Vụ nhà báo Jamal Khashoggi có nguy cơ “chìm xuồng”

Thứ Ba, 13/11/2018, 16:24
Đây là nhận định của nhiều chuyên gia, bất chấp những tuyên bố vừa được đưa ra của các bên hữu quan.

Bởi tuy đã thừa nhận nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại khi đến lãnh sự quán tại Istanbul hôm 2-10, nhưng cho đến nay Saudi Arabia vẫn không tiết lộ thi thể của ông ở đâu hay đã bị sát hại như thế nào. 

Trong khi đó hãng Al-Jazeera vừa dẫn nguồn tin từ văn phòng công tố Thổ Nhĩ Kỳ, cơ quan điều tra của nước này đã tìm ra dấu vết của acid hydrofluoric cùng các chất hóa học khác ở giếng tại dinh thự của tổng lãnh sự Mohammed al-Otaibi tại Istanbul. Các mẫu vật khác cũng đã được lấy từ hệ thống thoát nước xung quanh và cho thấy có dấu hiệu của acid. 

Trước đó, các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ từng khẳng định, nhà báo Jamal Khashoggi đã bị siết cổ ngay khi vừa bước vào tòa lãnh sự và điều này chứng minh, đây là âm mưu được chuẩn bị từ trước. 

Hơn 10 ngày trước (2-11), cố vấn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng tuyên bố, thi thể của nhà báo Jamal Khashoggi đã bị cắt ra thành nhiều khúc và phân hủy bởi acid. 

Còn theo tờ Sabah, Saudi Arabia đã gửi một đội chuyên gia về chất độc và hóa học dưới danh nghĩa nhân viên điều tra đến Istanbul để xóa dấu vết về acid ở lãnh sự quán. 

Tờ Sabah cũng đã nhận dạng được 2 người là Ahmed Abdulaziz al-Jonabi và Khaled Yahya al-Zahrani, trong nhóm hơn 10 thành viên của Saudi Arabia cùng tham gia cuộc điều tra với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ. 

"Chúng tôi tin rằng có 2 người Arab Saudi tới Istanbul với mục đích duy nhất là phi tang bằng chứng về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi trước khi cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ được vào khám xét lãnh sự quán", hãng Reuters trích lời quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ.

Vẫn chưa tìm thấy thi thể của nhà báo Khashoggi.

Mấy ngày trước, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định, Ankara có bằng chứng chắc chắn liên quan tới vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, nhưng chưa công bố trước công chúng. 

Tờ Washington Post dẫn lời ông Mevlut Cavusoglu cho biết, Riyadh có trách nhiệm trả lời câu hỏi chuyện gì đã xảy ra với thi thể của nhà báo Jamal Khashoggi bởi nhóm 15 người mà theo Thổ Nhĩ Kỳ được cử tới Istanbul để giết hại nhà báo này đã trở về Saudi Arabia. 

"Tất cả những gì chúng tôi muốn bây giờ là chôn ông ấy ở Al-Baqi (mộ) tại Medina cùng với những người trong gia đình", anh Salah Khashoggi, 35 tuổi, con trai nhà báo Jamal Khashoggi tuyên bố với hãng CNN. Đồng thời cho biết, họ không thể tổ chức đám tang hoàn chỉnh cho nhà báo Jamal Khashoggi, nếu không có thi thể. 

Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Saudi Arabia Bandar Al Aiban cho biết, Quốc vương Salman đã yêu cầu các nhà điều tra nước này điều tra vụ việc theo đúng pháp luật và đưa những kẻ phạm tội ra xét xử trước pháp luật. Saud al-Qahtani - "cánh tay phải của Thái tử Arab", bị coi là người chỉ đạo giết nhà báo Jamal Khashoggi. 

"Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để duy trì mối quan hệ chiến lược, quan trọng với Saudi Arabia, đồng thời buộc những người gây ra cái chết tàn bạo này phải chịu trách nhiệm", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, khi trả lời phỏng vấn Fox News Sunday. Điều này đồng nghĩa với việc, Mỹ vẫn duy trì mối quan hệ chiến lược với Saudi Arabia, bất chấp những lùm xùm của vụ nhà báo Jamal Khashoggi.

Saudi Arabia khẳng định đang điều tra vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại.

Giới chuyên môn đang quan tâm tới tuyên bố trước hội nghị ở Tel Aviv (Israel) qua cầu truyền hình từ Nga của Edward Snowden, cựu nhân viên CIA và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), khi cho rằng Saudi Arabia có thể đã sử dụng phần mềm do một công ty hệ thống thông tin và máy tính của Israel chế tạo để "lần theo dấu vết" của nhà báo Jamal Khashoggi. 

Và phần mềm gián điệp Pegasus do hãng NSO Group của Israel phát triển, đã được sử dụng để theo dõi các nhân vật đối lập. Ngoài ra, Edward Snowden còn tiết lộ, điện thoại di động thông minh của một trong những người bạn của ông Jamal Khashoggi (đang sống lưu vong ở Canada) đã bị nhiễm phần mềm gián điệp Pegasus, nên cho phép nhà chức trách Saudi Arabia thu thập thông tin về nhà báo này. 

Phần mềm gián điệp Pegasus được cho có khả năng theo dõi ở mức độ gần như không giới hạn đối với điện thoại di động. Viện Nghiên cứu Citizen Lab (Canada) cũng tin rằng, điện thoại di động của Omar Abdulaziz, nhà hoạt động Saudi Arabia (cư dân thường trú tại Canada), đã bị nhiễm phần mềm gián điệp Pegasus của Công ty phần mềm NSO Group.

Còn theo tờ Jerusalem Post, Edward Snowden cáo buộc Công ty phần mềm tình báo mạng NSO Group Technologies đã cung cấp cho Saudi Arabia một hệ thống để theo dõi tung tích của ông Jamal Khashoggi trước khi nhà báo này bị sát hại hôm 2-10. 

Theo tờ Sputnik, ngay sau tuyên bố kể trên, NSO đã bác bỏ cáo buộc của Edward Snowden - sản phẩm do công ty sản xuất chỉ được sử dụng vào mục tiêu chống khủng bố! 

Trịnh Huyền My
.
.
.