Vợ theo chồng vào tù vì ma tuý và những hệ lụy buồn

Thứ Năm, 10/04/2014, 10:49

Người dân tộc Mông ở xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La có tục truyền khẩu, người chết sẽ được lên thiên đàng, có cuộc sống vương giả. Nếp suy nghĩ ấy ăn sâu vào tiềm thức người dân hết đời nọ sang đời kia mà không thể thay đổi. Đó chính là nguyên nhân dân tới người Mông ở đây dù là nam hay nữ, già hay trẻ đều sẵn sàng buôn ma túy kiếm lời, bất chấp việc có thể đi tù hoặc lĩnh án tử. 

Theo thống kê của cơ quan chức năng, tỷ lệ gia đình có cả vợ và chồng đi tù vì ma túy khá lớn, họ sẵn sàng bỏ rơi những đứa con thơ bơ vơ, không nơi nương tựa để buôn “hàng trắng”. Khi những người cha, người mẹ là tấm gương mẫu mực để các con soi rọi bị vẩn đục thì hệ quả các con họ lại “tiếp bước” theo “nghiệp ma túy” có lẽ cũng không quá lạ.

Do địa hình hiểm trở, núi non trùng điệp, tiếp giáp với biên giới Việt – Lào và khu vực “tam giác vàng”, người Mông địa phương có thói quen sống rải rác trên các sườn đồi, có quan hệ thân thuộc với bộ tộc người Mông ở Lào. Từ xa xưa, dân tộc Mông có tập quán hút thuốc phiện, họ coi đó là văn hóa, là tín ngưỡng tâm linh trong đời sống tinh thần. Vì lẽ đó, thuốc phiện, ma túy đã ăn sâu vào tiềm thức người dân từ khi vừa sinh ra. Sau khi có chủ trương của Đảng, Nhà nước về loại bỏ cây hoa anh túc, thay vào đó là cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, do bị tác động, lôi kéo từ kẻ xấu, trình độ dân trí thấp, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, bị cô lập với bên ngoài, đó là nguyên nhân căn bản dẫn tới tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy có dấu hiệu gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Cũng bởi giá trị ma túy “siêu lợi nhuận”, nhiều người dân bất chấp pháp luật, vẫn ngang nhiên hoạt động, thậm chí lôi kéo người thân, bạn bè tham gia buôn bán, hình thành các đường dây ma túy lớn. Ma túy khiến nhiều gia đình tan nát, vợ không chồng, con không cha, những xóm bản vắng bóng đàn ông.

Sinh ra và lớn lên giữa thủ phủ ma túy vùng Tây Bắc, thật khó để những người dân lương thiện không “nhúng chàm”. Trong hoàn cảnh đó, Hờ Thị Mái, sinh năm 1971, cùng chồng là Giàng A Xá nhận thấy việc làm giàu từ lao động chân chính thật khó khăn. Thực tế, hai vợ chồng nai lưng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ngày này qua ngày khác cũng chỉ đủ ăn. Nhìn sang hàng xóm, nhiều gia đình bỗng chốc giàu có, sung túc, có cuộc sống vương giả, Mái bàn với Xá đi buôn ma túy hy vọng được đổi đời như mọi người. Để lại 3 đứa con thơ ngày một khôn lớn, Giàng A Xá cùng Hờ Thị Mái quyết tâm tìm hướng “thoát nghèo”.

Người dân tộc Mông có đặc thù sống gắn kết chặt chẽ, là người cùng gia  đình, dòng tộc nên người Mông rất tin tưởng nhau, có thể bán ma túy chịu và thanh toán sau nên càng kích thích việc vận chuyển, buôn bán món hàng cấm này. Chỉ sau vài chuyến hàng như vậy, đối tượng có vốn là có thể làm ông trùm buôn bán ma túy, đổi đời nhờ đồng tiền bất chính. Nếu trước năm 2006, hầu như các đối tượng buôn bán ma túy đều phải có vốn, phải đặt cọc trước hoặc giao tiền trước ít nhất 80% mới được lấy hàng về Việt Nam, thì những năm gần đây, các đối tượng buôn bán ma túy đã có thể nợ tiền hàng khi nhận họ hàng thân tộc với nhau. Có trường hợp, người nhà ở Việt Nam sang bên Lào lấy vợ lấy chồng rồi bảo lãnh cho nhau nợ tiền hàng. Chính vì thế, những người không có vốn như vợ chồng Xá –Mái vẫn có thể buôn bán ma túy.

