Vụ tai nạn máy bay Ukraine ở Iran: Hộp đen và những câu hỏi

Thứ Tư, 15/01/2020, 15:33
Một quan chức an ninh cấp cao của Iran hôm 12-1 cho biết, nước này không có ý định che giấu nguyên nhân vụ tai nạn máy bay Ukraine mà quân đội Iran thừa nhận đã bắn nhầm. Nhưng Tehran không muốn để Mỹ thoát khỏi thảm họa vì lời xin lỗi này.

Lỗi của con người

Vào sáng 8-1, một chiếc máy bay chở khách của Ukraine bay qua không phận Iran đã phát nổ rồi lao xuống vào một cánh đồng, 176 hành khách trên máy bay không ai sống sót. Những tuyên bố ban đầu từ Iran và Ukraine rất mâu thuẫn, và nguyên nhân vụ tai nạn chưa rõ ràng. 

Mãi cho đến ngày 11-1, quân đội Iran mới thừa nhận "vô tình" bắn hạ máy bay chở khách của Ukraine. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết: "Dựa trên cơ sở kết luận sơ bộ của lực lượng vũ trang, sai sót của con người tại thời điểm khủng hoảng xuất phát từ chủ nghĩa phiêu lưu mạo hiểm của Mỹ đã dẫn đến thảm hoạ này. 

Đồng thời, Ngoại trưởng Iran cũng đã gửi lời xin lỗi và chia buồn tới gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong vụ rơi máy bay. Gọi sai lầm của con người trong việc bắn nhầm chiếc máy bay dẫn đến cái chết của 176 người vô tội là "không thể tha thứ", Tổng thống Iran đồng thời cam kết sẽ chỉ thị điều tra đến cùng và đưa ra xét xử những người chịu trách nhiệm. 

Trên trang Twitter, Tổng thống Iran Hassan Rouhani bày tỏ "Nước Cộng hoà Hồi giáo Iran rất lấy làm tiếc về ''thảm hoạ khủng khiếp này" và yêu cầu có các biện pháp nâng cấp hệ thống phòng không yếu kém của Iran để tránh những sự cố đáng tiếc tương tự. Hãng thông tấn Fars của Iran thì đưa tin Đại giáo chủ Ali Khamenei đã được thông báo về vụ Iran bắn nhầm máy bay thương mại của Ukraine hôm 10-1 và chỉ đạo rằng thông tin này nên được công bố sau cuộc họp của cơ quan an ninh hàng đầu Iran.

Chuyến bay mang số hiệu PS 752 của hãng hàng không quốc tế Ukraine (UIA) gặp nạn khi đang trên hành trình từ Thủ đô Tehran của Iran tới Thủ đô Kiev của Ukraine sáng 8-1. Chiếc Boeing 737-800 trên cất cánh chỉ vài giờ sau khi Iran phóng hàng chục tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq, nơi các binh sỹ Mỹ và liên quân đồn trú, nhằm đáp trả việc Mỹ không kích sân bay Baghdad khiến Tướng Qasem Soleimani của Iran thiệt mạng. 

Theo tuyên bố của quân đội Iran, tại thời điểm xảy ra tai nạn, chiếc máy bay này đã bị nhầm là "mục tiêu đối thủ" sau khi bay qua một căn cứ quân sự nhạy cảm của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). 

Hãng Fars viết: "Binh sĩ Iran đã nhầm chiếc máy bay chở khách trên là "một mục tiêu thù địch" do hình dạng, độ cao của nó, cũng như chiếc chiếc máy bay đột ngột chuyển hướng về phía một căn cứ vào thời điểm nhạy cảm khi mối quan hệ giữa Mỹ và Iran đang leo thang căng thẳng. Iran khẳng định tất cả các bên liên quan gây ra thảm kịch trên đều sẽ bị đưa ra xét xử tại một tòa án quân sự và sẽ phải chịu trách nhiệm".

Theo tin từ hãng AP, trong số 176 nạn nhân thiệt mạng, 82 người là người Iran, 63 người Canada, 11 người Ukraine, 10 người Thụy Điển, 4 người Afghanistan, 3 người Đức và 3 người Anh. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, giới chức tình báo Mỹ đã tuyên bố có bằng chứng cho thấy máy bay bị bắn hạ bởi một tên lửa của Iran do nhầm lẫn. 

