Vũ khí chợ đen - Thảm họa nhân đạo tại Nam Phi

Thứ Ba, 10/11/2020, 18:26
Các quốc gia gồm Angola, Botswana, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Swaziland, Zambia và Zimbabwe,… đang chìm trong một cuộc khủng hoảng vì vũ khí chợ đen.


Gần 20 thi thể nằm chồng lên nhau trong vũng máu. Đó là cảnh không hiếm sau một vụ xả súng xảy ra tại thành phố Johannesburg, Nam Phi. Và không chỉ có thế, nó còn có thể xảy ra tại bất kỳ quốc gia nào tại khu vực miền Nam châu Phi. Các quốc gia gồm Angola, Botswana, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Swaziland, Zambia và Zimbabwe,… đang chìm trong một cuộc khủng hoảng vì vũ khí chợ đen. 

Bà Adele Kristen, Giám đốc Tổ chức phi lợi nhuận mang tên "Gun Free South Africa" đã đưa ra kết luận rằng: "Một phần lớn của tổng số 35 triệu khẩu súng không phép của châu Phi hiện đang nằm ở miền Nam châu Phi. Chúng là yếu tố trực tiếp dẫn đến cái chết của khoảng 8.400 nạn nhân mỗi năm; hay 23 người chết mỗi ngày vì súng đạn. Vũ khí trái phép  đang gây ra thảm họa nhân đạo tại Nam Phi"

Vũ khí đến từ đâu?     

Với một lịch sử đầy rẫy những cuộc nội chiến và nổi loạn, châu Phi, đặc biệt là miền Nam châu Phi, là nơi vũ khí trái phép được thả nổi, mua bán tự do. Đối tượng mua bán vũ khí nhiều nhất không phải là chính phủ, mà là những cá nhân với rất nhiều động cơ khác nhau: tự bảo vệ mình, trả thù, nổi loạn, cướp bóc, v.v… Trong hầu hết các trường hợp họ sẽ dùng số súng đạn đó đối với chính gia đình và cộng đồng của mình. Đến một thời điểm nào đó, từ già trẻ gái trai đều có chung một thứ "triết lý", rằng: "Phải có súng mới sống được". Đây chính là điều kiện lý tưởng để thị trường vũ khí chợ đen tồn tại và phát triển.

Vũ khí đang tràn ngập các nước miền Nam châu Phi.

Ở tầm cao hơn, những cuộc chiến giữa một bên là quân đội chính quy, bên kia là các nhóm nổi dậy, khủng bố, lại giúp tạo nên mạng lưới buôn lậu vũ khí. Từ hơn 30 năm nay, người Mỹ, khối NATO và Liên hợp quốc đã áp đặt nhiều lệnh cấm vận vũ khí lên các quốc gia Nam châu Phi. Các nhóm vũ trang phi chính phủ vì thế đã tự mình tổ chức đường dây buôn lậu vũ khí xuyên quốc gia. Súng ống là thứ nhỏ, nhẹ, nhưng có giá trị cao nên chẳng có ai lại từ chối vác ba, bốn khẩu súng trường đi xuyên rừng vượt núi để buôn lậu cả. "Lực lượng Giải phóng vì dân chủ Rwanda" đã từng thực hiện phi vụ  buôn lậu số vũ khí trị giá lên tới 1 tỷ USD từ Tanzania vào biên giới Rwanda trong vòng 2 năm. Ngay cả nhiều tập đoàn sản xuất khí tài quân sự hàng đầu thế giới cũng khó lòng vận chuyển được số vũ khí lớn đến như vậy.

Vậy số súng ống lớn như vậy đến từ đâu? Những kẻ buôn lậu vũ khí ở miền Nam châu Phi có khá nhiều nguồn cung cấp súng đạn khác nhau, trong đó quan trọng nhất là… lấy cắp từ chính phủ. Các lực lượng quân đội tại châu Phi rất thiếu ý thức trong việc bảo vệ vũ khí, khí tài của mình. Còn trong hàng ngũ quân đội lại chẳng thiếu những kẻ sẵn sàng "nhúng chàm" vì lợi ích cá nhân. Năm 2016, một số sỹ quan Nigeria bị bắt do bán súng cho nhóm khủng bố Nigeria. Hai năm sau đó giới chức quốc tế bóc trần cả một đường dây tuồn vũ khí từ kho của quân đội Ethiopia và Uganda về tay nhóm nổi dậy AMISOM tại Somalia.

Những nhóm nổi loạn, khủng bố cũng thường xuyên tấn công các kho vũ khí của chính phủ. Chẳng hạn vụ các tay súng Séléka cướp kho súng quốc gia Cộng hoà Trung Phi hồi năm 2013. Ngay khi chính phủ của Tổng thống Libya Muammar Gaddafi sụp đổ, các kho súng của chính phủ Libya đều bị cướp sạch. Trong những trường hợp nói trên, binh lính được giao nhiệm vụ canh giữ kho vũ khí đều không phản kháng lại, lý do chính vì đã nhiều tháng rồi họ chưa được nhận lương. Binh lính còn sẵn sàng mở kho bán súng ống cho quân nổi dậy nếu họ nhận được tiền.

Nam Phi và Zimbabwe là hai quốc gia có vấn đề đặc biệt của riêng mình. Trong thập niên 1980, họ bị Liên hợp quốc áp đặt lệnh cấm buôn bán vũ khí do quân đội sử dụng vũ lực đối với những người da đen chống lại chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid. Chính phủ Nam Phi và Zimbabwe (khi đó là Rhodesia) mới thực hiện chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất vũ khí trong nước phát triển.

