy vũ khí và ra chiến trường chiến đấu cùng với nam giới. Ngày 8-2-2019, IS còn tung ra một video có nhan đề “Bên trong Khilafah”, trong video này lần đầu tiên người ta trông thấy hình ảnh những phụ nữ Hồi giáo tham gia chiến đấu.

“Phụ nữ có vai trò ngày càng lớn trong các tổ chức khủng bố. Một số người đã thuần thục các kỹ năng của những kẻ khủng bố và đã bị nhồi sọ bởi các học thuyết Hồi giáo cực đoan, việc những nữ chiến binh Hồi giáo thánh chiến này quay về châu Âu đã thực sự đặt ra những nguy cơ cho nền an ninh quốc gia” - bản báo cáo của DACG đã đưa ra những đánh giá đầy lo ngại.

Long Hà (Tổng hợp)
.
.
.