Hy Lạp:

Vỡ nợ vì quá nhiều bê bối

Thứ Hai, 14/10/2013, 12:21

"Nói lời tạm biệt" với các gói cứu trợ quốc tế, Hy Lạp vẫn đang lao đao trước các khoản nợ đến hạn phải trả. Và mặc dù nền kinh tế mong manh của nước này được dự đoán sẽ kết thúc giai đoạn suy thoái vào năm 2014 nhưng với những bê bối tham nhũng, rửa tiền liên tiếp xảy ra trong các cơ quan chính phủ, người ta vẫn lo ngại quốc gia này có thể sẽ lại quay trở lại vòng xoáy của khủng hoảng.

Sự kiện gây chấn động làng chính trị Hy Lạp hiện nay chính là phiên tòa xét xử cựu Bộ trưởng Quốc phòng Akis Tsohatzopoulos tội danh rửa tiền liên quan đến các hợp đồng mua vũ khí. Cáo trạng mà công tố viên Georgia Adilini đọc tại phiên tòa khẳng định, ông Akis Tsohatzopoulos đã nhận tiền hối lộ "lại quả" qua việc ký kết các hợp đồng mua sắm trang thiết bị quân sự trong giai đoạn từ năm 1998-2001, khi còn đương chức Bộ trưởng Quốc phòng.

Sau đó, để hợp pháp hóa số tiền này, ông đã thiết lập một mạng lưới công ty trá hình ở nước ngoài, rồi ủy thác chuyển hàng chục triệu Euro qua những chương mục mà cựu Bộ trưởng mở tại các ngân hàng Thụy Sĩ có chi nhánh tại Hy Lạp.

Ước tính, số tiền mà Akis Tsohatzopoulos tham nhũng và thực hiện thông qua hệ thống rửa tiền của mình lên tới hàng chục triệu Euro. Các cáo buộc về việc cựu Bộ trưởng Quốc phòng này bỏ ra 2,5 triệu Euro để lôi kéo những người ủng hộ mình, bao gồm cả việc mua 1.150 thẻ thuê bao trọn mùa giải tặng cho cử tri xem đội bóng đá hàng đầu PAOK FC ở thành phố Thessaloniki thi đấu trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2007 vẫn đang được tiếp tục điều tra bởi nó còn liên quan đến rất nhiều chính khách nổi tiếng khác của Hy Lạp.

Các nhà phân tích nhận định, kể từ khi rơi vào vòng xoáy của khủng hoảng nợ công và liên tiếp xin viện trợ, hỗ trợ, cứu trợ khẩn cấp từ bên ngoài hồi năm 2008, Hy Lạp mới càng ngày càng lộ rõ những yếu điểm trong quản lý công quỹ và cán bộ nhà nước.

Điều đáng nói là một khi các khoản nợ gia tăng thì cũng là lúc cơ quan điều tra phát hiện thêm nhiều bê bối lớn trong các Bộ, ngành. Ngoài vụ bê bối ở Bộ Quốc phòng có liên quan trực tiếp đến người đứng đầu đơn vị này, Hy Lạp còn phải đối mặt với các vụ bê bối khác ở ngân hàng, ngành công nghiệp du lịch…

Nực cười là trong khi du lịch được coi là "cứu cánh" cho nền kinh tế Hy Lạp thì tại đây, tham nhũng như một con sâu mọt đục khoét khắp nơi tạo nên một ngành du lịch "mục ruỗng và thối nát" từ bên trong. Cụ thể, vào tháng 12 năm 2012, sau khi kiểm tra sổ sách của Cơ quan du lịch quốc gia Hy Lạp (GNTO), cơ quan kiểm toán mới phát hiện ra một loạt giao dịch bất hợp lý trong giai đoạn từ năm 2003-2012 với tổng trị giá khoảng 12 triệu Euro.

Theo tin từ tờ Greek Reporter, cơ quan điều tra đã bắt giữ tổng cộng 5 cựu quan chức cấp cao trong GNTO với cáo buộc biển thủ công quỹ và làm hụt két, trong đó có Costas Vasilakov, cựu chuyên viên cố vấn đặc biệt cho cựu Tổng thư ký GNTO Nikos Karahalios.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Akis Tsohatzopoulos đã bị tuyên án phạt 20 năm tù giam trong phiên tòa xét xử ngày 7/10.

Ông Costas Vasilakov bị cáo buộc sử dụng tới 147.600 Euro của GNTO để trả cho các dịch vụ khống, trong đó có những dịch vụ được vẽ ra dưới hình thức thuê khách sạn nghỉ trên đảo Syros ở vùng biển Aegean, nơi chỉ cách thủ đô Athens 150km về phía Đông Nam.

Bên cạnh đó, cảnh sát cũng đã bắt giữ một doanh nhân 44 tuổi, hai đối tác làm ăn với GNTO ở độ tuổi 30 và một người làm nghề tự do nhưng lại được các lãnh đạo GNTO tin dùng và giao nhiều việc quan trọng… Có thể nói, scandal của GNTO là cú sốc mạnh đối với ngành "công nghiệp không khói" ở Hy Lạp nói riêng và nền kinh tế đang chìm trong nợ nần nói chung.

Nhưng thế vẫn chưa đủ, "cú đánh" cuối cùng từ hệ thống ngân hàng đã khiến kinh tế Hy Lạp gục ngã và theo đánh giá của các chuyên gia, phải mất ít nhất 6 năm nữa, nền kinh tế nước này mới trở lại quỹ đạo của nó chứ chưa nói đến chuyện phát triển, đi lên.

Hãng Reuters đưa tin, bê bối trong hệ thống ngân hàng bắt nguồn từ câu chuyện của doanh nhân 39 tuổi Lavrentis Lavrentiadis, người đang gặp rắc rối với pháp luật khi "sử dụng sai các nguyên tắc cơ bản đối với nghiệp vụ cho vay và đảm bảo cho vay".

Số là, trong bối cảnh thị trường tín dụng toàn châu Âu đang gặp khó khăn, Lavrentis Lavrentiadis bí mật mua cổ phần chi phối tại ngân hàng quốc doanh Proton, sau đó cho chính bản thân mình và các cộng sự vay gần 700 triệu Euro. Điều này đã giúp choLavrentis Lavrentiadis tiếp cận với nguồn vốn vay một cách dễ dàng và hiệu quả.

Báo cáo của kiểm toán Ngân hàng trung ương Hy Lạp, hơn 40% các khoản vay thương mại của Proton trong năm 2010 đã được dành cho các công ty liên quan đến Lavrentis Lavrentiadis trong khi những công ty khác đáng cứu hơn thì đã bị phá sản bởi không nhận được các khoản vay cần thiết.

Ngay sau khi vụ việc này bị phanh phui, Ủy ban châu Âu (EC) đã nêu rõ những ngân hàng của Hy Lạp, vốn đã được tái cấp vốn bằng nguồn tiền cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sẽ phải chấn chỉnh hoạt động quản trị và cơ cấu của họ

Hà Linh
.
.
.