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng đề cập đến nguyên nhân này với thông tin tình báo từ nhiều nguồn rằng "máy bay đã bị bắn hạ bởi một tên lửa đất đối không của Iran". Tuy nhiên, ông Trudeau cũng khẳng định đây là sự cố ngoài ý muốn… Bình luận về sự kiện đáng tiếc này, Chủ tịch Ủy ban phụ trách các vấn đề đối ngoại Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga, ông Konstantin Kosachev cho rằng Iran phải rút ra nhiều "bài học". 

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã hoan nghênh việc Iran nhận lỗi, cho rằng động thái này mở đường cho cuộc điều tra "mà không có bất kỳ trì hoãn nào". Ông Zelensky cũng hy vọng Iran sẽ "hợp tác hoàn toàn" với Ukraine theo luật pháp quốc tế.

Điều tra hộp đen

Phát biểu trước báo giới, Chủ tịch Hãng Hàng không quốc tế Ukraine Yevhenii Dykhne cho biết, ông không tin rằng chiếc Boeing 737-800 bị trục trặc kỹ thuật hay lỗi của phi công khi bị rơi chỉ khoảng 3 phút sau khi cất cánh từ một sân bay ở Tehran. Cũng theo ông Yevhenii Dykhne, cơ quan điều tra của Iran đang nắm giữ hai chiếc hộp đen của máy bay. 

Bổ sung thêm thông tin, Ngoại trưởng Ukraine Vadym Prystaiko nói: "Các điều tra viên Ukraine đã nhìn thấy những hộp đen này, song họ không được tiếp cận. Lời cuối cùng của các phi công trên máy bay là "mọi thứ đều bình thường". 

Còn Tổng thống Ukraine thì bình luận: "Nhà lãnh đạo Cộng hòa Hồi giáo Iran đã thừa nhận bắn nhầm máy bay của Ukraine và thừa nhận đây là lỗi của Iran. Trong cuộc nói chuyện, Tổng thống Iran Rouhani đã nhất trí rằng sẽ ra lệnh cho các chuyên gia Iran, cùng với các chuyên gia Ukraine ngay lập tức tiến hành xác định thi thể các nạn nhân và đưa họ trở về Ukraine sớm. Chúng tôi cũng nhất trí về việc bắt đầu công tác chung giải mã các hộp đen của máy bay. Ngoài ra, hai bên cũng thống nhất sẽ  hợp tác đầy đủ về kỹ thuật và pháp lý, bao gồm cả vấn đề bồi thường".

Giới quan sát quốc tế cho rằng, việc Iran thừa nhận bắn nhầm máy bay Ukraine là bước đi tích cực tiếp theo của Iran khi chủ động hợp tác với các nước điều tra vụ việc. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: "Iran thông báo rằng đã xảy ra lỗi khi bắn nhầm máy bay chở khách. Thật tốt khi những người có trách nhiệm đã thừa nhận gây ra vụ việc. Việc cần làm bây giờ là tìm ra quốc tịch của các nạn nhân thiệt mạng và tiến hành điều tra một cách kỹ lưỡng đồng thời bàn về những hậu quả". 

Hiện người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cũng tuyên bố rằng chính quyền Tehran hoan nghênh bất cứ quốc gia nào có công dân thiệt mạng trong vụ rơi máy bay trên tham gia vào cuộc điều tra. Nhiều quốc gia đã hưởng ứng nhiệt tình lời kêu gọi này như Pháp, Anh… 

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian phát biểu trên đài phát thanh RTL rằng "điều quan trọng là làm sáng tỏ vụ việc ở mức tốt nhất cũng như với thời gian nhanh nhất có thể" và Pháp có thể tham gia cuộc điều tra trên với tư cách là một trong những nước chế tạo các động cơ. Iran cũng đã mời cả Ukraine và Tập đoàn Boeing của Mỹ tham gia điều tra về vụ rơi máy bay. Thậm chí, cả Iran và Ukraine cũng đã nhất trí cho nhận dạng các thi thể nạn nhân và đưa họ trở về Ukraine sớm nhất có thể.

