Vụ kiện đòi bồi thường lớn nhất trong lịch sử nước Anh

Thứ Hai, 19/09/2016, 12:44
Vì MasterCard là hãng dịch vụ tài chính của Mỹ nên đây là vụ kiện lớn thứ hai do châu Âu nhắm tới nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bởi trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) từng yêu cầu Ireland phải truy thu 13 tỷ euro (14,5 tỷ USD) tiền thuế của hãng Apple.

Tập đoàn cung cấp dịch vụ thanh toán Mastercard đang phải đối mặt với vụ kiện đòi bồi thường lớn nhất trong lịch sử nước Anh, sau khi luật sư Walter Merricks, gửi đơn kiện cùng tập tài liệu dài hơn 600 trang lên Tòa án Phúc thẩm Cạnh tranh tại London, yêu cầu MasterCard bồi thường 14 tỷ bảng Anh (khoảng 18,6 tỷ USD) cho hàng triệu người dân "xứ sở sương mù" vì áp phí thẻ phi pháp từ năm 1992 đến 2008.

Vì MasterCard là hãng dịch vụ tài chính của Mỹ nên đây là vụ kiện lớn thứ hai do châu Âu nhắm tới nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bởi trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) từng yêu cầu Ireland phải truy thu 13 tỷ euro (14,5 tỷ USD) tiền thuế của hãng Apple.

MasterCard bị cáo buộc tính phí thanh toán bằng thẻ quá cao.

2 năm trước (2014), Cơ quan chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) từng kết luận, các loại phí mà MasterCard áp dụng với chủ cửa hàng khi xử lý các thanh toán quốc tế tại EU là quá cao. Nhưng đây là vụ kiện đầu tiên tại Anh và theo đơn kiện của luật sư Walter Merricks, MasterCard bị cáo buộc tính phí cao bất hợp pháp đối với giao dịch thanh toán và phải bồi thường gần 19 tỷ USD.

"Người tiêu dùng không ý thức được mức độ của các loại phí này, hoặc không biết chúng phi pháp. Tất cả người tiêu dùng Anh, không chỉ chủ thẻ MasterCard, đều bị mất tiền vì việc này", hãng luật Quinn Emanuel tuyên bố.

Quinn Emanuel nộp đơn kiện thay mặt Walter Merricks, luật sư kiêm cựu lãnh đạo Financial Ombudsman Service (tổ chức chuyên giải quyết các đơn kiện liên quan tới các hãng dịch vụ tài chính) và cho rằng, các khoản phí quá cao của MasterCard khi khách quẹt thẻ trả tiền đã buộc các hãng bán lẻ nâng giá sản phẩm. Vì thế, người mua nào cũng chịu thiệt hại - ước tính khoảng 46 triệu người đã bị ảnh hưởng từ vấn đề này.

Luật sư Walter Merricks cáo buộc MasterCard trong 16 năm (1992-2008) đã tính phí lên tới hơn 1% giá trị giao dịch mỗi khi khách hàng thanh toán quốc tế bằng các loại thẻ. Tuy phí này không áp trực tiếp lên người dùng, nhưng nhằm vào bên bán khiến họ phải tăng giá và khách hàng là người chịu thiệt cuối cùng.

Và trong tập tài liệu dài hơn 600 trang trình lên Tòa án Phúc thẩm Cạnh tranh tại London, hãng luật Quinn Emanuel cho biết, khoảng 46 triệu người dân Anh có thể được hưởng lợi từ vụ kiện này - mỗi người sẽ nhận khoảng 400 USD, nếu thắng kiện.

Luật sư Walter Merricks coi loại phí này gần như một loại thuế vô hình. "MasterCard đã cư xử đáng hổ thẹn. Họ không dám thừa nhận rằng đang tính phí sai, qua đó gây tổn hại đến người tiêu dùng Anh quốc", luật sư Walter Merricks nhấn mạnh.

"Đây là điều đáng sợ đối với những người thanh toán bằng thẻ bởi họ không ý thức được mức độ của các loại phí này, hoặc không biết rằng chúng phi pháp", ông Simon French. Kinh tế trưởng của Panmure Gordon nhấn mạnh.

Dựa theo các điều khoản trong Đạo luật quyền lợi người tiêu dùng của Anh, tất cả những người sống tại nước này, từng sử dụng các loại thẻ của MasterCard và trên 16 tuổi trong giai đoạn nói trên đều tự động được coi là nguyên đơn trong vụ kiện trừ khi họ xin rút.

Về phần mình, MasterCard cho biết, sẽ nghiên cứu chi tiết đơn kiện, nhưng không đồng ý với cáo buộc này và sẽ phản đối mạnh mẽ. Giới chuyên môn cho rằng, vụ kiện kể trên sẽ được xét xử trong năm 2018. Bởi người ta phải chuẩn bị nhiều công đoạn và trong thời gian đó, nếu 2 bên dàn xếp được với nhau, vụ kiện sẽ được bãi bỏ.

Theo giới truyền thông, Mastercard là hãng phát hành thẻ lớn thứ 2 thế giới và đây là vụ kiện chưa có tiền lệ tại Anh, cả về quy mô và mức độ ảnh hưởng, do đó thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

MasterCard là thẻ thanh toán quốc tế với lịch sử 50 năm (1966-2016). Tên khai sinh của thẻ này không phải MasterCard mà là Master Charge. Năm 1979, Master Charge đổi tên thành MasterCard. Năm 1966, một số ngân hàng thành lập Hiệp hội thẻ liên ngân hàng (ICA). Năm 1969, ICA thiết lập và đặt tên cho loại thẻ là Master Charge, với logo có 2 hình tròn lồng vào nhau.

Đến năm 1979, MasterCard được sử dụng và tồn tại đến nay. MasterCard có các loại thẻ là debit, credit, prepaid. Theo báo cáo của MasterCard, nhờ giao dịch thẻ, các quốc gia tiết kiệm được 1% trên GDP so với những chi phí bỏ ra khi giao dịch hoàn toàn bằng tiền mặt.

Vì là thẻ thanh toán quốc tế nên mỗi khi ra nước ngoài bạn không cần đổi tiền bởi thẻ MasterCard đã có mặt ở hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Và người tiêu dùng đang quan tâm tới loại thẻ MasterCard ảo - thẻ trả trước với hình ảnh thẻ và thông tin được thể hiện trên hệ thống online.

Để sử dụng thẻ MasterCard ảo, khách hàng phải nạp tiền và thực hiện giao dịch trong giới hạn số tiền có trong thẻ. Chỉ mất 2 phút đăng ký online bằng số điện thoại của mình, không cần tài khoản ngân hàng, chứng minh thu nhập và điền nhiều mẫu văn bản giấy tờ khác.

Quốc Dũng
.
.
.