Vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi: Sẽ được giải quyết tại hội nghị thượng đỉnh G20?

Thứ Bảy, 01/12/2018, 22:02
Các công tố viên Argentina có thể đang xem xét truy tố Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman vì sát hại nhà báo Jamal Khashoggi khi ông tới Buenos Aires dự hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra trong 2 ngày 30-11 và 1-12. 


Thông tin này xuất hiện sau khi Tổ chức giám sát nhân quyền Human Rights Watch (HRW) của Mỹ đề xuất các tòa án Argentina (đã được gửi tới Thẩm phán liên bang Ariel Lijo, rồi đến Công tố viên liên bang Ramiro Gonzalez) nên áp dụng một đạo luật trong luật pháp Argentina để chống lại Thái tử Mohammed bin Salman. Giám đốc tại Trung Đông và Bắc Phi của HRW Sarah Whitson cho biết, họ quyết định đưa “chuyển vụ” này đến Argentina vì Thái tử Mohammed bin Salman sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires. 

Hiện Văn phòng Tổng thống Argentina Mauricio Macri từ chối bình luận về yêu cầu bắt Thái tử Mohammed bin Salman. Về phần mình, Tổng thống Donald Trump cho biết, đã chuẩn bị gặp Thái tử Mohammed bin Salman, bất chấp sự phản đối ngày càng gia tăng của Quốc hội Mỹ. 

Nhà báo Jamal Khashoggi.

Ông chủ Nhà Trắng liên tục khẳng định, CIA chưa kết luận Thái tử Mohammed bin Salman chịu trách nhiệm cho vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi. Nhưng Hạ nghị sĩ Adam Schiff, thành viên Hội đồng Tình báo Hạ viện Mỹ cho rằng, Tổng thống Donald Trump đã không trung thực với người dân Mỹ khi nói CIA chưa đưa ra kết luận về vụ nhà báo Jamal Khashoggi. 

Ông Adam Schiff (sẽ nhận chức Chủ tịch Hội đồng Tình báo Hạ viện từ tháng 1-2019) còn cho biết, Hạ viện Mỹ nghi ngờ ông Donald Trump "làm ngơ" trước vụ sát hại nhà báo Jamal Khasshoggi vì những mối làm ăn, kinh doanh với Saudi Arabia, nên sẽ điều tra vấn đề này thời gian tới. Trước đó, Thượng nghị sĩ Jack Reed cũng cho biết, Tổng thống Donald Trump đã nói dối về kết quả điều tra của CIA. 

Thượng nghị sĩ Bob Corker và Rand Paul cũng cáo buộc Nhà Trắng đang cố gắng bảo vệ Thái tử Mohammed bin Salman. Trong khi đó, Thái tử Mohammed bin Salman đa đề nghị gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ở Argentina, nhưng chưa nhận được trả lời. Thông tin này do Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu thông báo khi trả lời phỏng vấn tờ Sueddeutsche Zeitung của Đức. 

Trước đó, ông Mevlut Cavusoglu còn cho rằng, những phát biểu của Tổng thống Donald Trump về cuộc điều tra cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi cho thấy, ông sẽ cố tình làm ngơ, coi như không có vấn đề gì xảy ra. Bởi Washington không thông báo với Ankara về đoạn băng ghi âm liên quan tới vụ sát hại nhà báo, sau khi báo chí Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, CIA đã nắm trong tay tài liệu cho thấy Thái tử Mohammed bin Salman đã ra lệnh "bịt miệng ông Jamal Khashoggi". 

Theo hãng Reuters, Giám đốc CIA Gina Haspel từng tiết lộ với quan chức Ankara rằng, tình báo Mỹ sở hữu một đoạn ghi âm cuộc gọi, trong đó Thái tử Mohammed bin Salman chỉ thị “phải bịt miệng nhà báo Jamal Khashoggi sớm nhất có thể”. 

Nhưng khi được hỏi Tổng thống Donald Trump chỉ nói: “Bạn phải hỏi họ”, còn CIA từ chối bình luận về vấn đề này. Sau đó, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố đứng về Saudi Arabia vì đây là đồng minh quan trọng của Mỹ, đồng thời phủ nhận thông tin CIA đã kết luận Thái tử Mohammed bin Salman phải chịu trách nhiệm trong vụ này. Tổng thống Donald Trump còn khẳng định, Washington sẽ không đánh đổi các thương vụ vũ khí trị giá hàng trăm tỷ USD với Saudi Arabia chỉ vì vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi và muốn giữ quan hệ tốt với Riyadh. 

Theo hãng Reuters, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ vừa khám xét một biệt thự ở làng Samanli thuộc khu vực Termal của tỉnh Yalova. Chủ biệt thự là Mohammed Ahmed Alfaozan, người có bí danh Ghozan. Đây là diễn biến mới nhất trong nỗ lực điều tra về cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi. 

Văn phòng Trưởng công tố Istabul tin rằng, Mansour Othman Abahussain, một trong những nghi phạm sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, đã gọi cho chủ biệt thự Mohammed Ahmed Alfaozan một ngày trước khi vụ án xảy ra. 

Theo tờ Daily Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ, việc rút cạn máu giúp quá trình phân xác nạn nhân trở nên dễ dàng hơn và nó được thực hiện bởi chuyên gia pháp y. Và Tiến sĩ Salah alTubaigy, lãnh đạo Hội đồng Khoa học Pháp y Saudi Arabia, là người đã xử lý thi thể nhà báo Jamal Khashoggi sau khi ông bị giết tại lãnh sự quán ở Istanbul.

Theo tờ Hurriyet, đoạn ghi âm kể trên diễn ra giữa Thái tử Mohammed bin Salman với Đại sứ Saudi Arabia tại Washington, trong đó có đoạn “phải khiến Jamal Khashoggi im lặng càng sớm càng tốt”. Tờ Haberturk từng dẫn lời quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cho biết, có 2 đoạn ghi âm vụ giết nhà báo Jamal Khashoggi, dài khoảng 11 phút. Và nghi phạm cầm đầu nói ông Jamal Khashoggi là kẻ phản bội, còn kẻ giả dạng nhà báo là Mustafa alMadani cảm thấy sợ khi mặc đồ của ông. Hãng Sputnik vừa dẫn đơn kiện của Viện Knight First Amendment thuộc Đại học Columbia (Mỹ) đối với các cơ quan tình báo Mỹ khi cho rằng, họ biết trước nhưng không có cảnh báo với nạn nhân.
Trọng Hậu
.
.
.