“Vua trộm” Yip Kai-foon làm thay đổi Cảnh sát Hồng Kông

Thứ Năm, 20/07/2017, 15:36
"Vua trộm" Yip Kai-foon qua đời vào tháng 4 vừa qua tại Bệnh viện Queen Mary, là một trong những ông trùm tội phạm khét tiếng của Hồng Kông trong những năm 1980 - 1990, buộc cảnh sát phải thay đổi cách thức xử lý tội phạm có tổ chức.


Một nhân viên cảnh sát kỳ cựu nhớ lại bài viết đăng trên tờ The Post, rằng sự xuất hiện của nhiều tên tội phạm đến từ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc tiến hành các vụ cướp trang sức quy mô lớn tại các cửa hàng trang sức buộc lực lượng cảnh sát phải mở rộng phạm vi điều tra và trang bị thêm vũ khí.

"Vũ khí và thiết kế của khẩu súng ngắn được cảnh sát sử dụng trong những năm 1980 không thể so sánh được với những vũ khí hạng nặng mà bọn cướp sử dụng", viên chức cảnh sát giấu tên cho biết. “Không đủ áo chống đạn cho nhân viên Bộ phận Khẩn cấp, vì vậy chúng tôi phải nâng cấp vũ khí, thay đổi chiến thuật và mở rộng Cục Phòng chống tội phạm nghiêm trọng và tội phạm có tổ chức (OSCB) nhằm chống lại bọn tội phạm nguy hiểm".

Năm 1995, Pháp lệnh về tội phạm nguy hiểm và tội phạm có tổ chức (OSCO) chính thức có hiệu lực nhằm nâng cao sức mạnh của lực lượng cảnh sát trong việc điều tra tội phạm nguy hiểm, bao gồm tội phạm liên quan đến tổ chức ngầm Hội Tam điểm. Nó cho phép tòa án phạt nặng hơn và tịch thu tiền phát sinh từ những tội phạm nhất định, kể cả hoạt động rửa tiền

Vua trộm Yip Kai-foon, người mang lại cảm hứng cho bộ phim “Trivisa”, mất tại bệnh viện

Vua trộm Yip sinh ra ở Quảng Đông, đến thành phố cảng bằng con đường bất hợp pháp vào năm 1978, khi mới 17 tuổi. Yip bắt đầu thực hiện các vụ cướp bằng súng năm 20 tuổi. Tháng 10-1984, Yip dẫn đầu 5 tên cướp đột nhập các cửa hiệu đồ trang sức. Sau đó Yip bị bắt, bị kết án tù. Tuy nhiên, nhân cơ hội được nằm điều trị tại Bệnh viện Queen Mary, Yip đã trốn thoát.

Tháng 6-1991, Yip trở lại Hồng Kông tiến hành cuộc đột kích táo bạo lấy đi số vàng và đồ trang sức trị giá 10 triệu đô la Hồng Kông từ 5 cửa hàng trên cùng một con phố ở Kwun Tong. Với trang bị gồm súng máy và súng ngắn AK-47, Yip và băng đảng đã bắn vào cảnh sát khoảng 54 lần.

Cuộc đột kích vào cửa hàng trang sức Nathan Road tháng 1-1993 đã mang dấu ấn "bậc thầy" Yip. Một bài báo đăng ngay ngày hôm sau viết: "Bọn cướp đã bắn hơn 30 phát, chủ yếu từ súng AK-47, trong khi các cảnh sát bắn lại 17 phát trong suốt cuộc chạm trán. Chứng kiến sự hỗn loạn từ Mong Kok đến Hung Hom, người dân xung quanh tìm chỗ ẩn náu, còn các lái xe thì bỏ cả của mà chạy”.

Trong phi vụ cuối cùng, Yip bị bắt vào tháng 5-1996 sau khi “đọ súng” với cảnh sát tại thị trấn Kennedy và lén trở lại thành phố trên chiếc tàu đầy súng cùng chất nổ với những tin đồn ông có kế hoạch bắt cóc con trai của ông trùm Li Ka-shing để đòi " khoản tiền chuộc lớn". 

Yip bị kết án 41 năm tù với các tội danh tàng trữ vũ khí, đạn dược và trốn trại. Sau khi kháng cáo, Yip được giảm án còn 36 năm 3 tháng. 

Cuộc sống của Yip và 2 tên cướp khác - Kwai Ping-hung và Cheung Tsz-keung - là nguồn cảm hứng cho sự ra đời của bộ phim “Trivisa”, bộ phim gần đây đã giành được giải Phim xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Phim Hồng Kông lần thứ 36.

Xuân Trường
.
.
.