Vụ nổ ở Li Băng và hệ lụy nhân đạo

Thứ Hai, 07/09/2020, 14:18
Vào buổi chiều 4-8 vừa qua, Thủ đô Beirut của Li Băng đã bất thình lình bị chấn động khủng khiếp bởi hai tiếng nổ long trời lở đất gần như liên tiếp, theo sau là một vụ cháy kéo dài nhiều giờ đồng hồ tại cảng Beirut. Tất cả những công trình trong bán kính 1km gần như đã bị xoá sổ.


Câu chuyện của về vụ nổ tại cảng Beiruti tuy vậy còn hơn cả lời tường trình từ chính phủ Li Băng. Đây là một câu chuyện có khởi đầu từ nhiều năm trước, và cái kết của nó có lẽ phải sau nhiều năm tới chúng ta mới có thể biết được. Chỉ có một điều duy nhất mà ai cũng có thể nhìn rõ: Li Băng đang đứng trước một thảm hoạ nhân đạo là sự thật nhãn tiền!

Sau Mùa xuân Ả Rập và một chính phủ mới được bầu lên vào năm 2012, những tưởng rằng Li Băng đã thoát khỏi giai đoạn rối ren để từ đó bắt đầu hồi phục. Thế nhưng quốc gia Trung Đông này từ đó lại càng chìm sâu vào khủng hoảng. Nền kinh tế tiếp tục trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát cao kỷ lục, hạn hán kéo dài, và xung đột với quân khủng bố ISIS tại vùng biên giới với Syria đã khiến Li Băng kiệt quệ. 

Chất lượng sống của người dân Li Băng từng có thời cao nhất tại Trung Đông, thế nhưng nay lại tụt xuống nửa cuối của bảng xếp hạng. Một bộ phận lớn người dân phải sống trong cảnh chạy ăn từng bữa, còn tại nông thôn thì còn không có gì để mà ăn. Thật khó để một người ngoại quốc có thể tưởng tượng hết được phần gánh nặng đặt thêm lên vai xã hội Li Băng bởi hai vụ nổ kể trên.

Si-lo chứa lúa mỳ đứng trơ trọi giữa hải cảng tan hoang.

Vào năm 1943, sau một thời gian dài đấu tranh trước ách đô hộ của Thực dân Pháp, Li Băng giành được độc lập. Tuy vậy, quốc gia này tiếp tục trải qua nhiều thập kỷ liên tiếp trong xung đột sắc tộc, tôn giáo, rồi cả chiến tranh với Israel và cuộc nội chiến 1975-1990, tình hình Li Băng mới tạm ổn định. Cái giá mà họ phải trả là vô cùng đắt: để có thể thành lập được một nhà nước chung, các lực lượng chính trị, tôn giáo đã đi đến thoả thuận chia sẻ quyền lực với chung. 

Giả sử như sau khi người dân bầu lên một vị tổng thống là người Thiên Chúa giáo, thì vị tổng thống này buộc phải giao vị trí thủ tướng cho một người Hồi giáo dòng Shia, còn chức chủ tịch hạ viện thì do một người Hồi giáo dòng Sunni đảm nhận.

Với cách tổ chức như trên, thật dễ hiểu khi quyền lực của nhà nước Li Băng là vô cùng yếu ớt. Ngay cả những dịch vụ công cơ bản như truyền tải điện hay dọn rác mà họ cũng không đủ khả năng cung cấp cho người dân, phân nhiều vì hệ thống cơ quan chủ quản thiếu tính liên kết, tính trách nhiệm, hay xảy ra đấu đá nội bộ. Việc phân chia quyền lực còn là mảnh đất màu mỡ cho hiện tượng tham nhũng, bòn rút của công xảy ra, khiến cho chính quyền càng thêm phần tê liệt. Tóm lại, nhà nước Li Băng hiện nay hoàn toàn thiếu khả năng hỗ trợ người dân sau thảm hoạ.

Sự tắc trách của chính quyền cũng là lý do chính gây ra thảm hoạ nhân đạo của vụ nổ kinh hoàng xảy ra vào hồi đầu tháng 8. Vào năm 2013, chiếc tàu của Nga mang tên MV Rhosus chở phân bón đến Mozambique bị buộc phải cập cảng Beirut vì lý do tài chính. Thuỷ thủ trên tàu có dấu hiệu định nổi loạn, vậy nên tất cả số phân bón được chuyển hết lên cảng.

Nhận ra sự nguy hiểm của việc chứa một lượng lớn chất cháy nổ như vậy gần khu dân cư nên cứ vài tháng một lại có vài vị chuyên gia đăng đàn trên báo chí lời khẩn cầu chính quyền chuyển số phân bón đi, nhưng các nhà chức năng thì cứ "bình chân như vại". Và kết quả là cuối cùng số phân bón đều phát nổ. Thậm chí đã có tin đồn rằng, bên quản lý cảng không muốn chuyển số phân bón đi vì họ muốn buộc phía Nga trả tiền phí giữ kho càng lâu càng tốt. Người dân Beirut hiện đang đổ ra đường để phản đối thái độ tắc trách, vô trách nhiệm của chính phủ. Những cuộc biểu tình này dự báo sẽ còn trở nên mạnh mẽ hơn trong vài tuần tới.

