Vụ bê bối y tế lớn nhất lịch sử nước Mỹ

Thứ Tư, 19/07/2017, 18:00
“Đây là vụ vi phạm đạo đức nghề y chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ, và việc này xảy ra ở khoảng 30/50 bang của nước này”, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đã tuyên bố như vậy hôm 13-7.


Và theo ông Jeff Sessions, 120 trong số 412 đối tượng đã bị buộc tội do những sai phạm trong kê đơn và phân phối thuốc ngủ, thuốc giảm đau nhóm opioids. 

"Quá nhiều chuyên gia y tế đáng tin như bác sĩ, y tá và dược sĩ đã chọn cách vi phạm lời thề đạo đức nghề nghiệp. Và thật đáng kinh ngạc khi có nhiều người đặt nghề nghiệp của họ vào ngành kinh doanh tội phạm nhiều triệu USD này", ông Jeff Sessions nhấn mạnh. 

Ông Jeff Sessions còn tuyên bố, việc buộc tội diễn ra trong bối cảnh "cuộc khủng hoảng thuốc gây chết người lớn nhất trong lịch sử" với gần 60.000 người chết trong năm ngoái vì dùng thuốc quá liều. 

Bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions tuyên bố đã có hơn 400 người bị bắt.

Theo ông Jeff Sessions, việc bắt giữ diễn ra trong 1 tuần với hơn 400 vụ truy tố và đây là một kỷ lục. Được biết, các Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa vừa công bố một dự luật mới về chăm sóc sức khỏe được kỳ vọng có thể thay thế và loại bỏ Chương trình chăm sóc sức khỏe Obamacare.

Trong số 412 đối tượng, đa số là bác sĩ, y tá và dược sĩ, đều có liên quan tới vụ lừa đảo y tế lên tới 1,3 tỷ USD. Và vụ việc này cho thấy, nhiều bác sĩ, y tá và dược sĩ đã vi phạm lời thề của mình, đặt lợi ích kinh tế lên trên bệnh nhân.

Theo giới truyền thông, trong số những người bị cáo buộc có56 bác sĩ và 6 người trong số này thuộc một đường dây tại Michigan, chuyên kê các đơn thuốc giảm đau không cần thiết cho bệnh nhân và nhận về 164 triệu USD từ các đơn thuốc này. 

Hãng AFP dẫn lời cơ quan điều tra cho biết, nhiều bác sĩ đã cấu kết với tư thương cung cấp thuốc kém chất lượng với những liều thuốc giảm đau có tính gây nghiện nặng như oxycodone thông qua các đơn thuốc bất hợp pháp. 

Nhiều người nói rằng, bê bối kể trên đã góp phần vào tình trạng nghiện ngập ở Mỹ. Điều đáng nói có nhiều người đã lợi dụng chương trình y tế của Chính phủ để làm bậy và họ là người điều hành các chương trình bảo hiểm y tế Medicaid và Medicare, nhưng chưa bao giờ thật sự phục vụ dịch vụ y tế này.

Theo cáo buộc của cơ quan chức năng, vì dùng thuốc opioid quá liều nên mỗi ngày có khoảng 91 người Mỹ chết và hàng triệu người khác đang sống dở chết dở vì nghiện loại thuốc giảm đau này. 

Theo giới chuyên môn, opioid là nhóm thuốc giảm đau liều cao, có chứa nhiều thành phần gây nghiện, thậm chí mức độ gây nghiện còn cao hơn cả heroin. Và loại thuốc này luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cảnh sát. Sau khi cảnh sát điều tra, những bê bối kể trên đã bị lôi ra ánh sáng. 

Được biết, cảnh sát vẫn đang mở rộng điều tra đường dây cấu kết với các bệnh viện tuồn số thuốc opioid ra bên ngoài. Một trong những vụ sai phạm tiêu biểu đã diễn ra tại phòng khám ở Houston, và cơ sở này bị cáo buộc từng cấu kết với bác sĩ để kê hàng triệu liều thuốc ngủ để tư lợi. Có 1 nữ bác sĩ tại Houston đã tuồn 2,5 triệu liều hydrocodone và những loại thuốc khác cho các băng nhóm tội phạm và người nghiện. 

Ngoài bệnh viện ở Houston, một cơ sở hồi phục chức năng cho người nghiện ma túy ở Florida cũng đã dụ dỗ người nghiện bằng quà tặng để họ vào điều trị, từ đó lập hóa đơn khống và trục lợi khoảng 58 triệu USD. 

Các công tố viên cho biết, các đối tượng bị tố cáo khai báo không thành thật với Medicare, RICA về quá trình điều trị không cần thiết về y tế, cũng như khai khống để kiếm lợi. Bộ Y tế đang tiến hành rút bằng hành nghề và cấm hoạt động đối với 295 y, bác sĩ. Bởi họ bị buộc tội vi phạm nghiêm trọng trong việc kê đơn và phân phối thuốc ngủ, và sẽ bị kết án tội liên quan tới việc sử dụng chất gây nghiện. 

Opioids, nhóm thuốc giảm đau có thể gây nghiện đang trở thành đại dịch trên khắp nước Mỹ.

Theo giới truyền thông, việc phát hiện và bắt giữ kể trên là kết quả điều tra của Lực lượng đặc nhiệm bài trừ gian lận Medicare. Theo đó, việc làm sai lầm này diễn ra trong một thập kỷ và số trường hợp lạm dụng, đột tử vì chất gây nghiện, thuốc ngủ quá liều tăng cao, lên tới 60.000 vụ. 

Trong 10 năm qua (2007-2017), lực lượng này đã truy tố hơn 3.500 y, bác sĩ gian lận bảo hiểm với tổng số tiền lên tới 12,5 tỷ USD. Theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, việc lạm dụng thuốc kê đơn trị giá 78,5 tỉ USD/năm. 

Còn theo thông tin từ cảnh sát, vụ việc bị phát hiện sau khi một số nạn nhân tố giác. Ngoài ra, chương trình máy tính kiểm soát hoạt động của các bệnh viện cũng phát hiện ra những dấu hiệu bất thường từ các đơn thuốc ở các bệnh viện này. Tờ New York Times dẫn kết quả điều tra của FBI, chỉ trong 1 tháng, có bác sĩ đã kê đơn thuốc có trong danh sách hạn chế còn nhiều hơn cả 1 bệnh viện.

Khắc Tuấn
.
.
.