Vùng biển nguy hiểm nhất thế giới

Thứ Ba, 20/08/2019, 10:41
Trong những năm qua, hàng loạt cường quốc hàng hải trên thế giới đã tham gia nỗ lực chống nạn cướp biển tại các vùng biển của châu Phi. Tuy nhiên, nghèo đói và bất ổn chính trị của các quốc gia ven biển khiến tình trạng này ngày càng phức tạp.


Ngày 15-8, nhóm cướp biển đã tấn công 2 tàu và bắt cóc 17 thuyền viên tại Vịnh Guinea thuộc vùng biển của Cameroon. Hiện lực lượng an ninh sở tại đang mở cuộc tìm kiếm những người bị bắt cóc. Trong số 17 thuyền viên bị bắt cóc, có 9 người Trung Quốc và 8 người Ukraine. 

Giới chức an ninh không loại trừ khả năng cướp biển Nigeria là thủ phạm. Vịnh Guinea là nơi cướp biển hoành hành mạnh nhất hiện nay, từ cướp các tàu chở dầu, đánh bắt cá trái phép, buôn người và ma túy, biến khu vực này trở thành vùng biển nguy hiểm nhất thế giới.

Ông Noel Choong, người đứng đầu Cơ quan Hàng hải quốc tế (IMB) xác nhận có tổng cộng 17 thuyền viên trên 2 tàu bị bắt cóc khi hai tàu này thả neo gần cảng Doula (Cameroon). 

Tàu thứ nhất thuộc sở hữu của Đức mang cờ Antigua và Barbuda và có 8 trong tổng số 12 thuyền viên là người châu Á và châu Âu bị bắt. Tàu thứ 2 mang cờ Liberia có chủ sở hữu Hy Lạp có 9 trong tổng số 21 thuyền viên bị bắt. 

Hiện IMB đã cảnh báo tất cả các tàu đi qua cảng Douala cần hết sức cảnh giác. Hải quân Cameroon nhận định những kẻ bắt cóc có thể là hải tặc Nigeria. Người này cũng cho biết lực lượng an ninh Cameroon đã mở cuộc tìm kiếm những thủy thủ bị bắt cóc.

Trong những năm qua, hàng loạt cường quốc hàng hải trên thế giới đã tham gia nỗ lực chống nạn cướp biển tại các vùng biển của châu Phi. Tuy nhiên, nghèo đói và bất ổn chính trị của các quốc gia ven biển khiến tình trạng này ngày càng phức tạp.

Cướp biển trên vịnh Guinea gây thiệt hại tới 2 tỉ USD/năm.

Theo IMB, 3 năm trở lại đây, nạn cướp biển tại châu Phi đã chuyển từ vùng biển ngoài khơi Somalia thuộc Ấn Độ Dương sang vịnh Guinea. Vịnh Guinea là một vịnh thuộc Đại Tây Dương ở phía Tây Nam châu Phi, chạy từ mũi Palmas ở Liberia tới mũi Lopez ở Gabon. 

Tên của vịnh này bắt nguồn từ tên các bờ biển ở châu Phi. Tên "Guinea" vẫn gắn liền với tên của ba quốc gia ở châu Phi là Guinea, Guinea-Bissau, và Guinea Xích Đạo, cũng như New Guinea ở Melanesia. Có hai con sông chảy ra vịnh Guinea là sông Niger và sông Volta.

Vùng biển ngoài khơi Tây Phi hiện bị coi là khu vực nguy hiểm nhất thế giới đối với các phương tiện hàng hải do nạn cướp biển hoành hành. Trong khi số vụ cướp biển có xu hướng giảm trên phạm vi toàn cầu, vấn nạn này lại có chiều hướng gia tăng tại Tây Phi cả về quy mô lẫn mật độ.

Tháng 6- 2019, Tổ chức One Earth Future (trụ sở tại Mỹ) công bố Báo cáo thường niên về tình trạng cướp biển trên thế giới đã thống kê trong năm 2018, tại Tây Phi xảy ra 112 vụ cướp biển, tăng khoảng 10% so với năm 2017 và 50% so với năm 2015. Trong khi đó, trong giai đoạn 2015-2018, số vụ cướp biển tại châu Á đã giảm 50%, xuống còn khoảng 90 vụ và riêng khu vực Đông Á giảm 20%, xuống còn khoảng 10 vụ. 

Còn theo thống kê của IMB,  6 tháng đầu năm 2019, tại Vịnh Guinea đã có 62 thuyền viên bị bắt cóc hoặc giữ làm con tin khi tàu của họ đi qua, chiếm tới 73% số vụ bắt cóc và 92% các vụ bắt giữ con tin trên các vùng biển thế giới. Đây là một thách thức lớn của 17 nước vùng vịnh Guinea và các vùng lân cận mặc dù trong nhiều năm qua, các nước đã nỗ lực nâng cao năng lực đảm bảo an ninh an toàn hàng hải.

Cướp biển hoạt động ngoài khơi Nigeria, Togo hay Benin thường được trang bị vũ khí và hành xử bạo lực và thường sử dụng những con tàu đủ lớn để chất hàng cướp được. Cướp biển chỉ trả tự do cho các tàu thuyền và thủ thủy đoàn sau khi nhận được tiền chuộc.

One Earth Future cho biết, giờ đây các nhóm cướp biển ở khu vực Tây Phi không chỉ tập trung tấn công các mục tiêu truyền thống như tàu chở dầu và tàu container cỡ lớn, mà còn nhắm vào các đội tàu buôn cỡ nhỏ hơn và thậm chí là tàu đánh cá di chuyển qua vùng biển này, đặc biệt tại hải phận ngoài khơi vịnh Guinea. 

Những vụ tấn công ở ngoài khơi vịnh Guinea, kéo dài từ Bờ Biển Ngà đến Nigeria và xuôi xuống Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) tăng mạnh do những mối lợi kinh tế hấp dẫn các băng nhóm tội phạm có tổ chức và sự yếu kém của chính quyền trong việc trấn áp tội phạm khu trú ở vùng bờ biển.

Trong những năm gần đây, cướp biển mở rộng mục tiêu đến những chuyến tàu chở dầu và hàng hóa ngoài khơi. Vịnh Guinea được đánh giá là nằm ở một trong những khu vực có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới. Châu Phi hiện chiếm 10% trữ lượng dầu toàn cầu và còn nhiều mỏ dầu chưa được phát hiện. 

Nạn cướp biển không chỉ đe dọa riêng ngành vận tải biển mà còn tác động xấu đến kinh tế thế giới. Tổn thất do cướp biển gây ra ở vùng vịnh Guinea, gồm giá trị hàng hóa bị cướp, phí bảo hiểm cũng như chi phí cho an ninh, ước tính đã lên đến 2 tỉ USD/ năm.

Minh Khuê (tổng hợp)
.
.
.