Vụ khủng bố tại Nga: Khẩn trương làm rõ động cơ gây án

Chủ Nhật, 09/04/2017, 13:23
Tổng thống Putin vừa tuyên bố, vụ khủng bố hôm 3-4 ở Saint Peters-burg chứng tỏ nguy cơ khủng bố gia tăng và tất cả các nước SNG đều có thể là đối tượng tiềm tàng của khủng bố.


Theo Điện Kremlin, ngay trong tối 3-4, Tổng thống Putin đã tổ chức họp khẩn với các cơ quan an ninh và hành pháp để cập nhật thông tin về vụ tấn công. Sau đó ông Putin đến đặt hoa tại một trong những khu vực tưởng niệm ở Saint Petersburg. Trong khi đó, Ủy ban điều tra liên bang Nga bác bỏ thông tin trên báo chí và mạng xã hội về nguy cơ các vụ khủng bố mới tại nước này.

Đồng thời cho biết, đã xác định được dấu vết ADN của nghi phạm Akbarjon Djalilov (Akbarzhon Jalilov, Akbarzhon Dzhalilov) trên chiếc túi chứa quả bom bị vô hiệu hóa sau đó. Các điều tra viên khi khám nghiệm hiện trường đã tìm thấy các mảnh thi thể của Akbarjon Djalilov, người Nga gốc Kyrgyzstan, trong toa tàu cùng dấu vết ADN mà hắn để lại trên quả bom thứ hai.

Akbarjon Djalilov từng được đánh giá là hiền lành, ngoan ngoãn

Quả bom thứ hai giấu trong một bình cứu hỏa chứa 1kg thuốc nổ TNT, gấp ba lần quả bom đã phát nổ trên tàu hôm 3-4 khiến 14 người chết và 49 người bị thương. Ủy ban điều tra liên bang Nga còn cho biết, đang xem xét mối liên hệ giữa Akbarjon Djalilov với IS và đây là lần đầu tiên các nhà điều tra nhắc tới IS trong vụ tấn công hôm 3-4.

"Các chuyên gia của Ủy ban điều tra đã hợp tác với FSB và lực lượng phản ứng nhanh của Bộ Nội vụ để xác định thiết bị nổ có thể được kích hoạt bởi một nam nghi phạm và một số mảnh thi thể của tên này đã được tìm thấy tại hiện trường", người phát ngôn của Ủy ban điều tra liên bang Nga Svetlana Petrenko cho biết.

Các chuyên gia Nga nhận định, đây là vụ tấn công được lên kế hoạch kỹ lưỡng. Tuy đã lục soát nhà của Akbarjon Djalilov, nhưng cảnh sát không tiết lộ địa điểm. Hình ảnh từ camera an ninh tại nhà ga cho thấy, Akbarjon Djalilov là nam thanh niên đeo kính, bình tĩnh khi tiến vào ga tàu điện ngầm, mặc áo trùm đầu màu đỏ và đội mũ len màu xanh, đeo một ba lô sau lưng.

Còn theo camera giám sát tại khu vực cho thấy, Akbarjon Djalilov đã rời nhà với một túi xách tay và một ba lô trên lưng. Theo thông tin trên các trang mạng xã hội cá nhân của Akbarjon Djalilov, hắn thích võ thuật và có hứng thú với Hồi giáo cực đoan.

Trong khi đó, những người từng tiếp xúc với Akbarjon Djalilov đều mô tả hắn là người ôn hòa, gần gũi, hào hiệp và thân thiện.

Chính quyền Saint Petersburg cho biết, sẽ lo toàn bộ chi phí mai táng nạn nhân của vụ tấn công (đã công bố để tang 3 ngày) trên chuyến tàu đi từ ga Sennaya Ploshchad đến Tekhnologichesky.

Nhiều biện pháp an ninh đã được tăng cường tại những điểm du lịch nổi tiếng của thành phố Saint Petersburg. Cảnh sát Nga vừa bắt 7 nghi can bị coi tham gia tuyển mộ chiến binh cho IS và hỗ trợ các hoạt động khủng bố.

Theo cảnh sát vùng Och (được coi là cái nôi cung cấp chiến binh cho IS ở Syria và Iraq) của Kyrgyzstan, nơi Akbarjon Djalilov chào đời, hắn vừa trở lại Saint Petersburg ngày 3-3, đúng 1 tháng trước khi xảy ra vụ khủng bố hôm 3-4.

Cảnh sát phong tỏa, điều tra hiện trường vụ nổ.

Ngoại trưởng Kyrgyzstan Erlan Abyldaev cho biết, thủ phạm là kẻ đánh bom liều chết nhưng chưa rõ động cơ. Facebook đã kích hoạt tính năng Safety Check cho người dùng ở Saint Petersburg sau khi xảy ra vụ khủng bố.

Kazakhstan đã tăng cường kiểm soát tại các đồn biên phòng giáp với Nga nhằm truy lùng các phần tử Hồi giáo cực đoan, tình nghi sát hại 2 cảnh sát Nga tại tỉnh As-trakhan tối 3-4. Theo người phát ngôn cảnh sát vùng Och, ông Zamir Sidikov, gia đình Djalilov tới Nga năm 2011 để làm việc.

Năm 2014, bố mẹ Akbarjon Djalilov trở về Kyrgyzstan, còn hắn vẫn ở lại Saint Pe-tersburg. Giới truyền thông Nga đưa tin, Akbarjon Djalilov từng sửa chữa ôtô, sau đó chuyển sang làm đầu bếp ở một nhà hàng Nhật Bản.

Giới chuyên môn coi vụ khủng bố ở Saint Petersburg là bài học đắt giá và cần thiết cho các nước châu Âu - siết chặt kiểm soát và tăng cường các biện pháp giám sát an ninh chưa đủ để ngăn chặn khủng bố.

Ilyas Nikitin đã bị sốc sau khi thấy hình ảnh của mình lan truyền khắp mạng xã hội, trên các mặt báo ở trong và ngoài nước Nga với tư cách là nghi phạm, nên anh lập tức đi thẳng đến đồn cảnh sát để khẳng định sự vô tội. 

Sau khi bị cảnh sát thẩm vấn với máy phát hiện nói dối, Ilyas Nikitin đã được tự do. Nhưng sau khi rời đồn cảnh sát, Ilyas Nikitin đã bị nhiều người phản đối khi anh lên máy bay đến Moskva, để về quê ở thành phố Orenburg. 

Nhân viên an ninh có mặt cùng chó nghiệp vụ để kiểm tra kỹ người và hành lý của Ilyas Ni-kitin trước khi cho anh lên máy bay. Sau khi về Orenburg, Ilyas Nikitin bị mọi người nhìn với ánh mắt hoài nghi, thậm chí có người còn gọi báo cảnh sát. Mọi rắc rối của Ilyas Nikitin chỉ dừng lại sau khi danh tính của hung thủ được cảnh sát công bố.

Trịnh Huyền My
.
.
.