Vụ án dậy sóng dư luận ở Saudi Arabia

Thứ Năm, 02/04/2020, 11:37
Ngay sau khi Tòa án Tối cao Vương quốc Saudi Arabia ra phán quyết, chuẩn y mức án tử hình nữ công dân Sri Lanka Rizana Nafeek, lập tức đã dấy lên làn sóng phản đối rộng khắp trên đảo quốc này. Công luận Sri Lanka nói riêng, cũng như cộng đồng quốc tế nói chung đều coi đây là một bản án bất công chà đạp lên luật pháp.


Sự việc bắt đầu vào giữa năm 2005, khi cha mẹ Rizana là ông Mohammad Nafeek và bà Rezina Nafeek thuộc tộc người Tamil theo đạo Hồi qua trung gian môi giới, đã đồng ý liên hệ với một công ty chuyên tuyển nữ nhân viên giúp việc nhà làm việc ở nước ngoài. Rizana khi ấy mới 17 tuổi và là con cả trong nhà, ông bà Nafeek tràn trề hy vọng con gái xuất ngoại sẽ giúp gia đình sửa sang lại chỗ cư ngụ vốn quá ọp ẹp. 

Sau 10 ngày tập huấn tại thủ đô Colombo, đầu tháng 5-2005 Rizana lên đường tới thành phố Dawadmi, chốn thị tứ nhỏ với 50.000 dân cách Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia hơn 380km về phía Tây. Nhưng thay vì chỉ thuần túy giúp việc theo thỏa thuận như lau chùi, làm bếp và giặt giũ cho gia đình ông Naif Khalaf Al Otaibi, thì chỉ nội tuần sau, Rizana phải nhận thêm việc trông trẻ sơ sinh nữa. 
Cha mẹ nạn nhân R.Nafeek trong căn lều xiêu vẹo của mình.

Trong một lần cho đứa trẻ bú sữa bình, thấy triệu chứng bé bỗng dưng nấc nghẹn khiến Rizana hoảng hốt cấp báo cho bà chủ… Khi mọi người đến nơi thì đứa trẻ 4 tháng tuổi đã ngừng thở. Vợ chồng nhà Otaibi liền lôi cô giúp việc người ngoại quốc đến đồn cảnh sát, cùng lời tố cáo "sát nhân có chủ ý".

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Hãng tin Anh BBC sau đó, cha mẹ Rizana cho biết là con gái họ chưa được chuẩn bị cho việc trông giữ trẻ nên mới ra nông nỗi này. Ngay cả lúc ở nhà, Rizana cũng không phải trông em, do cô đã lớn nên phải làm những việc khác hòng kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình. 

Về phần Rizana trong thời gian tạm giam đã bị tra tấn ép cung, buộc phải nhận tội danh mà cô không cố tình gây ra. Cuối cùng vào ngày 16/6/2007, Hội đồng xử án của thành phố Dawadmi đã tuyên phạt Rizana Nafeek án tử hình bằng hình thức… chặt đầu theo lối Trung cổ.

Người dân Sri Lanka biểu tình trước Sứ quán Saudi Arabia tại Colombo đòi ân xá cho tử tù R.Nafeek.

Thực ra diễn tiến xét xử vụ Rizana chẳng minh bạch chút nào. Cô bị khước từ yêu cầu mời luật sư bào chữa. Trong khi một quy định bất thành văn được áp dụng lâu nay, là Đại sứ quán Sri Lanka tại nước ngoài không được thuê thầy cãi cho công dân phạm tội hình sự ở nước sở tại. Vả lại Sứ quán Sri Lanka tại Riyadh cũng chẳng hay biết gì về vụ này cả, sau khi một người đồng hương quen biết đến thăm Rizana trong tù thì sự việc mới vỡ lở. 

Ủy ban Nhân quyền châu Á (AHCR) có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc) liền vào cuộc, tiến cử nữ luật sư Kateb al Samari biện hộ cho bị đơn trong lúc án sơ thẩm đã tuyên. Vấn đề dịch thuật trong phiên xử cũng cần phải được xem lại. 