Từ nhiều thập niên trở lại đây, Li Băng buộc phải nhập khẩu khoảng ¾ lương thực và các loại nhu yếu phẩm khác để phục vụ nhu cầu trong nước. Nếu như trước đây thì số hàng nhập khẩu này có thể đi từ Iran qua Syria để vào Li Băng, thế nhưng từ khi nội chiến Syria nổ ra tuyến đường vận chuyển này đã bị cắt đứt. Hiện nay hầu hết thực phẩm do Li Băng nhập khẩu đều đi qua cảng Beirut, trong đó có đến 90% lượng lúa mì. Tất cả các si-lô chứa lúa mì đều đã bị phá huỷ trong vụ nổ, còn tàu chở hàng thì không cập cảng được. Nguy cơ xảy ra nạn đói ở Beirut là gần như chắc chắn, và các chuyên gia dự đoán sẽ có khoảng một triệu người chịu ảnh hưởng, hơn một nửa trong số đó là trẻ em.

Tác động của vụ nổ tại hải cảng còn vượt khỏi biên giới Li Băng. Hiện có khoảng 1,5 triệu người tị nạn Syria tại Li Băng. Các tổ chức nhân đạo quốc tế đều đặt cơ sở tại Li Băng để tiện việc cứu trợ số người tị nạn này, đồng thời có thể dễ đàng đưa hàng viện trợ qua biên giới vào Syria. Một số lượng không nhỏ người tị nạn cũng làm các công việc tay chân có liên quan đến cảng Beirut. Tàu không cập được cảng Beirut, không sớm thì muộn các tổ chức này sẽ cạn kiệt nguồn lực để thực hiện sứ mệnh nhân đạo của mình, còn người tị nạn thì mất việc, đẩy họ sau hơn vào nghèo đói là điều hiển nhiên.

Từ khi đại dịch COVID-19 bùng nổ tại Trung Đông đến nay, Li Băng đã làm khá tốt việc kiểm soát dịch bệnh. Họ là một trong những quốc gia Ả Rập đầu tiên thực hiện lệnh cấm bay, và nhờ thế mà cho đến tháng 5 số ca mắc chỉ ở mức dưới 3.000 trường hợp, thấp hơn trung bình khu vực. Tuy vậy, lệnh cấm bay cũng khiến cho thuốc men, chuyên gia y tế không thể nào vào được Li Băng, thế nên chính quyền Beirut đã buộc phải nới lỏng lệnh cấm bay. Đây là lý do làm cho số ca mắc COVID-19 nhảy vọt trong vòng một tháng trở lại đây, với mức độ trung bình khoảng 150 người/ngày.

Các bác sỹ Li Băng đang phải chiến đấu với COVID-19 trong những bệnh viện đổ nát.

Kể từ khi vụ nổ xảy ra, số ca mắc mới trong một ngày đã tăng lên gấp đôi lên mức khoảng 300 người/ngày. Hầu hết bệnh nhân mới là người sống trong vùng ảnh hưởng bởi vụ nổ. Họ mất hết nhà cửa, buộc phải sống lang thang ngoài đường, rồi từ đó mà nhiễm virus. Số người Beirut đang ở trong cảnh vô gia cư vì vụ nổ ước tính trong khoảng 300.000 cá nhân. Hiện các bệnh viện và tổ chức nhân đạo tại Li Băng đã hoạt động hết công suất nhưng vẫn không thể chữa trị cách ly cho toàn bộ số người mắc bệnh được. Đội ngũ bác sỹ còn phải đồng thời thực hiện việc dọn dẹp, sửa chữa các bệnh viện chịu ảnh hưởng bởi vụ nổ. Điều mà họ cần nhất bây giờ là các trang thiết bị y tế, thuốc men và đội ngũ nhân viên tình nguyện.

Cộng đồng quốc tế rất sẵn lòng viện trợ cho Li Băng, vấn đề là họ không biết làm cách nào để hàng viện trợ vào được quốc gia này. Từ sau khi lực lượng vũ trang Hezbollah chiến thắng Israel trong cuộc chiến diễn ra hơn mười năm trước, đường biên giới giữa Li Băng và Israel đã hoàn toàn bị đóng lại. Israel cũng đã gây áp lực lên Mỹ để buộc đồng minh của mình ra lệnh cấm vận hầu như tất cả các hải cảng tại Li Băng.

Với việc cảng Beirut bị hoàn toàn phá huỷ, khả năng tiếp nhận hàng bằng đường biển của Li Băng gần như không còn. Còn theo đường không vận thì lại ẩn chứa nguy cơ đem thêm người bệnh COVID-19 vào nước này. Tình hình rắc rối đến mức tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây đã trực tiếp đến Li Băng để khảo sát tình hình và làm việc với chính phủ nước này. Mục tiêu của ông Macron cùng các vị lãnh đạo quốc tế khác là thuyết phục Mỹ và Israel dỡ bỏ lệnh cấm vận.

Một số đội tình nguyện may mắn vào được Li Băng đã bắt tay ngay vào công tác cứu hộ. Họ cùng với người dân đang tiếp tục việc đào bới, dọn dẹp đống đổ nát, dựng các bệnh viện dã chiến, bếp ăn miễn phí và chỗ ở tạm cho người dân. Đây mới chỉ là bước đầu của quá trình cứu trợ. Để có thể thực sự ngăn chặn được nạn đói, dịch bệnh và bất ổn chính trị đang chực chờ thì Li Băng ước tính cần đến hơn 15 nghìn tỷ USD tiền tái thiết. Vận mạng của cả một quốc gia và người dân của mình đang bị đặt lên bàn cân. Hơn lúc nào hết, đây chính là lúc cả thế giới cần phải xích lại gần nhau mà cùng chung tay cứu giúp Li Băng thoát khỏi thảm họa nhân đạo nhãn tiền.

Công Vũ (tổng hợp)
.
.
.