Vụ kiện bất khả thi của Airbus

Thứ Sáu, 08/05/2015, 15:00
Sở dĩ gọi đây là vụ kiện bất khả thi cho dù Airbus được coi là một trong những hãng chế tạo máy bay hàng đầu thế giới, bởi cho tới nay chưa có bất cứ một cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào thắng kiện đối với các cơ quan tình báo trên thế giới, nhất là lại có liên quan tới tình báo Mỹ. 

Vụ kiện kể trên được dư luận biết tới sau khi hãng AFP dẫn tuyên bố của Airbus hôm 30/4, theo đó hãng chế tạo máy bay này có thể là mục tiêu bị do thám và họ sẽ kiện cơ quan tình báo Đức (BND) vì đã do thám Airbus theo "lệnh" của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) Mỹ.

Ngày 30/4, tờ Suddeutsche Zeitung đưa tin, BND theo dõi cả các quan chức cấp cao của Pháp và Ủy ban châu Âu theo chương trình hợp tác với NSA. Và điểm thực hiện nghe lén được xác định là tại trạm Bad Aibling ở Munich. Điều này cho thấy, cuộc khủng hoảng do thám của BND không những chưa dừng lại, mà có nguy cơ lan rộng. Bởi đảng cánh tả đối lập đang kêu gọi Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere từ chức.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere.

Ngày 29/4, ông Thomas de Maiziere, đồng minh thân cận của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phủ nhận việc từng nói dối quốc hội về việc BND hợp tác với NSA. Cũng trong ngày 29/4, một số tờ báo lớn ở Đức như Spiegel Online, Sueddeutsche Zeitung và các kênh truyền hình như NDR, WDR cho biết, các trạm kỹ thuật của BND ở vùng Bad Aibling, bang Bayern đã do thám Bộ Ngoại giao Pháp, điện Elysee và Ủy ban châu Âu.

Trước đó, tờ The Bild từng đưa tin, Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere đã nói dối trước Quốc hội về những việc làm sai trái của BND. Theo hãng Reuters, đảng cánh tả đối lập và giới truyền thông Đức đang chỉ trích ông Thomas de Maiziere về giai đoạn Bộ trưởng Nội vụ làm Chánh văn phòng Thủ tướng (2005-2009), đồng thời chất vấn về việc BND liệu có giúp NSA do thám các công ty châu Âu, trong đó có Airbus.

Ông Thomas de Maiziere cũng cho biết, trong lần giải trình trước Hạ viện hồi trung tuần tháng 4, Bộ Nội vụ Đức đã khẳng định không có bằng chứng cho thấy NSA muốn thông qua BND để tiến hành do thám kinh tế. Đồng thời nhấn mạnh, sẵn sàng giải trình trước Ủy ban Giám sát của Hạ viện liên bang càng sớm, càng tốt.

Trong khi người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Seibert bác bỏ những chỉ trích của đảng cánh tả đối lập, bà Angela Merkel tuyên bố: sẽ làm sáng tỏ vụ việc. Kênh truyền hình Đức (German TV) cho rằng, Berlin đã biết về những "hoạt động sai trái" của BND. Bởi ngày 26/4, Chính phủ Đức xác nhận việc BND từng báo cáo lên Phủ thủ tướng về khả năng NSA do thám kinh tế ở nước này.

Theo giới truyền thông Đức, Phủ Thủ tướng Đức đã biết về việc Mỹ do thám kinh tế nhằm vào các công ty châu Âu từ năm 2008, nhưng không có phản ứng gì do sợ ảnh hưởng tới sự hợp tác tình báo với Mỹ. Bởi có ít nhất 2 tài liệu từng được BND chuyển tới Phủ thủ tướng Đức năm 2008 và 2010 thông báo về việc do thám của NSA. Và trong số các mục tiêu bị do thám có Tập đoàn Công nghiệp hàng không vũ trụ lớn nhất châu Âu, công ty mẹ của Hãng chế tạo máy bay Airbus và công ty chế tạo máy bay trực thăng Eurocopter.

Tổng Thư ký đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Yasmin Fahimi yêu cầu, phải có trách nhiệm cá nhân một khi có kết luận của Ủy ban điều tra NSA. Phó Chủ tịch đoàn nghị sỹ của đảng cánh tả Die Linke tại Hạ viện, bà Sahra Wagenknecht yêu cầu ông Thomas de Maiziere phải từ chức vì đã lừa dối Hạ viện, và không có phản ứng gì trước hoạt động do thám của NSA tại Đức trong nhiều năm. Hạ nghị sỹ Konstantin von Notz của đảng Xanh (Die Gruenen), thành viên trong Ủy ban điều tra NSA của Hạ viện Đức, cũng cho rằng những thông tin liên quan tới NSA bị che dấu đã làm "xói mòn niềm tin vào hệ thống chính trị Đức".

Ngày 22/4, với 307 phiếu thuận và 116 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật trong lĩnh vực an ninh mạng, theo đó Bộ Quốc phòng, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) hay bất kỳ cơ quan nào thuộc cộng đồng tình báo Mỹ cũng không được phép triển khai hoạt động do thám nhằm vào một cá nhân. NSA chỉ được phép tiếp cận các dữ liệu thu thập tình báo sau khi các thông tin cá nhân bị xóa bỏ.

Trước đó (8/4), các nhóm hoạt động xã hội thành lập một liên minh mới nhằm phản đối luật cho phép các cơ quan tình báo và thực thi pháp luật Mỹ thu thập thông tin của người dân với lý do phục vụ cuộc chiến chống khủng bố. Liên minh mới do tổ chức Electronic Frontier Foundation (EFF) đứng đầu sẽ tập hợp sự ủng hộ của công chúng nhằm tạo áp lực yêu cầu nghị sỹ Mỹ ngăn chặn chương trình do thám trên diện rộng đã bị cựu nhân viên tình báo Edward Snowden tiết lộ.

Mạnh Phong
.
.
.