Ảnh minh họa

Với nguồn cung “hàng trắng” phong phú, Giàng A Xá không khó để kết nối với những ông trùm ma túy ở địa phương. Tuy nhiên, việc tìm đầu mối tiêu thụ không hề dễ dàng bởi chỉ một sơ sảy sẽ bị phát hiện, bắt giữ. Thông qua các mối quan hệ, Giàng A Xá nhanh chóng tiếp cận đường dây ma túy và trở thành mắt xích quan trọng. Sau lần mua bán ma túy trót lọt, Giàng A Xá thu về một số tiền rất lớn. Lóa mắt trước “siêu lợi nhuận” từ việc bán “hàng trắng” mà không mất nhiều công sức, vợ chồng Xá – Mái tiếp tục dấn sâu hơn vào con đường tội lỗi. “Đi đêm có ngày gặp ma”, trong một lần trực tiếp vận chuyển ma túy, Giàng A Xá bị Cảnh sát phòng chống ma túy, Công an tỉnh Sơn La phát hiện và bắt giữ cùng tang vật.

Ngay sau khi chồng bị bắt và đi tù, Hờ Thị Mái không lấy đó là bài học để nuôi dạy con cái mà tiếp bước chồng, trở thành đầu mối cung cấp “hàng trắng” cho các đầu nậu dưới xuôi. Trong số đó có 2 khách hàng quen là Bùi Văn Hà, SN 1976 và Chăn Sô Phát, SN 1970 (cùng trú tại xã Khải Xuân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ). Trước khi chồng bị bắt, Hờ Thị Mái nhiều lần gặp gỡ, giao dịch “hàng trắng” trót lọt với nhóm đối tượng này.

Đến đầu tháng 5/2013, Hà và Phát tìm gặp vợ chồng Xá – Mái. Khi biết tin Xá bị bắt, 2 đối tượng tỏ ra thận trọng khi giao nhận “hàng trắng”. Vốn là chỗ quen biết, Phát đưa cho Mái 18 triệu nhờ đi mua heroin. Sau đó không lâu, Mái trở về mang theo 3 gói heroin để giao cho Hà và Phát. Để tránh bị cơ quan Công an phát hiện, với bản tính mưu mô, xảo quyệt, theo yêu cầu  của Mái, Hà và Phát giấu heroin trong bao thuốc lá. Chờ đến khi trời tối, bọn chúng bí mật điều khiển xe máy ngược trở lại Phú Thọ. Tuy nhiên, khi qua địa phận xã Thu Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình thì bị lực lượng Cảnh sát phòng chống ma túy, Công an huyện Cao Phong phát hiện, bắt giữ. Qua lời khai của Hà và Phát, cơ quan Cảnh sát điều tra ra lệnh truy nã toàn quốc đối với Hờ Thị Mái.

Theo Trung tá Lỗ Văn Tiến, Phó trưởng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an Hòa Bình, việc xác minh, truy bắt Hờ Thị Mái gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Khi biết tin đồng bọn bị bắt, Mái lẩn trốn vào rừng, đặc biệt cảnh giác với người lạ mặt, chỉ về nhà nghe ngóng thông tin, thăm gia đình. Các trinh sát nhiều lần có mặt tại địa phương để xác minh, tuy nhiên, do gia đình bao che nên các trinh sát không thu được bất kỳ thông tin về đối tượng. Hễ có người lạ mặt, gia đình lại báo để Mái lẩn trốn vào rừng.

Để xác minh, truy bắt đối tượng Hờ Thị Mái, các trinh sát phải “nhập vai” thương lái thu mua các sản phẩm nông sản của bà con. Khi mọi người không nghi ngờ, các anh mới dò la thông tin về đối tượng Mái. Có chi tiết đáng chú ý các trinh sát thu được, đó là Mái không biết chữ. Các trinh sát đã vận dụng các biện pháp nghiệp vụ, vận động người thân đưa đối tượng đầu thú để được hưởng khoan hồng của pháp luật. Sự kiên trì của các trinh sát dần có kết quả. Sáng 19/9/2013, đối tượng Hờ Thị Mái đã tới cơ quan Công an đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội. Mới đây, Hờ Thị Mái bị Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình tuyên phạt 12 năm tù.

Vẫn biết cơn bão ma túy gieo rắc nỗi đau cho các gia đình, để lại hệ lụy xấu cho xã hội. Song chúng ta không khỏi xót xa, đau đớn khi các em nhỏ vô tội phải hứng chịu hậu quả do chính cha mẹ chúng gây ra. Nhìn những ánh mắt ngây thơ, nụ cười hồn nhiên trên gương mặt bọn trẻ, không biết tương lai các em rồi sẽ ra sao? Đã đến lúc các cấp, các ngành cần vào cuộc một cách mạnh mẽ, kiên quyết. Có như vậy, con đường đến với “cái chết trắng” mới không lặp lại

Hoàng Việt
.
.
.