Vũ khí xuất khẩu hợp pháp của Mỹ "tiếp tay" cho bạo lực ở Mexico

Thứ Hai, 04/01/2016, 10:54
Cuộc chiến chống ma túy giữa Chính phủ với các băng đảng ma túy ở Mexico vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo thống kê, từ năm 2006 đến nay, những cuộc xung đột đã khiến 164.345 dân thường thiệt mạng. Theo tờ Global Post (Mỹ) số ra mới đây thì Mỹ là quốc gia xuất khẩu vũ khí đến Mexico nhiều nhất. Chính nguồn vũ khí khổng lồ này đã "tiếp tay" cho bạo lực ở Mexico.
Mỹ đứng đầu 10 quốc gia xuất khẩu vũ khí đến Mexico

Số liệu thống kê cho thấy, số người Mexico thiệt mạng trong thập kỷ qua bằng số dân thường ở cả Afghanistan và Iraq thiệt mạng cộng lại trong cùng thời kỳ. Nhiều nhà bình luận cho rằng, vũ khí, đạn dược tràn ngập trong kho của các băng đảng ma túy trải dài ở khu vực biên giới Mỹ - Mexico,  hỏa lực quân sự bị đánh cắp hay còn sót lại từ cuộc xung đột Trung Mỹ trong thập niên 1970 - 1980 "đóng vai trò quan trọng" trong việc thúc đẩy bạo lực. Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như vậy.

Hiện nay, ít nhất 50 quốc gia xuất khẩu vũ khí quân sự đến Mexico trong năm thập kỷ qua. 1/2 trong số này vượt qua doanh số bán hàng 1 triệu USD. Hoạt động mua bán vũ khí có sự gia tăng ổn định kể từ năm 2006, đặc biệt là sau thời điểm cựu Tổng thống Felipe Calderon tuyên chiến mạnh mẽ với các băng đảng ma túy. Theo số liệu thống kê của Hải quan, Liên Hợp Quốc và nhóm nghiên cứu NISAT (Mỹ) thì Mỹ là quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất đến Mexico.

"Mỹ đã xuất khẩu số vũ khí mang "phong cách quân sự" cho chính quyền Mexico trị giá hơn 300 triệu USD kể từ năm 1960. Hơn một nửa doanh số bán hàng được thực hiện trong thời điểm sau năm 2000. Sau Mỹ, "top" những quốc gia xuất khẩu vũ khí đến Mexico có Italia, Bỉ, Pháp, Israel và một số nhà sản xuất vũ khí lớn trên thế giới", báo cáo của Hải quan, Liên Hợp Quốc và NISAT nhận định. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Igarapé và Google Ideas thì số lượng nhập khẩu tất cả các loại vũ khí ở Mexico tăng đều đặn từ năm 2006. Riêng vũ khí quân sự liên tiếp tăng, từ 10-30% mỗi năm.

Những loại vũ khí mà Mỹ xuất khẩu sang thị trường Mexico bao gồm: vũ khí hạng nặng, súng trường tấn công, lựu đạn, thuốc nổ, đạn dược cũng như nhiều loại phụ kiện khác. Tuy nhiên, theo tờ Global Post thì Mỹ và một số quốc gia cung cấp vũ khí khác cũng bán một khối lượng lớn các loại vũ khí "theo phong cách dân sự", bao gồm cả súng ngắn và đạn dược.

Vũ khí rò rỉ và nạn mua bán súng đạn bất hợp pháp

Trong khi nhiều loại vũ khí được nhập khẩu chính thức để cung cấp cho lực lượng vũ trang tại 1.600 địa phương trên khắp lãnh thổ Mexico thì một số vũ khí đã bị "rò rỉ", rơi vào tay các băng đảng ma túy và lực lượng dân quân. Trong một số trường hợp, vũ khí còn bị "chuyển sai địa chỉ khách hàng". Gần đây, các quan chức Mexico phát hiện, thu giữ 9.000 vũ khí các loại do một công ty của Đức vận chuyển bất hợp pháp đến nước này.

Vũ khí xuất khẩu hợp pháp của Mỹ "đứng đằng sau" nhiều tội ác bạo lực ở Mexico.

Đại diện Cục Quản lý rượu, thuốc lá, súng và chất nổ Mexico (ATF) cho biết, vũ khí quân sự, đạn dược thường xuyên được mua bán trái phép qua biên giới, trong đó có cả từ Mỹ. ATF đã thu giữ nhiều súng trường, súng ngắn được vận chuyển bằng đường bộ, đường không và đường biển đến Mexico.

"Một tỷ lệ đáng kể vũ khí được mua bán bất hợp pháp tại Mexico có nguồn gốc ban đầu là vũ khí được cấp phép tại Mỹ. Bên cạnh đó cũng có vũ khí đã được sử dụng trong những cuộc xung đột tại các quốc gia Trung Mỹ, bao gồm cả El Salvador, Honduras và Guatemala. Guatemala được coi là nguồn cung cấp vũ khí bất hợp pháp lớn nhất trong khu vực. Những loại súng có "tuổi thọ" lâu đời như M16s hay AK-47 đã xuất hiện trong tay của các băng đảng như Juarez, Sinaloa, Zeta. 

"Các nhà chức trách Mexico thiếu sự theo dõi và kiểm soát chặt chẽ các loại vũ khí trôi nổi trên thị trường. Kiểm soát nạn buôn bán vũ khí không phải là ưu tiên số 1 của chính phủ", một kết quả nghiên cứu của Đại học San Diego cho hay.

Đầu tuần trước, Mỹ chấp thuận bán số lượng vũ khí khổng lồ cho Saudi Arabia. "Gói" vũ khí trị giá gần 1,3 tỷ USD bao gồm 13.000 quả "bom thông minh" và số bom này có thể sẽ được thả ở Yemen. Tờ Global Post nhận định, với sự giúp đỡ của Mỹ, một liên minh các quốc gia Ả Rập do Saudi Arabia đứng đầu đang phá hủy Yemen. Việc Mỹ cung cấp vũ khí và hỗ trợ cho Saudi Arabia đồng nghĩa rằng, Mỹ đã "tiếp tay" cho tội ác.

Theo Liên Hợp Quốc, hơn 2.500 dân thường, trong đó có 637 trẻ em ở Yemen đã thiệt mạng. Liên Hợp Quốc cho rằng, số người thương vong thực tế có thể cao hơn nhiều lần vì có người bị chết hoặc bị thương không được đưa đến cơ sở y tế nên không được báo cáo, thống kê. Saudi Arabia cho biết, thỏa thuận vũ khí mới sẽ giúp nước này nhắm chính xác mục tiêu phiến quân cần tấn công ở Yemen, do đó sẽ hạn chế thương vong cho dân thường.

T. Phạm (tổng hợp)
.
.
.