Vụ máy bay Nga bị bắn hạ: Gia tăng khẩu chiến

Thứ Hai, 30/11/2015, 11:19
Hãng tin Nga TASS vừa dẫn lời Constantin Murakhtin, viên phi công hoa tiêu đã nhảy dù khi chiếc máy bay Su-24 bị bắn rơi rằng, không có bất kỳ cảnh báo nào, kể cả qua liên lạc radio hay bằng động tác của máy bay. Đồng thời khẳng định, máy bay Su-24 của Nga không vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ vì ông hoàn toàn kiểm soát hoạt động bay cho đến khi máy bay trúng tên lửa.

Theo hãng RT, Constantin Murakhtin đã được đưa về căn cứ sau cuộc giải cứu 12 giờ đồng hồ của đặc nhiệm Syria và kiểm tra y tế tại căn cứ không quân Nga ở Latakia. Còn theo dữ liệu bay do Bộ Quốc phòng Nga công bố, chiếc Su-24 chưa bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ và bị bắn khi đang bay trong không phận Syria. Trong khi đó, một máy bay trực thăng Mi-8 của Nga đã bị tên lửa TOW do Mỹ sản xuất được Lực lượng Quân đội Tự do Syria (FSA) bắn hạ khi đang làm nhiệm vụ tìm kiếm 2 phi công máy bay Su-24 của nước này bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi.

Ngay lập tức, Thổ Nhĩ Kỳ cho công bố "đoạn băng ghi âm về lời cảnh báo đối với máy bay Su-24 của Nga" trước khi quyết định bắn hạ. Ngày 25-11, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan khẳng định, không quân nước này đã "phóng tên lửa hạ chiếc máy bay vi phạm không phận sau khi bị phót lờ 10 lần cảnh báo"; đồng thời tuyên bố, không muốn quan hệ giữa Ankara và Moskva gia tăng căng thẳng sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga. Cùng ngày 25-11, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop khẳng định, việc điều tra về thảm họa này là rất quan trọng bởi hiện có nhiều quan điểm khác nhau xung quanh vấn đề kể trên. Còn Tổng thống Nga Putin coi đây là hành động đâm sau lưng, và được thực hiện "bởi những kẻ đồng lõa với bọn khủng bố".

Trong khi đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho rằng, quan hệ giữa một số quan chức Thổ Nhĩ Kỳ với IS (liên quan tới lợi ích trong giao dịch dầu mỏ) có thể là một trong những nguyên nhân dẫn tới vụ máy bay F-16 bắn hạ máy bay Su-24.

Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông và Trung Á, chuyên gia quân sự và địa chính trị Semen Bagdasarov, cho biết không ngạc nhiên trước vụ máy bay Su-24 của Nga bị tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ. Bởi mỗi tháng IS thu về 50 triệu USD từ việc bán dầu khai thác trái phép tại Syria và Iraq (với giá 35 USD/thùng, thậm chí chỉ 10 USD/thùng) qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau khi máy bay Nga bị bắn hạ, quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ càng trở nên phức tạp.

Theo giới truyền thông, khi điện đàm với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, Moskva không có kế hoạch tiến hành chiến tranh với Ankara, nhưng sẽ đánh giá lại một cách nghiêm túc các quan hệ với nước này; và 2 ông đã nhất trí gặp nhau ở Belgrade (Serbia) vào tuần tới để làm sáng tỏ "sự cố bắn rơi chiếc Su-24". Đại sứ Nga tại Pháp Alexander Orlov còn cho rằng, vẫn có khả năng thành lập một liên minh quốc tế chống IS bất chấp căng thẳng giữa Moskva và Ankara sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 của Nga.

Hãng Sputnik vừa dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, Moskva sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại S-400 tại căn cứ không quân Hmeymim ở Syria. Và chiến đấu cơ Su-30SM sẽ hộ tống tất cả các nhiệm vụ ném bom nhằm vào IS ở Syria. Theo giới quân sự, S-400 là hệ thống phòng không tầm trung và tầm xa thế hệ mới. Và hệ thống này dùng để đối phó với tất cả các cuộc tấn công, tập kích đường không. Mỗi hệ thống có thể đồng thời đối phó với 36 mục tiêu trong phạm vị 400 km và bắn tới 72 tên lửa. Được biết, khi hệ thống phòng không S-400 sử dụng tên lửa tầm xa 40N6, tầm bắn có thể đạt 400 km, lớn hơn so với tên lửa 9M96E của hệ thống S-300PMU2 và tên lửa đánh chặn THAAD của Mỹ.

Dự kiến đến năm 2020, Nga sẽ triển khai 28 trung đoàn S-400, chủ yếu ở vùng duyên hải và biên giới. Tư lệnh Binh chủng Phòng không-Vũ trụ tác chiến chiến lược Nga, Trung tướng Valery Ivanov từng khẳng định, giai đoạn thử nghiệm trung đoàn tên lửa S-400 Triumph tại thao trường Kapustin Yar đã thành công. Và dự kiến trong giai đoạn 2016-2020, Nga sẽ triển khai khoảng 4 trung đoàn tên lửa S-400 để tăng cường bảo vệ cho thủ đô Moskva. S-400 là hệ thống tên lửa tầm cao, nhưng được coi là tổ hợp tên lửa đa tầm vì có thể hạ mục tiêu ở độ cao 27 km hay cách mặt đất chỉ 5-10 m.

Giới quân sự cho rằng, S-400 Triumf (còn gọi là S-300PMU3, trong khi NATO gọi là SA-21 Growler) có những cải tiến sâu về thiết bị điện tử so với S-300. Phạm vi hoạt động của các loại tên lửa S-400 là 40-120 km với tên lửa 9M96, 250 km với tên lửa 48N6 và 400 km với tên lửa 40N6. S-400 sử dụng radar đa chế độ 92N6E đặt trên xe tải MZKT-7930, phiên bản nâng cấp từ 30N6E2 dùng trên S-300, với chất lượng và tầm quan sát được cải thiện đáng kể.

Thiện Lân
.
.
.