Vụ bê bối thực phẩm bẩn gây chấn động Trung Quốc

Thứ Sáu, 22/03/2019, 13:30
Vấn đề an toàn thực phẩm lại trở thành chủ đề gây tranh luận sau khi ông Giang Hoành, Hiệu trưởng trường thực nghiệm số 7 (còn gọi là trường trung học thực nghiệm Thành Đô số 7) bị sa thải và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì quản lý yếu kém trong vụ bê bối sử dụng thực phẩm không đạt tiêu chuẩn cho học sinh.


Việc này được ông Mã Liệt Hồng, Chủ tịch quận Ôn Giang, thành phố Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên thông báo hôm 17-3. "Điều này gây bất ổn xã hội, ảnh hưởng xấu tới cộng đồng. Tôi cảm thấy vô cùng hổ thẹn", ông Mã Liệt Hồng tuyên bố tại cuộc họp báo. Đồng thời cho biết, chính quyền đã lấy 19 mẫu thức ăn để xét nghiệm, nhưng kết quả chi tiết chưa được công bố, khi mới có 1 mẫu mì khoai tây không đạt chuẩn vì bị mốc.

Trước đó (15-3), Trưởng phòng giáo dục quận Ôn Giang và Phó ban quản lý thị trường của quận này đã bị đình chỉ chức vụ, để phục vụ công tác điều tra. Được biết, đã có 8 người bị điều tra vì liên quan tới vụ bê bối an toàn thực phẩm tại trường thực nghiệm số 7.

Chủ tịch quận Ôn Giang tại buổi họp báo hôm 17-3.

Những động thái kể trên diễn ra sau khi cơ quan quản lý thị trường công bố báo cáo sơ bộ cho thấy, các mẫu thực phẩm tại bếp ăn của trường thực nghiệm số 7 đều "đạt tiêu chuẩn an toàn". Nhiều phụ huynh nghi ngờ về kết quả báo cáo sơ bộ từ quản lý thị trường của quận Ôn Giang vì "5 trong số các mẫu thử nghiệm như bánh trứng, lòng đỏ trứng muối, kim chi, cá và bánh bao đều đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm".

Đại diện của trường đã xin lỗi và tuyên bố những người có trách nhiệm sẽ bị pháp luật xử lý, đồng thời cam kết sẽ không để tình trạng này xảy ra trong tương lai. Được biết, học phí của trường thực nghiệm số 7 lên tới 5.800 USD/năm, gấp khoảng 20 lần học phí của trường công. Trường thực nghiệm số 7 là trường tư thục do công ty phát triển đầu tư Cao Đạt thành lập, có 800 giáo viên, nhân viên và hơn 5.600 học sinh.

Theo giới truyền thông, trường thực nghiệm số 7 nằm trong danh sách 10 trường tư thục tốt nhất Trung Quốc hiện nay. Sau vụ bê bối kể trên, chính quyền quận Ôn Giang đã yêu cầu công ty Cao Đạt thay đổi hội đồng quản trị và cử 1 thành viên trong ban quản lý cấp cao luôn có mặt trong căng tin vào mỗi bữa ăn. Bởi một số học sinh của trường thực nghiệm số 7 bị đau bụng phải đi cấp cứu (không tính số học sinh từng mắc bệnh đau dạ dày và tiêu hóa) sau khi sử dụng thức ăn của căng tin nhà trường.

Theo hãng BBC, vụ việc bị phát hiện 1 cách tình cờ sau khi 1 số phụ huynh được mời tới tham gia sự kiện trồng cây ở trường - khi tới đây họ vô cùng bất ngờ vì phát hiện ra kho thực phẩm ôi thiu, bốc mùi kể trên. Và hôm 12-3, phụ huynh tuyên bố, phát hiện thịt, hải sản bị mốc, thối trong bếp ăn.

China News Net dẫn lời 1 số phụ huynh cho biết, họ tìm thấy hàng tảng thịt và hải sản phủ đầy nấm mốc trong bếp ăn của trường thực nghiệm số 7. Phụ huynh vô cùng tức giận sau khi biết chuyện và họ đã biểu tình ngoài cổng trường thực nghiệm số 7. Cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay để ngăn chặn khi nhiều phụ huynh xông vào cổng trường và kéo tới trụ sở chính quyền quận Ôn Giang để phản đối.

Ảnh và video về thực phẩm bẩn tại trường thực nghiệm số 7 được chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc đã gây sốc với dư luận. Theo hãng BBC, nhà cung cấp thực phẩm cho trường thực nghiệm số 7 đã ký hợp đồng phân phối thức ăn cho 20 trường với tổng số học sinh khoảng 100.000 em.

Sau vụ bê bối kể trên, Bộ Giáo dục cùng Cục Quản lý thị trường và Ủy ban Sức khỏe quốc gia ra thông báo, kể từ ngày 1-4, Ban giám hiệu các trường học phải ghi lại từng bữa ăn và giải quyết mọi vấn đề về thực phẩm càng sớm càng tốt. Nhà trường nên lưu giữ hồ sơ đầy đủ, chính xác về nguồn thực phẩm và để lại mẫu của từng loại thực phẩm để kiểm tra.

Hình ảnh thực phẩm mốc bị phát tán trên mạng.

Ban giám hiệu các trường học được yêu cầu ăn cùng học sinh tại các căngtin của trường để tăng cường sự an toàn của thực phẩm trong trường học. Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể ăn cùng học sinh tại căngtin của trường và đưa ra gợi ý về an toàn thực phẩm, cũng như chế độ dinh dưỡng. Các trường nên công bố nguồn thực phẩm và mời phụ huynh tham gia quản lý, giám sát an toàn thực phẩm và dinh dưỡng.

Nhân viên làm trong căngtin phải trải qua đợt kiểm tra sức khỏe thường niên và duy trì thói quen vệ sinh tốt. Những người chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm sẽ bị cảnh cáo, cách chức hoặc giao cho cơ quan thực thi pháp luật, nếu bị bắt quả tang mua thực phẩm không đạt tiêu chuẩn, xử lý công việc một cách vô trách nhiệm và gây nguy hiểm cho sức khỏe của giáo viên và học sinh.

Trịnh Huyền My
.
.
.