Vùng biên giới Ấn Độ - Trung Quốc tiếp tục "dậy sóng"

Thứ Tư, 03/06/2020, 17:43
Ngày 27-5, Ấn Độ đã điều thêm 5.000 quân đến vùng Ladakh, trên dãy Himalaya, để tăng viện cho lực lượng đang trấn giữ vùng đất dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) hiện được coi là biên giới với Trung Quốc.


Đây là phản ứng mới nhất của New Delhi sau khi Bắc Kinh cũng cho triển khai một số quân tương tự bên phần đất Trung Quốc. Việc hai cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân đang bị lôi cuốn vào một cuộc đọ sức căng thẳng ở vùng biên giới tranh chấp, làm dấy lên quan ngại về nguy cơ xung đột quân sự bùng lên trở lại giữa hai bên.

Tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc liên quan đến nhiều khu vực trên một đường biên giới dài gần 3.500 cây số dọc theo dãy Himalaya không có gì mới, mà đã xuất hiện từ cách nay 80 năm, từng làm dấy lên một cuộc chiến tranh giữa hai nước vào năm 1962. 

Từ đó đến nay, vấn đề phân định biên giới trên bộ Ấn - Trung vẫn chưa được giải quyết dứt khoát, cho dù giữa hai bên đã có hơn 20 vòng đàm phán.

Tranh chấp biên giới là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng giữa hai nước, và trong thời gian một chục năm gần đây, Trung Quốc đã nhiều lần cho binh lính tiến sâu vào bên trong vùng lãnh thổ dưới quyền kiểm soát của Ấn Độ, buộc Ấn Độ tăng cường quân lên biên giới để đẩy lùi. 

Ân Độ cáo buộc trong khoảng thời gian từ năm 2016- 2018, Trung Quốc đã cho binh lính xâm nhập vào lãnh thổ Ấn Độ hơn 1.000 lần. Tuy nhiên, đây chủ yếu là những sự cố nhỏ và hai bên chưa bao giờ nổ súng vào nhau, đúng theo thỏa thuận đã ký vào những năm 1990.

Vào năm 2014, hơn 200 lính Trung Quốc đã thâm nhập vào một khu vực phía Tây dãy Himalaya để xây một con đường trước khi bị lực lượng Ấn Độ đẩy lùi. 

Một sự cố khác diễn ra vào năm 2017, công binh Trung Quốc tiến vào xây một con đường trong một khu vực trên cao nguyên Doklam ở vùng Himalaya mà cả Trung Quốc lẫn Bhutan đều đòi chủ quyền. Quân đội Ấn Độ đã can thiệp trực tiếp và lực lượng Trung Quốc đã phải rút về bên kia biên giới.

Tuy nhiên, tình hình đã bất ngờ trở nên rất căng thẳng từ đầu tháng 5 đến nay, với liên tiếp hai sự cố khiến cả trăm người bị thương ở khu vực thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ ở vùng biên giới trên cao nguyên Ladakh, phia Tây dãy Himalaya. 

Theo trang mạng Mỹ Vox ngày 28-5, chưa rõ là nguyên nhân thổi bùng căng thẳng đến từ đâu, nhưng Chính phủ Ấn Độ đã lên cáo buộc lính Trung Quốc hồi đầu tháng 5 đã vô cớ ném đá vào binh sĩ Ấn Độ. Ngay sau đó, Trung Quốc đã  cáo buộc ngược lại rằng chính lực lượng Ấn Độ đã xâm nhập vào lãnh thổ Trung Quốc bất hợp pháp.

Ai đúng, ai sai chưa rõ, nhưng điều chắc chắn là đã có khoảng 100 lính ở cả hai phía bị thương trong hai vụ xô xát ngày 5 và 9-5. Không có ai thiệt mạng, không có một tiếng súng nào, tuy nhiên các sự cố nói trên đã thúc đẩy hai bên leo thang tranh chấp và cấp tốc phái lực lượng tăng viện đến khu vực.

Vấn đề biên giới Ấn Độ-Trung Quốc một lần nữa "dậy sóng", gây lo ngại cho quan hệ song phương.

Vào thời điểm hiện nay, hàng ngàn binh sĩ đang cắm trại ở hai bên thung lũng Galwan, một vùng lãnh thổ tranh chấp trên cao nguyên Ladakh. Quân đội hai nước đã đào những công sự phòng thủ mới, thiết bị quân sự và vũ khí đã được vận chuyển thêm đến các tiền đồn ở cả hai bên biên giới. 

Tình trạng tăng cường vũ trang vào lúc này đã khiến các chuyên gia lo ngại rằng lực lượng hai bên có thể bám trụ lâu dài trong vùng, và nguy cơ một cuộc chiến tranh biên giới trên quy mô lớn như vào năm 1962 không thể loại trừ.

Theo các chuyên gia phân tích, tình hình căng thẳng Ấn-Trung hiện nay không đơn thuần là hệ quả của tranh chấp biên giới đã kéo dài hàng thập kỷ, mà còn bắt nguồn từ sự cạnh tranh quyền lực giữa hai cường quốc hạt nhân châu Á. 

Trung Quốc thường xuyên sử dụng sức mạnh quân sự để "bắt nạt" các nước láng giềng và đòi thêm lãnh thổ, kể cả những vùng đồi núi dọc theo biên giới với Ấn Độ. 

Về phần mình, Ấn Độ đã và đang xây dựng những con đường và phi đạo dọc theo biên giới với Trung Quốc trong nỗ lực kiểm soát chặt chẽ hơn các khu vực có giá trị chiến lược này. Các hành động của New Delhi đã khiến Bắc Kinh hết sức bất bình.

Theo ông Michael Kugelman, chuyên gia về Nam Á tại Trung tâm Tham vấn Wilson Center ở Washington (Mỹ), chừng nào cuộc cạnh tranh trong khu vực còn tiếp diễn và các vấn đề biên giới vẫn chưa được giải quyết, các vụ đối đầu, chạm trán hoàn toàn có thể tiếp tục xảy ra. Theo chuyên gia này, đó sẽ là "một điều bình thường mới" trong những tháng, thậm chí những năm tới đây.

Về tình hình căng thẳng đang diễn ra, chuyên gia Adam Ni, Giám đốc điều hành tại Trung tâm Về chính sách Trung Quốc tại Australia cho rằng: "Cả hai phía đều nghĩ rằng bên kia là kẻ xâm lược". 

Riêng ông Ashok K. Kantha, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc, trả lời báo Anh The Guardian ngày 27-5 cho rằng cuộc đối đầu đang diễn ra không chỉ mang tính chất giới hạn ở địa phương. Theo ông: "Lần này, Trung Quốc có hành vi hung hăng hơn, huy động một số lượng quân đội khá lớn, điều ít thấy tại vùng biên giới này".

Đối với cựu đại sứ Ấn Độ, hành động của Trung Quốc có thể là một "thông điệp có ý nghĩa bao quát hơn vấn đề yêu sách lãnh thổ, nhằm cảnh cáo Ấn Độ rằng nên quan tâm hơn đến lợi ích của Trung Quốc trên những vấn đề địa chính trị nhạy cảm".

Cho dù tình hình căng thẳng, nhưng nhiều nhà phân tích vẫn tương đối lạc quan, ghi nhận những nỗ lực ngoại giao đang diễn ra giữa New Delhi và Bắc Kinh để giải quyết vụ đối đầu ở vùng Ladakh. Theo các chuyên gia này, vào lúc phải đau đầu đói phó với dịch COVID-19, không bên nào thực sự muốn có chiến tranh.

Minh Trang (theo RFI)
.
.
.