"Vua nhôm" Oleg Deripaska từng bị FBI mua chuộc

Thứ Sáu, 07/09/2018, 12:32
Tuyên bố hôm 3-9 của người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khiến dư luận khá bất ngờ bởi "Vua nhôm" Oleg Deripaska từng bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Bộ Tư pháp nước này tìm cách tuyển dụng làm người cung cấp thông tin trong giai đoạn 2014-2016, nhưng bất thành.


Ngoài ra, ông Dmitry Peskov còn cho tờ New York Times biết rằng, trong nhiều năm qua, Mỹ đã nỗ lực sử dụng các cơ quan tình báo để tìm cách tuyển dụng công dân Nga, gây sức ép tinh thần và những sức ép khác đối với họ. Và đây là hành động "thô thiển" của Washington khi tìm cách can dự vào công việc nội bộ của Moskva. 

Theo tờ New York Times, vì "Vua nhôm" Oleg Deripaska có quan hệ thân cận với Tổng thống Putin, nên các cơ quan đặc biệt của Mỹ từng gợi ý giúp ông tránh khỏi một số vấn đề pháp lý và xin thị thực vào nước này. Đổi lại, "Vua nhôm" Oleg Deripaska phải cung cấp cho họ thông tin về tội phạm có tổ chức của Nga, và khả năng Moskva trợ giúp chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump năm 2016.

Ông Oleg Deripaska (phải) và Tổng thống Putin.

Có tin nói rằng, cựu điệp viên MI6 của Anh Christopher Steele là người đã giúp FBI tìm cách dụ dỗ "Vua nhôm" Oleg Deripaska. Tổng thống Donald Trump rất tức giận sau khi biết Christopher Steele là người dựng "Hồ sơ Nga có thông tin về đời tư cũng như công việc làm ăn" của mình. 

Được biết, những e-mail về vụ lôi kéo "Vua nhôm" Oleg Deripaska từng được Bộ Tư pháp chuyển cho các nghị sĩ đảng Cộng hòa ở Quốc hội Mỹ hồi đầu năm 2017. Trong đó đáng chú ý nhất là cuộc trao đổi với giữa cựu điệp viên Christopher Steele với ông Bruce Ohr, quan chức Bộ Tư pháp chuyên xử lý vấn đề tổ chức có tội phạm ở Nga. 

Theo giới truyền thông, mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ nhiều lần không cấp visa nhập cảnh cho "Vua nhôm" Oleg Deripaska, nhưng sau khi có sự tác động của FBI họ đã chấp thuận cho ông vào Mỹ năm 2015 và 2016. Theo đạo diễn của FBI, Bộ Ngoại giao Mỹ cho phép "Vua nhôm" Oleg Deripaska đến New York bằng hộ chiếu ngoại giao, với tư cách là thành viên chính phủ Nga dự Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Cuộc gặp cách đây 3 năm (tháng 9-2015) giữa nhân viên FBI với "Vua nhôm" Oleg Deripaska đã diễn ra với vai trò trung gian của cựu điệp viên Christopher Steele và ông Bruce Ohr. Mặc dù bị từ chối, nhưng nhân viên FBI vẫn tới nhà riêng của "Vua nhôm" Oleg Deripaska ở New York hồi tháng 9-2016, để hỏi về ông Paul Manafort, cựu trưởng ban tranh cử của Tổng thống Donald Trump.

Sau khi bị từ chối hợp tác tới 2 lần, "Vua nhôm" Oleg Derispaska đã bị Washington trừng phạt. 5 tháng trước (6-4-2018), Bộ Tài chính Mỹ đã gia tăng trừng phạt đối với Tập đoàn Rusal của "Vua nhôm" Oleg Derispaska với lý do ông được hưởng lợi từ những "hoạt động ác ý của Nga".

Ngoài ra, cơ quan chức năng Mỹ còn cáo buộc "Vua nhôm" Oleg Derispaska tội tống tiền, bảo kê, đưa hối lộ, dính líu tổ chức tội phạm và thậm chí ra lệnh giết một doanh nhân Nga. Lệnh trừng phạt của Mỹ lập tức khiến thị trường nhôm thế giới gặp khó khăn, và một số quốc gia cùng nhiều công ty phải cố gắng vận động Bộ Tài chính Mỹ nới lỏng các điều khoản đối với Tập đoàn Rusal.

Theo hãng Reuters, lệnh trừng phạt đã tác động mạnh mẽ đến Tập đoàn Rusal - chuỗi bán hàng và cung ứng của họ bị gián đoạn nghiêm trọng. Washington tuyên bố, Tập đoàn Rusal có thể tránh bị trừng phạt nếu cắt đứt quan hệ với "Vua nhôm" Oleg Deripaska. 

Do đó, "Vua nhôm" Oleg Deripaska đã phải từ chức cùng với gần một nửa ban lãnh đạo của Tập đoàn Rusal để tránh các đòn trừng phạt của Mỹ. Tháng 6-2018, các cổ đông của Tập đoàn Rusal đã tiến hành bầu ban giám đốc mới, với các nhà quản lý độc lập chiếm đa số. Hơn 1 tháng trước (20-7), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, có thể đưa Tập đoàn Rusal ra khỏi danh sách trừng phạt bởi nhiều công ty châu Âu, trong đó có Đức đã đề nghị như vậy. 

Một trong những lý do khiến Đức phải lên tiếng bởi Tập đoàn Rusal đang hợp tác với hãng sản xuất ôtô Volkswagen. Được biết, Tập đoàn Rusal có tài sản ở Italia, Ireland, Thụy Điển, Nigeria, Guyana, Guinea, đồng thời có cổ phần trong hãng chế biến nhôm QAL của Australia.

Theo giới truyền thông, ngoài việc phải từ chức tại Tập đoàn Rusal, "Vua nhôm" Oleg Deripaska còn trả lại 3 máy bay riêng đang thuê của hãng Gulfstream vì lệnh trừng phạt của Mỹ. "Ông Derispaska bị trừng phạt nên phải trả lại máy bay, và sớm chấm dứt hợp đồng thuê máy bay theo quy định của lệnh trừng phạt", ông Alireza Ittihadieh, Giám đốc Công ty buôn bán hàng không Freestream, nơi rao bán 3 chiếc máy bay kể trên (được rao bán với giá 29,95 triệu USD/chiếc) nói với hãng Reuters. 

Dư luận cũng khá quan tâm tới thông tin của tờ The Guardian khi được biết, "Vua nhôm" Oleg Deripaska đã gia nhập nhóm hàng trăm người nước ngoài giàu có bỏ tiền mua quốc tịch Cyprus, để có thể đi lại tự do trong Liên minh châu Âu (EU) mà không cần visa.

Thiện Lân
.
.
.