Các chính quyền nói trên đều đã sụp đổ theo chế độ diệt chủng Apartheid, nhưng số máy móc, nhân công mà họ đã đầu tư vẫn còn ở đấy. Những công nhân tại các công ty vũ khí này ra ngoài lập nên hàng trăm cơ sở sản xuất vũ khí nhỏ lẻ cung cấp cho thị trường chợ đen. Tuy mang tiếng là sản xuất thủ công nhưng họ hoàn toàn có thể cho xuất xưởng vũ khí với số lượng lớn. Tại Nam Phi, một năm các phân xưởng nhỏ có thể làm được 200.000 khẩu súng, trong khi ở Zimbabwe con số này là 260.000 khẩu.

Hiện trường một vụ án mạng do súng tại Nam Phi.

Những hệ lụy kéo dài

Một trong những hậu quả lớn nhất của buôn lậu vũ khí tại miền Nam châu Phi là việc kéo dài các cuộc tranh chấp vũ trang, đơn cử như có đến ba nhóm nổi dậy khác nhau ở Nambia được "nuôi sống" bằng chợ vũ khí Bakara tại thủ đô Mogadishu của Somalia. Không những tạo nguồn thu nhập và cung cấp vũ khí cho các lực lượng phi chính phủ, mà vũ khí phi pháp còn là nguyên nhân khiến xung đột xảy ra nhiều hơn.

Có không ít cộng đồng ở miền Nam châu Phi đã bị phá nát vì vũ khí trái phép. Điều đau lòng hơn là trong nhiều trường hợp, những cá nhân gây ra hành động này không phải người lạ. Nhiều khi vì lý do tôn giáo, chính trị, sắc tộc mà người ta sẵn sàng cầm súng để tấn công hàng xóm của mình. Súng đạn còn là một nguồn sức mạnh, cho họ quyền làm mọi thứ mà mình muốn. Tại một số nước miền Nam châu Phi, có đến 51% phụ nữ cho biết, họ từng bị kẻ xấu sử dụng vũ khí để cướp của hay ép quan hệ tình dục. Kể cả sau khi những người phụ nữ này bình an vô sự thoát thân, vết thương tâm lý sẽ còn đi theo họ cả đời.

Trẻ em là một đối tượng khác bị vũ khí trái phép đặt vào vòng nguy hiểm. Những kẻ buôn lậu vũ khí rất hay làm việc thu gom trẻ em mồ côi do chiến tranh rồi bắt các em làm cửu vạn không công vận chuyển vũ khí qua những đường mòn biên giới. Hoặc, trẻ em sẽ bị các nhóm nổi dậy, nhóm khủng bố bắt và đào tạo thành những chiến binh. Trên hết, tương lai của các em đã hoàn toàn tiêu tan do buôn lậu vũ khí tràn lan. Sẽ phải mất thêm nhiều chục năm nữa khu vực miền Nam châu Phi mới có thể mong chữa lành được những mất mát về vật chất, tinh thần, giáo dục…

Lực lượng gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc bên những khẩu súng thu giữ được tại biên giới Lesotho.

Thế giới có thể làm gì?

Ngay từ đầu thập kỷ này, Liên minh châu Phi (AU) đã có bản tuyên bố chung ký kết tại Kinshasa (Congo) về việc giải quyết tình trạng buôn lậu vũ khí trên toàn lục địa đen. Theo tuyên bố chung Kinshasa, các quốc gia châu Phi sẽ thắt chặt hoạt động sản xuất, vận chuyển và buôn bán vũ khí trong lãnh thổ mình, đồng thời hợp tác với những nước láng giềng để tiến tới xoá bộ mạng lưới buôn lậu vũ khí đa quốc gia. Đây là một trong những văn kiện tiền đề để Liên hợp quốc xây dựng Hiệp ước Buôn bán Vũ khí (ATT) áp dụng cho toàn thế giới. Kể từ khi được đưa vào áp dụng năm 2014, đã có 130 quốc gia và vùng lãnh thổ ký kết và tham gia thực hiện ATT. Mục tiêu trước mắt là đưa nốt một số quốc gia châu Phi còn lại vào khuôn khổ ATT.

Xung đột vũ trang ở miền Nam châu Phi có nguồn gốc sâu xa từ những mối bất hòa liên quan đến không gian sống, khai thác thiên nhiên, sắc tộc, tôn giáo, v.v… được các thế lực thuộc địa tạo ra nhằm chia rẽ người dân châu Phi. Tuy chế độ thuộc địa đã sụp đổ được hơn nửa thế kỷ, nhưng những vấn đề này vẫn còn tồn tại. Các quốc gia Nam châu Phi đang đầu tư hàng chục triệu USD mỗi năm cho nhiều chương trình phát triển kinh tế, tăng cường chất lượng giáo dục, xây dựng cơ sở hạ tầng, v.v… để có thể giải quyết dứt điểm những vấn đề nói trên và chắc chắn ngăn chặn được xung đột.

Cộng đồng thế giới cũng có vai trò nhất định trong việc ngăn chặn buôn bán vũ khí tại miền Nam châu Phi. Từ trước đến nay những nước lớn như Mỹ, Anh và Pháp vẫn còn bảo lưu tư tưởng: chỉ có mình mới giải quyết được vấn đề mà bỏ qua vai trò của cộng đồng địa phương và quốc gia sở tại. Do đó họ mới chỉ tập trung vào các hàng rào cấm vận hay tổ chức chiến dịch gìn giữ hoà bình. Đã đến lúc cộng đồng thế giới nhận ra rằng, chỉ có những người châu Phi mới có thể hiểu hoàn toàn và giải quyết được vấn đề mà họ đang phải đối mặt hàng ngày. Vai trò của các tổ chức quốc tế là cung cấp vốn, chuyên môn và kinh nghiệm những quốc gia châu Phi đang cần tới.

Lê Công Vũ (tổng hợp)
.
.
.