Trong đơn kháng nghị của mình, luật sư Samari tỏ ý nghi ngờ tính chính xác trong việc chuyển ngữ qua tiếng Arab những lời khai từ Rizana, rồi dựa vào đó mà tòa quyết định mức án cao nhất. Người được Tòa án Dawadmi mời tham dự trong vai phiên dịch là một thợ điện gốc Ấn Độ, vốn sinh trưởng tại bang Kamataka và dĩ nhiên không thể rành rẽ thổ ngữ Tamil là ngôn ngữ chính thức ở Sri Lanka được. 

Rizana cho hay cô khai trước tòa rằng chuyện em bé đột tử là do tai nạn bất khả kháng chứ không phải cố ý, rồi người ta đưa ra bản án bằng tiếng Arab mà cô chẳng biết một chữ nào… Trong khi viên thợ điện phiên dịch kia đã rời Saudi Arabia nên không thể vời đến đối chất được. Tuy nhiên khi kết thúc phiên phúc thẩm, Tòa án thành phố Dawadmi vẫn một mực coi bản dịch phiên xử sơ thẩm là hoàn toàn có giá trị, nên không cần phải xem xét lại(!).

Vấn đề cuối cùng là lứa tuổi của bị đơn, lý do chính yếu khiến luật sư Samari quyết theo đuổi đến cùng bằng cách kháng án lên cơ quan tư pháp tối cao. Theo tấm hộ chiếu tang chứng thì Rizana sinh năm 1982, nhưng thực ra thẻ căn cước do chính quyền Sri Lanka cấp lại ghi cô chào đời vào năm 1988. Nghĩa là khi xảy ra sự việc đáng tiếc nói trên bị đơn mới 17 tuổi, thuộc lứa vị thành niên nên không thể bị áp dụng mức án tử hình theo Công ước Liên Hợp quốc về Quyền trẻ em (UNCRC), mà chính quyền Saudi Arabia đã chấp bút ký phê chuẩn. 

Rõ ràng công ty môi giới đã chỉnh sửa ngày sinh tháng đẻ, biến nạn nhân thành người trưởng thành để có thể xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài. Hành động phi pháp vô đạo đức này không ngoài mục đích vụ lợi, do vậy công ty dịch vụ việc làm cũng phải có phần liên đới trách nhiệm. Nhưng Tòa án Tối cao tại Riyadh lại chỉ căn cứ vào vật chứng duy nhất là tấm hộ chiếu, thẳng thừng bác bỏ những giấy tờ chứng minh nhân thân của bị đơn do luật sư Samari trưng ra, đồng nghĩa với việc đương sự đủ tuổi thụ án chặt đầu.
Ngôi nhà tồi tàn của gia đình Rizana tại làng Muttur, cách Thủ đô Colombo 250km về phía Bắc.

Được biết, Tổng thống Sri Lanka đương nhiệm khi ấy là ông Mahinda Rajapaksa đã gửi thư riêng cho Quốc vương Saudi Arabia Abdullah bin Abdul Aziz Al Saud, cùng lời thỉnh cầu xin ân xá cho phạm nhân Rizana Nafeek. "Giống như mọi nhà nước khác trên hành tinh, chỉ có nguyên thủ quốc gia là Vua Abdullah có toàn quyền quyết định ân xá hay không - ông Bandula Dzhayasekera Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Sri Lanka đặc trách Á châu, lên tiếng nhận định - Nếu bản án vẫn cố tình được thực thi, thì Saudi Arabia đã vi phạm nghiêm trọng Công ước UNCRC mà họ từng trịnh trọng phê chuẩn ngay từ đầu thập niên 90 thế kỷ trước".

Kết cục, chỉ một thời gian ngắn sau khi Tổng thống Sri Lanka M.Rajapaksa gửi bức thứ xin ân xá thứ 2 tới Quốc vương Abdullah, giới chức tư pháp Saudi Arabia vẫn nhẫn tâm đưa bị cáo Rizana Nafeek lên đoạn đầu đài, hành quyết bằng hình thức chặt đầu man rợ vào ngày 9/1/2013 khiến công luận tiến bộ trên thế giới hết sức bất bình.      

Thu Hường (dịch)
.
.
.