Cho đến chiều tối 12-1, Tư lệnh IRGC Hossein Salami đã phải ra điều trần trước Quốc hội. Tại phiên họp kín này, cũng giống như tuyên bố trước đó của lực lượng phòng không Iran, Thiếu tướng Hossein Salami thừa nhận, do nhầm lẫn mà chiếc máy bay đã "vô tình" trở thành mục tiêu của một tên lửa. 

Trong một đoạn băng video được truyền hình Iran phát trên mạng Internet, Tư lệnh lực lượng không gian trực thuộc IRGC, Thiếu tướng Amirali Hajizadeh nói: "Tôi hoàn toàn nhận trách nhiệm và sẽ chấp thuận bất cứ quyết định nào được đưa ra. Tôi thà chết chứ không bao giờ muốn chứng kiến vụ việc như vậy". 

Đồng thời, Tướng Amirali Hajizadeh còn hé lộ thêm thông tin rằng người điều khiển tên lửa Iran đã hoạt động đơn độc khi bắn hạ máy bay chở khách của Ukraine do hệ thống liên lạc có lỗi. Tức là người điều khiển tên lửa đã nhầm lẫn máy bay Boeing 737 với một "tên lửa hành trình" và chỉ có 10 giây để quyết định có nên bắn hay không. 

"Ở nhiều giai đoạn khác nhau, có thông tin rằng tên lửa hành trình đã được phóng nhằm vào đất nước. Dựa trên thông tin được cung cấp cho người điều khiển rằng đây là một tình huống chiến tranh và tên lửa hành trình đã được phóng đi, người này đã xác định đây là một (tên lửa). Người này buộc phải liên lạc và kiểm chứng. 

Tuy nhiên dường như hệ thống liên lạc của ông đã bị đứt quãng. Hoặc là hệ thống 'bị nhiễu' là nguyên nhân hoặc mạng lưới quá bận hay bất cứ điều gì, khiến ông ta đã không thể liên lạc. Ông ấy chỉ có 10 giây để quyết định. Thật không may, với tình huống như vậy, ông đã đưa ra quyết định tồi tệ này, tên lửa đã được phóng đi và bắn trúng máy bay... máy bay đã vòng lại và rơi tại đây", Tướng Amirali Hajizadeh kể.

Máy bay dân sự của Ukraine đã bị bắn nhầm và rơi xuống một cánh đồng ở Iran hôm 8-1 làm ít nhất 176 người thiệt mạng. ảnh: AP.

Và kế hoạch đền bù thiệt hại

Hiện Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenski, trong đó khẳng định "hoan nghênh bất kỳ hợp tác quốc tế nào liên quan đến vụ tai nạn". Đồng thời, các bên cũng đã bàn bạc tới kế hoạch bồi thường cho các nạn nhân vụ tai nạn máy bay. Cụ thể, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã yêu cầu Iran phải bồi thường và trừng phạt tất cả những người chịu trách nhiệm trong vụ bắn nhầm máy bay chở khách. 

Ông Volodymyr Zelensky nói rằng, Ukraine mong đợi một sự bảo đảm từ Iran rằng nước này sẽ điều tra đầy đủ, kỹ lưỡng và công khai, đưa những người có trách nhiệm ra trước công lý, bàn giao lại các thi thể nạn nhân, trả tiền bồi thường và xin lỗi chính thức thông qua các kênh ngoại giao. Trước mắt, Ukraine sẽ bồi thường 200.000 hryvnia (tương đương 8.350 USD) cho mỗi gia đình có người thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay. Bên cạnh đó, hãng hàng không quốc tế Ukraine (UIA) cũng sẽ bồi thường cho gia đình của các thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay định mệnh này.

Trong một diễn biến khác, các quốc gia cũng đã có những quy định, yêu cầu mới đối với các hãng hàng không để tránh vùng không phận đang đầy nguy hiểm của Iran. Như Cơ quan An toàn hàng không Liên minh châu Âu (EASA) hôm 11-1 đã thông báo, các hãng hàng không châu Âu cần tránh toàn bộ không phận Iran cho tới khi có thông báo tiếp theo. Khuyến cáo trên mở rộng hơn so với khuyến cáo trước đó của Cơ quan này rằng giới chức các quốc gia cần cấm các hãng hàng không bay qua Iran ở độ cao dưới 7.620m.

Chi Anh (tổng hợp)
.
.
.