Vụ khủng bố tại Ai Cập: Đã xác định danh tính hung thủ

Chủ Nhật, 16/04/2017, 08:39
Vì vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra, nên cơ quan chức năng yêu cầu không công khai tên thật của những đối tượng tình nghi liên quan tới 2 vụ đánh bom liều chết nhằm vào 2 nhà thờ Cơ đốc giáo ở Ai Cập hôm 9-4, khiến 46 người chết và hơn 120 người khác bị thương.


Số người chết trong 2 vụ đánh bom hôm 9-4 có thể tăng do có nhiều người bị thương nặng. Theo tờ Al-Masry Al-Youm, kết quả điều tra và phân tích ADN đã xác định được danh tính nghi phạm gây ra 2 vụ khủng bố kể trên.

Theo đó, sát thủ đánh bom liều chết tại nhà thờ Mar Girgis ở thành phố Tanta là thành viên của nhóm chiến binh Abu Ishaq al-Masri trung thành với IS. Tên này sinh năm 1990 tại tỉnh Sharqiya, đã có bằng cử nhân thương mại và từng làm kế toán trong một công ty tư nhân ở Kuwait (tháng 5-2016).

Hiện trường vụ đánh bom tại Ai Cập.

Và hung thủ đã tới Thổ Nhĩ Kỳ cùng 1 người bạn (tháng 8-2016), rồi đến Syria (tháng 1-2017) trước khi đánh bom nhà thờ Mar Girgis. Còn nghi phạm vụ đánh bom liều chết tại nhà thờ Thánh Mark ở thành phố Alexandria thuộc nhóm Abu al-Baraa al-Masry có quan hệ với IS.

Tên này sinh năm 1974 tại tỉnh Kafr al-Sheikh và làm việc cho ít nhất 1 công ty, từng  đến Libya vài lần trước khi tới Liban và Syria. IS cũng đã nhận tiến hành 2 vụ đánh bom kể trên. Tuy nhiên, giới truyền thông đã tiết lộ danh tính của 2 kẻ đánh bom là Abu Bara al-Masri và Abu Ishaq al-Masri.

Việc này diễn ra sau khi IS nhận trách nhiệm và nêu rõ danh tính của 2 tên thực hiện vụ đánh bom - chúng có bí danh là Abu Bara al-Masri và Abu Ishaq al-Masri.

Động thái kể trên diễn ra sau khi Bộ Nội vụ thông báo, lực lượng cảnh sát tiêu diệt 7 đối tượng tình nghi tham gia tấn công vào 2 nhà thờ Cơ đốc giáo kể trên. Đồng thời cho biết, lực lượng cảnh sát và an ninh đã phát hiện một nhóm đối tượng ủng hộ IS lẩn trốn tại vùng đồi núi thuộc tỉnh Assiut, lên kế hoạch và chuẩn bị các thiết bị nổ cho hàng loạt vụ tấn công khủng bố tại đây và một số địa phương lân cận.

Nhóm này cũng đe dọa tấn công nhằm vào cộng đồng Cơ đốc giáo ở Ai Cập cũng như lực lượng cảnh sát và tòa án. Cơ quan chức năng không loại trừ khả năng 2 vụ tấn công hôm 9-4 là do cùng một nhóm phần tử đảm nhiệm.

Giới truyền thông đưa tin, 2 vụ tấn công xảy ra khi người Cơ đốc giáo cử hành "Chủ nhật lễ lá" (Palm Sunday), một lễ tôn giáo trước lễ Phục Sinh. Theo truyền thông Ai Cập, chỉ vài giờ sau vụ đánh bom liều chết bên trong nhà thờ Mar Girgis ở thành phố Tanta, phía Bắc Thủ đô Cairo, khiến ít nhất 27 người chết và gần 80 người bị thương, một vụ đánh bom khác cũng đã xảy ra tại nhà thờ Thánh Mark ở thành phố Alexandria, khiến 17 người thiệt mạng và 48 người khác bị thương.

Cảnh sát được triển khai ở Alexandria ngay sau vụ tấn công.

Các nhân chứng cho biết, thiết bị nổ được kích hoạt vào thời điểm có đông người bên trong nhà thờ khi họ đang tiến hành lễ Palm Sunday. Theo tờ Al-Ahram, nếu lực lượng cảnh sát không phát hiện và vô hiệu hóa 2 thiết bị nổ tại nhà thờ Hồi giáo Sidi Abdel Rahim ở thành phố Tanta, thiệt hại về người sẽ còn lớn hơn.

Trong khi đó, việc Quốc hội Ai Cập thông qua lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng trên toàn quốc cho thấy, đa số nghị sỹ ủng hộ quyết định trước đó của Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi.

Ông  Abdel-Fattah El-Sisi cho biết, tình trạng khẩn cấp là việc làm cần thiết để bảo vệ đất nước và người dân Ai Cập trước mối đe dọa khủng bố. Trước đó, Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi đã họp khẩn với Hội đồng An ninh Quốc gia (NDC) ngay sau khi xảy ra 2 vụ đánh bom vào nhà thờ Cơ đốc giáo.

Quốc hội Ai Cập cho rằng, 2 vụ tấn công khủng bố nằm trong một âm mưu lớn và họ sẽ sửa luật để ngăn chặn các tội ác khủng bố. Theo người phát ngôn Quốc hội Ali Abdel-Aal, những kẻ khủng bố muốn gây xung đột giữa người Hồi giáo và người Thiên chúa giáo và 2 vụ khủng bố hôm 9-4 cùng cuộc tấn công vào Nhà thờ Cơ đốc giáo ở Cairo hồi tháng 12-2016, là một phần của âm mưu gây bất ổn định ở Ai Cập, phá vỡ sự thống nhất quốc gia. Trước đó, nội các Ai Cập đã thông qua tình trạng khẩn cấp.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Hồi giáo (ISESCO) đã chỉ trích các vụ tấn công khủng bố nhằm vào những tín đồ Cơ đốc giáo là hành động tội ác, đi ngược lại các tư tưởng và giáo lý tôn giáo, đồng thời kêu gọi người dân Ai Cập đoàn kết để đập tan những âm mưu của các nhóm khủng bố. Theo giới truyền thông, người Cơ đốc giáo chiếm khoảng 10% dân số Ai Cập và họ đã sống hàng thế kỷ qua với người Hồi giáo chiếm đa số tại nước này.
Thiện Lân
.
.
.